Từ 1/10 tới, theo quy định của Chính Phủ mức lương tối thiểu của người lao động (NLĐ) ở khu vực 1 sẽ là 2 triệu đồng và tiếp đó là khu vực 2 là 1,78 triệu đồng, khu vực 3 là 1,550 triệu đồng, khu vực 4 là 1,4 triệu.
Trong khi đó theo thống kê của TLĐLĐVN hiện nay có tới 51,6% trong số 1,6 triệu lao động tại 170 khu công nghiệp phải tự thuê nhà trọ của hộ gia đình với chất lượng rất tạm bợ. Tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội tỷ lệ này tới 63,2 – 67,7%, cộng với đó tình trạng các khu công nghiệp, khu chế xuất không có nhà trẻ, mẫu giáo khiến rất nhiều gia đình CNLĐ phải gửi con với mức 0,8 đến 1 triệu đồng/cháu. Thực trạng này đặt ra câu hỏi: Đời sống NLĐ đã và đang trở thành vấn đề của cả xã hội nhưng ai lo và đến bao giờ?
Quan hệ lao động ngày càng nóng và phức tạp
Quan hệ lao động đang diễn biến ngày càng phức tạp, tình trạng xung đột, tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công thời gian qua là minh chứng cho mối quan hệ lao động bất bình đẳng hiện nay.
Theo thống kê, từ 1995 đến 2010 đã có 3.402 cuộc đình công trong đó khu vực Nhà nước có 93 cuộc (3,3%); khu vực ngoài nhà nước có 735 cuộc (25,1%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có 2115 cuộc (71,6%).
Tính riêng năm 2010 có tới 424 cuộc đình công, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có tới 339 cuộc chiếm 79,95%; khu vực ngoài Nhà nước có 84 cuộc, chiếm 19,81% và khu vực ngoài Nhà nước có 1 cuộc, chiếm 0,24%. Theo đánh giá của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, có đến 90% các cuộc đình công nhằm mục đích yêu cầu chủ sử dụng lao động đảm bảo quyền lợi về tiền lương, tiền thưởng, thời gian làm việc, nghỉ ngơi và các chế độ xã hội khác.
Thực trạng đình công gần đây cho thấy tranh chấp lao động không chỉ tập trung vào những thời điểm được cho là nhạy cảm như cuối năm, tết Nguyên đán mà có thể diễn ra bất cứ lúc nào và đều có đặc điểm chung là tự phát, không theo quy trình pháp luật, không do công đoàn cơ sở lãnh đạo và phần lớn đều đạt được yêu cầu NLĐ đặt ra. Vậy nguyên nhân của tình trạng này là gì?
Trước hết, nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu vẫn là do thu nhập quá thấp so với cường độ, thời gian mà người lao động phải bỏ ra, do chủ sử dụng lao động vi phạm Luật Lao động, Luật Công đoàn, không quan tâm đến quan hệ lao động, không tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động, xâm phạm quyền, lợi ích, thân thể NLĐ.
Như trên đã tính, mức lương tối thiểu (2 triệu đồng) là quá ít ỏi so với thời giá hiện nay. Mức lương đó không đảm bảo đủ cho sinh hoạt cá nhân nói gì đến tích lũy hay đảm bảo cuộc sống cho gia đình, con cái học tập. Tiền lương đã thấp, tiền thưởng lại càng thấp hơn và luôn có nguy cơ bị cắt xén bởi những lý do hết sức vô lý. Ông Lê Xuân Thành (phó vụ trưởng Vụ Tiền lương, tiền công) cho rằng: "Lâu nay chúng ta dựa vào mức chi của ngân sách để quy định lương tối thiểu chứ không dựa vào mức sống tối thiểu, vì vậy mức lương tối thiểu rất thấp".
Theo cách tính của nhiều chuyên gia, tiền lương của NLĐ có 3 dạng:
- Tiền lương tối thiểu (mức này do Nhà nước quy định);
- Tiền lương đủ sống (do doanh nghiệp trả- tiền lương này phụ thuộc rất lớn vào vai trò của công đoàn);
- Tiền lương xã hội (bao gồm các phúc lợi xã hội mà NLĐ được hưởng như: chăm sóc y tế, giáo dục, bảo hiểm thất nghiệp, đời sống văn hóa,... về thực chất, đây là tiền đóng thuế của NLĐ và do Nhà nước quản lý, điều tiết).
Với cách tính như vậy đủ để thấy NLĐ đang bị thiệt thòi bởi cơ chế tiền lương không minh bạch và đánh lừa người lao động. Chẳng hạn ký hợp đồng thì lương 2 triệu đồng/tháng, ngoài ra có thêm một loạt phụ cấp khác, nhưng khi vào làm thì các khoản kia rất thấp, hoặc phải dựa trên thời gian lao động ngoài giờ rất căng mới nhận được. Do cơ chế thương lượng, thỏa thuận tiền lương hiện nay không rõ, tổ chức công đoàn chưa đủ mạnh để đứng ra thỏa thuận nên người lao động chỉ biết chịu thiệt.
Vai trò công đoàn ở đâu?
Trong quan hệ lao động, theo quy định, công đoàn là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động tham gia xây dựng, đàm phán, ký kết thỏa ước lao động tập thể. Thỏa ước lao động được coi là cơ sở của quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ ở doanh nghiệp. Nhưng một nghịch lý là có đến 70% các cuộc đình công xảy ra ở doanh nghiệp có tổ chức công đoàn và đều không có sự lãnh đạo của công đoàn cơ sở, thậm chí xảy ra đình công rồi, công đoàn cơ sở mới biết. Điều này cho thấy vai trò của công đoàn trong việc bảo vệ quyền lợi cho người lao động còn rất yếu và mờ nhạt.
Theo đánh giá của TLĐLĐVN cũng như của các công đoàn ngành Trung ương và LĐLĐ địa phương thì phần lớn thỏa ước lao động tập thể được ký kết ở doanh nghiệp đều chỉ là sự sao chép từ Bộ Luật Lao động, làm để cho có, để đối phó và cũng chẳng mấy người lao động biết đến thỏa ước lao động ở doanh nghiệp mà mình đang làm việc.
Điều này có nguyên nhân cả từ hai phía, trước hết nhiều chủ sử dụng lao động không thiết tha với việc xây dựng thỏa ước lao động tập thể, không ủng hộ hoạt động của công đoàn cơ sở nên thường né tránh việc đàm phán, thương lượng, ký kết thỏa ước. Về phía công đoàn, nguyên nhân trước tiên là cán bộ công đoàn cơ sở do ăn lương của chủ sử dung lao động, bị lệ thuộc quá lớn vào chủ sử dụng lao động nên e dè, không dám đấu tranh để bảo vệ NLĐ.
Theo thống kê, 8 tháng đầu năm 2011 đã xảy ra khoảng 700 cuộc đình công lớn nhỏ trong cả nước và 100% các cuộc đình công này không tuân thủ quy định pháp luật và không có cuộc nào do công đoàn khởi xướng. Ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh thanh tra Bộ LĐ-TB&XH nói: “Muốn lãnh đạo đình công phải gắn với quyền lợi của NLĐ, chứ cán bộ công đoàn ăn lương ông chủ thì lãnh đạo đình công sao được?”.
Với những hạn chế của mình, công đoàn đã chưa làm tròn chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, chưa tham mưu được cho Chính phủ những chính sách, chiến lược xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ ở doanh nghiệp, để từ đó Chính phủ buộc phải thành lập Ủy ban Quan hệ lao động quốc gia (2007) và đến nay (8/2011) Chính phủ đã đồng ý cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh,... thí điểm thành lập Ban Quan hệ lao động cấp tỉnh. Mà chức năng của Ban này là nhằm đảm bảo lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trên địa bàn; trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ban Quan hệ lao động cấp tỉnh là phòng ngừa và hạn chế tranh chấp lao động, qua đó, kịp thời giải quyết những vụ đình công không đúng trình tự pháp luật, tổ chức đối thoại thường xuyên giữa doanh nghiệp và người lao động…
Với chức năng đó, liệu Ủy ban Quan hệ lao động có làm thay hay làm thay bao nhiêu phần trăm phần việc của công đoàn trong vai trò đại diện NLĐ để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, đảm bảo lợi ích, nâng cao chất lượng sống cho NLĐ và NLĐ sẽ trông chờ ai?