Tên thật là Mông Nông Vị, nhưng theo cách lý giải của ông vì “tôi quý người hơn là quý ấm”, nên đã lấy nghệ danh là “Vị Quý Nhân”. Những người trong ngành chè và đông đảo ẩm khách bốn phương biết đến ông qua nhiều kỳ lễ hội văn hoá trà tổ chức tại Lâm Đồng, Hà Giang và Thái Nguyên. Ông mang đến cho khách tham quan sự độc đáo bên cạnh các sản phẩm chè nổi tiếng trên cả nước. Trong Đêm hội giao lưu văn hoá trà Thái Nguyên, gian trưng bày những bộ ấm trà của Võ Quý Nhân đã thu hút sự quan tâm của nhiều du khách tới tham quan. Với ánh đèn chiếu dọi vào giữa, những bộ ấm trà đa sắc màu như ánh lên vẻ lung linh, huyền ảo. Nghệ nhân Võ Quý Nhân đang nâng niu bộ ấm trà cổ 3 chân, rồi quay sang giới thiệu với chúng tôi: “Đây là bộ sưu tập của tôi suốt hơn 10 năm qua, với hơn 300 bộ ấm trà có niên đại, kiểu dáng khác nhau của nhiều vùng gốm trên cả nước. Trước đây, tôi thích tìm hiểu về chè, sưu tầm các loại chè khác nhau, nhưng về sau, tôi phát hiện ra cái độc đáo lại nằm ở cái ấm chứ không phải là chè. Nếu nói về sự quan trọng thì “nhất nước, nhì chè, tam pha, tứ ấm”, nhưng nói về sự cầu kỳ thì phải “nhất ấm, nhì chè”, vì đã làm ra cái ấm mất rất nhiều công đoạn và đòi hỏi kỹ thuật cao. Mình có thể nói với thế giới về các loại ấm trà của Việt Nam, vì qua cái ấm, người ta biết được tuổi của nó, ở niên đại nào, qua ấm trà chứng tỏ nền văn hoá trà Việt đã có từ lâu đời...”. Trong số hơn 300 bộ ấm trà của ông, có những bộ ấm do cơ duyên mà ông có đưỵc. Các bộ ấm chất liệu chủ yếu bằng gốm sứ, đất nung của nhiều làng nghề gốm nổi tiếng như Chu Đậu, Hương Canh, Bát Tràng, gốm Chăm, gốm Bình Dương và ở một số địa phương như Thanh Hoá, Biên Hoà, thậm chí có ấm còn được trục vớt từ chiếc tàu đắm ở Cù Lao Chàm (Cà Mau)... Mỗi chiếc ấm đều có hình khối, kích cỡ, hoa văn khác nhau, có ấm hình con vịt, con gà trống, ấm to, ấm bé, có cái màu đất nung, màu vàng, màu trắng, tất cả đều có những họa tiết gắn liền với văn hoá truyền thống của người Việt. Về “tuổi” của những bộ ấm này, ông Vũ không tiết lộ, nhưng nhìn những bộ ấm được trưng bày, người ta có thể biết đây là những bộ ấm cổ, có từ lâu đời, nhưng cũng có cái mới được làm không lâu...
Để có bộ sưu tập ấn tượng này, ông Vũ đã đi qua những vùng gốm nổi tiếng, dấu chân ông in trên nhiều miền quê từ Bắc chí Nam để tìm hiểu và mua lại những bộ ấm mình yêu thích, có niên đại khác nhau. Từng có nhiều năm làm công tác văn hoá, hiện là Giám đốc Nhà văn hoá tỉnh Thái Nguyên, ông Mông Nông Vị có điều kiện giao lưu, trao đổi với các danh trà ở Lâm Đồng, TP. HCM, cũng như các nhà chuyên môn ở Hiệp hội Chè Việt Nam. Từ đó, bổ sung thêm kiến thức và có cái nhìn thấu đáo về lịch sử văn hoá trà Việt, phân biệt được đặc trưng văn hoá trà Việt với trà Đạo của Nhật Bản và trà Kinh của Trung Quốc.
Theo ông Vũ, muốn tìm hiểu lịch sử văn hoá trà Việt thì phải nghiên cứu về cái ấm trà, cái ấm này có thể từ đời Lý, Trần, cái ấm kia ở vùng gốm Bát Tràng, Chu Đậu… Cái ấm có mối quan hệ chặt chẽ với văn hoá trà, thĨ hiện nền văn hoá trà qua cái ấm, người ta không thể pha trà bằng thứ khác được mà pha trà bằng ấm, cái tinh tuý của trà phải được chắt lọc qua ấm thì nó mới thành văn hoá. Văn hoá trà Việt có từ rất lâu đời, bắt nguồn từ dòng chảy của nền văn hoá Việt Nam, do ảnh hưởng của trà Kinh của Trung Quốc và trà Đạo của Nhật Bản, người Việt xưa đã tìm ra cách thưởng trà độc đáo của riêng mình. Đó là phong cách thưởng trà giao hoà với tâm linh. Đối với người Việt, trà đã trở thành lễ vật quý: lễ trời đất, thần phật, lễ đình, lễ tổ tiên... Người Việt thường dùng trà để dâng cúng, sau đó pha trà cùng uống, không có sự phân biệt giữa người trần với các vị thần linh. Các vị uống trà trên bàn thờ, con cháu uống trà dưới chiếu. Đây là sự giao hoà tâm linh thật độc đáo. Phong cách thưởng trà như một thú chơi tao nhã. Phong cách này cầu kỳ từ cách chọn chè ngon, nước ngon, ấm tốt và pha đúng cách. Khi uống, cầu kỳ từng ngụm nhỏ, vừa uống vừa thưởng thức hương vị và cái thần của chén trà. Các chương trình thưởng trà như một thú chơi tao nhã của các tao nhân mạc khách. Phong cách thưởng trà mang phong vị dân gian. Uống trà như một sở thích, một thói quen, gặp nhau là mời uống trà. Có thể là một nồi chè xanh nóng hay một cốc trà đá, chẳng cần cầu kỳ, ý tứ.
Trên đây là ba phong cách uống trà rất độc đáo của người Việt, dù ở phong cách nào cũng cần đến bộ ấm trà, ở đâu có trà là ở đó có ấm, có người nghiện trà thì ắt có người đam mê sưu tập ấm trà, tạo nên một nét đẹp trong văn hoá ẩm thực Việt Nam. Mỗi khi về thành phố Thái Nguyên, du khách hãy ghé thăm gian trưng bày ấm trà của nghệ nhân Vũ Quý Nhân, để thấy được Thái Nguyên không chỉ có chè ngon, mà còn có ấm tốt.