Người ta biết nhiều đến một nhà phê bình văn học hàng đầu Việt Nam trong thế kỷ 20 Hoài Thanh với cuốn ”Thi nhân Việt Nam”, được Nhà nước trao tặng ”Giải thưởng Hồ Chí Minh”. Người ta cũng biết đến những người con trai của một Hoài Thanh tài hoa đã kế nghiệp cha và cũng trở nên nổi tiếng là nhà phê bình văn học Từ Sơn, nhà phê bình mỹ thuật Khương Huân, nhà lý luận, TS văn học Phan Hồng Giang. Nhưng còn một người con trai út, một tài năng của nền khoa học Việt Nam, không thua kém gì các anh, nhưng do tính chất công việc nên không được ”nổi tiếng” bằng. Đó là PGS - TS Nguyễn Đức Cương, Viện phó Viện Tên lửa của Bộ Quốc phòng, một chuyên gia về thuỷ khí động học có tầm cỡ không chỉ ở Việt Nam mà còn ở cả trên trường quốc tế.
Quê gốc ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, nhưng Nguyễn Đức Cương được sinh ra ở Huế, lớn lên, học tập và trưởng thành ở đất Hà Nội. Những năm theo học trường Trưng Vương, ông vẫn nhớ mình học hành chỉ cỡ nhàng nhàng, ậm ạch trên trung bình. Mãi đến năm học lớp 8, một thầy giáo mới phát hiện ra khả năng toán học của cậu học trò Cương hiếu động và hướng cậu theo con đường toán học. Từ đó, cậu mới dần dần nhận thấy khả năng và niềm say mê của mình. Trong trí nhớ của Nguyễn Đức Cương về thời thơ ấu vẫn còn đọng lại những ký ức về tuổi thơ ở ngôi nhà 23 Ngô Thì Nhậm với những người hàng xóm là nhà thơ Lưu Trọng Lư, là cậu bạn nhỏ Lưu Quang Vũ, con chú Thuận... Thời đó, bố đang làm ”Vụ trưởng Vụ Nghệ thuật Bộ Văn hoá, mẹ thì làm phòng Văn hoá Quần chúng. Chẳng biết có phải do cái gen của bố mẹ không, nhưng cậu bé Cương đã hay đầu têu bọn trẻ ở khu tập thể làm báo tường. Cậu bé Cương nhận chức chủ bút, lấy quyền bắt Quang Vũ (ít hơn vài tuổi) phải sửa bài, Vũ nhất định không chịu sửa. Bắt ép mãi không được, ”chủ bút” phải chịu, không sửa thì ...thôi, cho đăng cả. Có lần, Cương cùng Lưu Trọng Nê đi chơi về, gần đến nhà, trong đầu Cương đột nhiên phát sinh ”ý tưởng” thử doạ bố một phen. Cương đưa cái mũ đang đội trên đầu cho Nê cầm, giả hớt hải chạy về mách: ”Cương bị tai nạn”. Cụ Hoài Thanh đang nằm trên giường thiu thiu ngủ, giật bắn người, bật giậy hoảng hốt kêu: ”ối chu cha...” Thấy cha hốt hoảng, Cương nấp ở cửa, cầm lòng không đậu bèn nhảy ra. Cụ Thanh thấy con trai, lúc đó mới hoàn hồn và cho cậu một bài vì tội nghịch dại. Tuổi thơ cứ thế trôi đi, bố bận công tác, mẹ bận làm báo (cụ bà Phan Thị Nga, tác giả của nhiều bài báo đăng trên ”Ngày nay”, ”Phụ nữ tân văn”... và cuốn ”Nhật ký trong lao Thừa Phủ”), không có những bài giáo huấn giảng đạo đức, chỉ có nền tảng văn hoá gia đình mà bố mẹ tạo ra, các con cứ tự học, tự hướng theo những giá trị bố mẹ tạo dựng mà lớn lên, mà thành người.
Đến năm 1961, lúc đó Cương 16 tuổi, Không quân tuyển sinh để đi du học, vì chưa đủ tuổi nên cậu phải làm đơn tình nguyện. Về nhà ‘’báo cáo’’ với bố mẹ nhưng không ai tin, lại cứ tưởng con đùa, đến khi có giấy báo, bố mẹ phải đến tận trường hỏi mới biết là thật. Cuối năm 1965, Nguyễn Đức Cương đã về làm trợ lý kỹ thuật của Trung đoàn 92, trung đoàn ”Sao Đỏ” và là trung đoàn đầu tiên của không quân Việt Nam, nơi tập trung những phi công tên tuổi như Trần Hanh, Nguyễn Văn Cốc, Phạm Thanh Ngân, Phạm Ngọc Lan... Anh cũng đồng thời là thầy của nhiều lớp phi công thời đó. Nguyễn Đức Cương nhiều lần có những đóng góp cho không quân Việt Nam. Trong một trận chiến trên không, máy bay của ta bị tên lửa địch bắn cháy. Chiến sĩ phi công nhảy dù nhưng hy sinh vì toàn bộ hộp che không hoạt động, cả khối hộp cùng người rơi xuống đất mà dù không bật mở. Trong chiến tranh, tính mạng của một người lính rất đáng quý, đặc biệt là một chiến sĩ phi công, bởi chúng ta phải mất rất nhiều công sức mới đào tạo được một phi công giỏi ở Liên Xô. Cấp trên mà cụ thể là đồng chí Trần Hanh trực tiếp chỉ thị cho Nguyễn Đức Cương phải nghiên cứu lại hộp che và tìm ra nguyên nhân của sự cố. Anh đã phát hiện ra nắp buồng lái bằng mica bị vỡ trên không, trước khi nó kịp khớp với các bộ phận khác để bật dù. Thế là bài toán đã có lời giải. Nguyễn Đức Cương viết bản trình bày gửi sang Liên Xô, không biết các nhà nghiên cứu và sản xuất máy bay bên đó coi trọng bản tường trình này đến đâu, chỉ biết những loại máy bay sản xuất ra sau này hoàn toàn khắc phục nhược điểm chết người đó.
Cũng trong năm này, Liên Xô quyết định trang bị cho không quân Việt Nam loại máy bay MIC 21 thay thế cho MIC 17 để có thể đối đầu với loại F4 của Mỹ. Việc chuyển loại máy bay cũng đồng nghĩa với việc ta phải thay đổi chiến thuật đánh. Loại MIC 17 dùng hoả lực pháo nên không quân ta thường dùng chiến thuật bám sát mục tiêu,”cứ thắt lưng địch mà đánh”. Còn đối với MIC 21, do có ưu thế về mặt tốc độ và hoả lực vì dùng tên lửa, nên không thể áp dụng cách đánh cũ. Hồi đầu, chưa thay đổi chiến thuật, MIC 21 cứ ra quân là thất bại, không đánh được, mọi người đều nản, thậm chí có người còn muốn quay lại dùng MIC 17. Cuối cùng, Trung đoàn trưởng Trần Mạnh cùng Nguyễn Đức Cương và đồng đội đã tìm ra cách đánh mới là tổ chức đội hình từ xa, đánh vào địch với tốc độ lớn. MIC 21 đã phát huy được tác dụng. Quân ta giành thắng lợi lớn.
Năm 1977, tạp chí Hàng không vũ trụ (Mỹ) lần đầu tiên mô tả một loại cánh nhỏ lắp ở đầu cánh máy bay vận tải, lấy tên là Witcomb, có tác dụng giảm lực cản, tiết kiệm tới 7% nhiên liệu. Wincomb dùng thực nghiệm để tìm ra một số trường hợp cụ thể, còn Nguyễn Đức Cương tiếp cận vấn đề bằng cách dùng toán học hiện đại với sự trợ giúp của máy tính điện tử, có thể tìm lời giải đáp cho bất kỳ loại máy bay nào với các chế độ bay khác nhau. Nhưng do phải bí mật quân sự nên kết quả nghiên cứu trong luận án PTS này không được công bố rộng rãi. Tiếp đến, trong luận án TS, anh đã đưa ra được những thuật toán tối ưu hoá và bộ chương trình phần mềm thiết kế khí động học các dạng cánh máy bay ở tốc độ siêu âm. Riêng phần mềm do anh thiết kế dùng trong luận án đã có tới 2000 lệnh. ở Liên Xô ngày ấy, những người lãnh đạo các viện thiết kế máy bay mang tên các tổng công trình sư nổi tiếng như Tôbulép, Antonốp, Micôian... đã sớm tiếp cận với công trình của Nguyễn Đức Cương, sử dụng phần mềm mô phỏng số do anh sáng tạo để tính toán thiết kế các loại máy bay dân dụng và quân sự của họ.
Gần đây, nói đến Nguyễn Đức Cương, người ta lại biết đến anh qua việc chủ trì thiết kế thành công buồng tập lái máy bay BT -21, tiết kiệm cho Nhà nước nhiều ngoại tệ do không phải nhập buồng tập của nước ngoài, bên cạnh đó đã giải quyết được hàng loạt các vấn đề khoa học, công nghệ lớn. Rồi lại đến việc phụ trách nghiên cứu phương pháp bay gieo, chủ trì thiết kế thiết bị dẫn đường tự động và điều khiển máy gieo hạt tự động trên máy bay phục vụ cho việc gieo hạt trồng rừng. Công trình này đã được Nhà nước trao ”Giải thưởng sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam 2000”.
Năm nay đã gần 60 tuổi, PGS - TS Nguyễn Đức Cương đã có tất cả: sự thành công trong nghề nghiệp, một người vợ hiền, hai đứa con gái ngoan và có những người học trò thành đạt. Nhưng đến giờ, trong tâm khảm ông vẫn mãi mãi ghi nhớ và tuân theo lời dạy cuối cùng của người cha kính yêu: ”Giá trị của mỗi người được xác định bởi sự đóng góp cho xã hội”. Vì vậy, ông đã chọn cho mình con đường đi riêng, phù hợp với khả năng và sở thích của mình, để đạt tới mọi thành công trong đó, theo ông ”thành công lớn nhất là trở thành con người có ích cho xã hội”.
Người đi theo con đường của riêng mình...
TCCT
Giáo sư M.I. Nhitxtơ, nhà thuỷ khí động học Xô Viết lừng danh ở Học viện Ducốpxki: ”ở Liên Xô chưa ai làm tiến sĩ khoa học kỹ thuật dưới 5 năm và thường họ có được học vị cao quý đó ở độ tuổi 50 trở l