Người giữ gìn âm nhạc truyền thống

LTS: GS. TS. Trần Văn Khê là một nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng ở Việt Nam. Ông sinh 24 tháng 7 năm 1921, tại tỉnh Vĩnh Long. Ông là thành viên của Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thô

 

Ông sang Pháp du học từ năm 1949. Sau 50 năm nghiên cứu và giảng dạy ở Pháp, nay ông trở về sinh sống và tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc dân tộc tại Việt Nam. Ông cũng là người đã hiến tặng cho Thành phố Hồ Chí Minh 420 kiện hiện vật quý, trong đó có nhiều loại nhạc cụ dân tộc và tài liệu âm nhạc.

Mặc dù tuổi cao và sức khỏe có hạn và thời gian eo hẹp, nhưng GS. TS. Trần Văn Khê (sau ít ngày sinh nhật lần thứ 89) vẫn dành cho cộng tác viên Tạp chí Công nghiệp một buổi trò chuyện chân thành và bổ ích. Sau đây là lược ghi một số nội dung của buổi trò chuyện này.

Hỏi: “Thân cư tại ngọai, tâm tại quê hương”, đây có phải chính là tâm tư của Giáo sư?

GS. TS Trần Văn Khê: Ở Pháp, tôi đã thực hiện được hoài bão và nguyện vọng là đem tiếng nhạc Việt Nam giới thiệu khắp năm châu bốn biển. Việt Nam là quê hương và là nơi tôi thừa hưởng di sản nghệ thuật âm nhạc dân tộc. Do vậy, lần này về quê hương tôi có ý định sẽ tiếp tục công việc nghiên cứu, giảng dạy, gặp gỡ các bạn bè trong và ngoài nước trong việc bảo vệ, bảo tồn và phát huy vốn âm nhạc truyền thống. Bên cạnh đó, tôi sẽ công bố và đưa ra những gì mình đã chuyên tâm nghiên cứu về âm nhạc suốt mấy chục năm qua tới các trường học cũng như đối với những nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, nghệ nhân yêu mến âm nhạc. Tôi mong muốn, những tài liệu, hiện vật, công trình nghiên cứu về âm nhạc của tôi sẽ được mọi người tiếp nhận và phát huy.

Hỏi: Thưa Giáo sư, gần cả cuộc đời của ông đã để nghiên cứu, giữ gìn, lưu truyền và quảng bá với cả thế giới vốn di sản văn hóa- âm nhạc truyền thống Việt Nam. Vậy động lực - tình yêu nào đã tạo nên sự đam mê để giúp cho đất Việt còn giữ được tài sản khổng lồ và gần như là duy nhất này?

 GS. TS. Trần Văn Khê: Có thể nói đúng ra những gì mà tôi làm được chỉ là một “sự nghiệp tinh thần” gồm có những văn bản, hình ảnh, đĩa hát, băng từ, những hiện vật liên quan đến đời sống cá nhân và nghề nghiêp của tôi trong mấy chục năm qua. Tôi giữ gìn những tư liệu để cho người Việt trong và ngoài nước, bạn bè năm châu bốn biển hiểu về văn hóa, nghệ thuật dân tộc Việt và cho người Việt hiểu văn hóa, nghệ thuật của nhiều nước trên thế giới. Vì chỉ có hiểu nhau mới thương yêu nhau và chỉ có thế mới làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là lẽ sống và là mục đích của cuộc đời nên tôi để cả cuộc đời thực hiện nó. Tôi không có cuộc sống hưởng thụ như, không uống rượu, không hút thuốc, không đổi xe theo thời trang. Khi có dịp ra nước ngoài dự hội nghị, thời gian và tiền đều dành cho việc tìm mua sách nghiên cứu, đĩa hát ghi nhạc truyền thống của các dân tộc. Tôi được Pháp và UNESCO gởi đi công tác tại nhiều nơi, được mời tham dự hội nghị, hội thảo, Liên hoan âm nhạc quốc tế trên 67 nước, nên tôi mới có dịp sưu tầm, những hiện vật tôi có được đến ngày nay.

Hỏi: Là người sống, học tập, nghiên cứu và giảng dạy ở nước ngoài cũng như có uy tín quốc tế (50 năm) trong ngành nghệ thuật, ông có thể cho biết, nước ngoài họ dạy âm nhạc như thế nào?.

GS. TS Trần Văn Khê: Nước ngoài giảng dạy âm nhạc trong các trường không dạy học sinh trở thành nhạc sĩ, ca sĩ, mà dạy cho họ biết âm nhạc là gì và biết thưởng thức âm nhạc. Ví dụ, dạy trong hát bội có bao nhiêu cách nói lối. Ít nhất biết ca trù là gì, chầu văn là gì. Từ từ họ biết, nghe, lĩnh hội được, rồi dần dần ai thích cái gì thì học cái đó.

Hỏi: Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài rất thành đạt, trong đó nhiều người là GS đầu ngành… nhưng ít người về nước sống, làm việc và cống hiến cho đất nước?

GS. TS. Trần Văn Khê: Đa số người Việt Nam đều mong muốn về phụng sự đất nước. Nhưng khó khăn đầu tiên là không có môi trường làm việc, ví dụ người nghiên cứu không có phòng thí nghiệm... Ở nước ngoài họ được hưởng lương cao, nhưng nếu về nước với đồng lương hiện có thì họ không thể sống được để cống hiến. Một điều nữa là họ chưa được tôn trọng đúng vị thế, không coi họ là người có ích cho xã hội. Trong khi đó, phương Tây họ đáp ứng bằng lương bổng, thưởng và tôn vinh. Cái đó mới hấp dẫn người ta. Như vậy, Việt Nam chỉ có còn lại mỗi một chữ “tình” để hấp dẫn Việt kiều trở về, đó là tình yêu đất nước, tình hướng về dân tộc, nhưng nếu tình đó bị tổn thương thì họ không thể về. Vẫn có người mặc cảm khi trở về như, bị nghi ngờ, bị dò xét, có cảm giác gò bó, thậm chí lo sợ khi ở chính quê hương mình. Hơn bao giờ hết, cần tạo điều kiện để từ chủ chương, chính sách đi vào thực tế, nhằm tạo nên sự tin tưởng lẫn nhau. Vì chữ tín quan trọng vô cùng. Cần có sự tin cậy người ta, không phải tin mù quáng, nhưng không đến mức độ ai về cũng dò xét. Nhớ lại, hồi 1976, tôi về nước, khi máy bay tới Hà Nội, tất cả ngồi im  không ai được đứng dậy. Khi cửa mở, 2-3 công an vào dòm từng người và thu hồi hộ chiếu. Nếu việc làm này với phương thức và thái độ thân thiện hơn, thì tạo được niềm tin hơn.

Hiện tại, do nhiều nguyên nhân mà cách đối đãi với người Việt Nam ở nước ngoài chưa đầy đủ, chưa đúng và chưa trọng hậu. Nếu ai quan tâm thì biết, Trung Quốc rất biết dùng người và họ đối đãi tốt với người ngoài Tổ quốc. Do đó, Hoa Kiều thích trở về quê hương sống, làm việc và đóng góp cho sự phát triển đất nước.

Hỏi: Thưa Giáo sư, trước xu thế toàn cầu hóa của nền kinh tế thị trường thì xuất hiện nguy cơ đồng nhất các giá trị văn hóa, theo Giáo sư, chúng ta cần phải có những biện pháp gì để gìn giữ bản sắc âm nhạc truyền thống?

GS. TS. Trần Văn Khê: Trong các cuộc hội thảo về bảo tồn âm nhạc truyền thống, nhiều nhà nghiên đều chung mối lo ngại là sự phát triển của khoa học công nghệ kèm theo xuất hiện những cái mới sẽ làm mất dần bản sắc văn hoá dân tộc, trong đó có lĩnh vực âm nhạc. Vì vậy, họ đã đưa ra biện pháp hữu hiệu để gìn giữ kho tàng âm nhạc dân tộc của quốc gia mình.

Đối với Việt Nam, trước kia, chúng ta chưa có một hình thức hay chương trình nào để bảo tồn âm nhạc dân tộc, nhưng vài năm trở lại đây, Nhà nước đã bắt đầu quan tâm đến việc bảo tồn nguồn tư liệu quý này.

Vì vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta cần thay đổi cách nghĩ, thói quen và phải nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi người trong việc bảo tồn dòng nhạc dân tộc. Do đó, Việt Nam cũng cần đưa ra chương trình đào tạo âm nhạc dân tộc cho học sinh từ khi còn học tiểu học; đồng thời tạo cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với những người chuyên nghiên cứu về âm nhạc dân tộc và các nghệ nhân, nghệ sĩ có tâm huyết theo đuổi lĩnh vực âm nhạc.

Hỏi: Với tư cách là chuyên gia về âm nhạc truyền thống, có nhiều thế hệ học trò, ông nhận xét thế nào về đội ngũ hoạt động nghệ thuật trong nước, đặc biệt với những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc truyền thống?

GS. TS. Trần Văn Khê: Về Việt Nam mới được vài năm, chỉ giảng dạy nhiều nhất sinh viên của Trường ĐH Hùng Vương, sau này là Trường ĐH Bình Dương. Nhưng những em đó không phải chuyên ngành nghệ thuật. Ở Hùng Vương là chuyên ngành về du lịch, nhưng trong đó bắt buộc học về âm nhạc dân tộc, còn ở Bình Dương, không phải lớp chính quy mà lớp tất cả sinh viên của các ngành nếu thích âm nhạc thì có thể học riêng 2 buổi ngày thứ 7, học ngoại khóa. Mặc dù các em đó không phải học về văn hóa, nghệ thuật, nhưng rất yêu văn hóa, nghệ thuật đến “độ” say mê. Tôi rất vui vì mỗi lần kiểm tra kiến thức, thấy các em đã hiểu. Ví dụ, ca trù là gì, chức năng của ca trù, đặc điểm của thanh nhạc,... các em trả lời rất đầy đủ, không khác gì các em sinh viên học về ca trù ở Trường Âm nhạc ngoài Bắc. Các em ở trong này không có môi trường ca trù, mà lại rất am hiểu về nó đã làm cho các em ở Hà Nội rất phục. Tôi rất mừng là trao cho các em kiến thức và say mê học như thế. Những lần tôi đi giảng và ở đâu cũng có nhiều em không cầm được nước mắt vì cảm thấy có tội khi “quay lưng” với âm nhạc dân tộc. Có lần, sau khi nghe tôi nói, có em cảm giác mình có tội và hứa với tôi, từ nay về sau, mỗi tháng sẽ phải học một bài dân ca, học đàn...

Hỏi: Người ta “tầm sư học đạo”, còn GS nghĩ gì về việc mình “đốt đuốc tìm học trò”?

 GS. TS. Trần Văn Khê: Nhiều người nói với tôi: “Một nghệ nhân chết đi rồi thì một kho tàng âm nhạc đi vào quên lãng. Với kho kiến thức khổng lồ của mình, giáo sư đã tìm được truyền nhân kế thừa chưa?”. Học trò tôi, những hậu nhân ngày nay cùng lãnh vực của tôi có những người rất có tài, nhưng các cháu mạnh mặt này, yếu mặt nọ, chưa thực sự tổng hợp được những yếu tố mà tôi có được! Các cháu là những người rất nhiệt huyết, có tình yêu nghệ thuật Việt Nam cao, có tâm đi theo con đường âm nhạc truyền thống nước nhà...

Tuy nhiên trong các cháu vẫn luôn có những yếu tố khách quan khác để tôi không thể chọn là “truyền nhân kế thừa”. Thực sự có thể nói rằng, đến nay tôi vẫn chưa có “truyền nhân”. Bù lại, giờ có phương tiện ghi hình và cần thì ghi lại hết và để sau này nghiên cứu, tìm hiểu.

Hỏi: GS nghĩ gì về quan điểm của một số người cho rằng, thanh niên ngày nay đang muốn “quay lưng” lại với âm nhạc truyền thống?

GS. TS. Trần Văn Khê: Thanh niên không phải muốn “quay lưng” lại với âm nhạc truyền thống, mà ta chưa biết gợi lên sự say mê âm nhạc truyền thống đối với họ. Với thanh niên không thể nói đừng nghe nhạc rock, phải nghe âm nhạc dân tộc. Xã hội làm thanh niên xa rời dân tộc, 100 năm Pháp xâm lược đưa âm nhạc truyền thống vào quên lãng, còn đưa âm nhạc của họ lên cao. Một người đi học violon thì hãnh diện, còn người học nhạc cụ truyền thống thì lại giấu diếm.

Người trong nước có cái mất mát là trong 30 năm chiến tranh, không có điều kiện nghiên cứu về âm nhạc, cho nên có những sự hiểu lầm về ca trù, chầu văn...

Chúng ta cần phải làm thế nào để thanh niên hiểu được quan điểm thẩm mỹ của mình khác hẳn của họ mà thấy rằng âm nhạc của mình hay. Ngôn ngữ âm nhạc của mình cũng khác. Nếu mình chỉ ra những sự tương đồng, chẳng hạn có những bản của trẻ em chơi, trẻ em Việt Nam chơi cái gì, trẻ em phương Tây chơi cái gì, rồi chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt. Lúc đó họ hiểu được sự tương đồng, thấy sự khác biệt ngôn ngữ thì họ bắt đầu để ý.

Xin cám ơn Giáo sư đã dành thời gian cho buổi trò chuyện này.

 

  • Tags: