Tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Hà Nội năm 1991, ra trường ông Phạm Anh Cường nhận việc tại Viện Khoa học Nông nghiệp miền Nam, sau đó về Sở Nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh và từ năm 1999 đến nay công tác tại Công ty CP Phân bón Bình Điền.
Gần 30 năm công tác, trải qua nhiều vị trí, chức danh công việc, nhưng có lẽ, thời điểm để lại cho ông nhiều kỷ niệm nhất là những năm ông làm Chủ nhiệm Đề tài “Nghiên cứu sản xuất một số loại phân hữu cơ đậm đặc đáp ứng đủ tiêu chuẩn sản xuất rau hữu cơ (theo tiêu chuẩn của IFOAM) ở vùng chuyên canh rau TP. Hồ Chí Minh”.
Đến nay, sau 5 năm Đề tài đã hoàn thành, đi vào cuộc sống, nhớ lại quãng thời gian ấy, ThS. Phạm Anh Cường cho biết, có sở thích làm nghiên cứu, cải tiến phân bón, quy trình canh tác, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp; hơn nữa, lại là thành viên của Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, do vậy ông muốn có một số sản phẩm hữu cơ đầu vào đủ tiêu chuẩn của IFOAM để áp dụng trong sản xuất hữu cơ, trước tiên cho cây rau là loại cây ngắn ngày có khả thi cao trong thực tiễn.
Thế nhưng, khi triển khai Đề tài nói trên, khó khăn nhất là tìm nguồn nguyên liệu hữu cơ hoàn toàn thiên nhiên, giàu chất dinh dưỡng, nhất là dinh dưỡng đạm như bã đậu nành, bột cám, bột nêm, thủy phân cá biển…
Đồng thời giá thành nguyên liệu phải thấp, vì đối tượng sử dụng là bà con nông dân. Việc tìm kiếm đất canh tác rau theo hướng hữu cơ cũng là một khó khăn vì nông dân đã canh tác theo phương pháp hóa học từ lâu nên đất canh tác bị ô nhiễm và mất cân bằng dinh dưỡng khá trầm trọng.
Khi ông và nhóm thực hiện đi triển khai các thí nghiệm tại vùng rau xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, “điều tra” rất nhiều hộ trồng rau nhưng không tìm thấy hộ nào sản xuất theo hướng hữu cơ cả, hầu như nhà nào cũng có một mảnh vườn nhỏ hoặc một vài luống trồng rau và được bón phân hữu cơ là chủ yếu, đặc biệt là không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học.
Điều này gây cho ông một niềm tin mạnh mẽ là người dân đã hiểu và ý thức về tác dụng độc hại của phân và thuốc hóa học trên rau xanh, loại rau ăn trực tiếp vào cơ thể (đôi khi ăn sống) giúp ông có động lực nghiên cứu và hoàn thiện tiếp các quy trình bón phân cho cây rau và cây trồng khác theo phương pháp hữu cơ.
Ông và các cộng sự đã cùng bà con nông dân tiến hành 7 thí nghiệm chính quy được tiến hành trong vụ Đông xuân và vụ Xuân hè từ tháng 11/2014 đến tháng 5/2015 tại vùng chuyên canh rau -xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh. Kết quả cho thấy:
- Phân bón lá A (tên đặt trong nghiên cứu cho phân bón qua lá) được sản xuất từ thủy phân cá biển có hàm lượng đạm khá cao, là nguồn bổ sung dinh dưỡng cho rau trong sản xuất hữu cơ rất hiệu quả.
- Sử dụng lượng bón 13,17 tấn/ha loại Hữu cơ L3 (cho rau ăn lá) cho năng suất rau cải ngọt (24,9 tấn/ha) tương đương với cách bón phân của nông dân (26,5 tấn/ha) nhưng tỷ suất lợi nhuận (2,08 đồng/đồng vốn) cao hơn của nông dân.
- Phân bón Hữu cơ Q2 (tên đặt trong nghiên cứu cho rau ăn quả) cho năng suất và tỷ suất lợi nhuận cao nhất và không khác biệt về thống kê so với tập quán của nông dân. Phân bón hữu cơ Q2 phù hợp với canh tác rau theo hướng hữu cơ. Ở lượng bón thấp (32,48 tấn/ha) phân bón hữu cơ Q2 cho tỷ suất lợi nhuận cao nhất (0,79 đồng/đồng vốn)
- Sử dụng phân bón hữu cơ C1, Hữu cơ C2 và Hữu cơ C3 (tên đặt trong nghiên cứu cho rau ăn củ) cho cây cải củ, khi lượng bón tăng lên làm cho năng suất củ cải tăng theo lượng bón nhưng đều thấp hơn so với cách bón của nông dân. Khi lượng bón tăng làm cho tỷ suất lợi nhuận giảm từ 0,47 đến 0,63 đồng/đồng vốn.
-Sử dụng lượng bón hữu cơ vào đất từ 16,17 tấn/ha đến 38,48 tấn/ha cho một vụ, các chỉ tiêu nông hóa trong đất đều có xu hướng tăng lên nhưng không nhiều. Chỉ tiêu chất hữu cơ trong đất có sự gia tăng nhiều nhất, tăng so với trước khi thí nghiệm từ 5,30-10,13% (tăng cao nhất là trong công thức bón hữu cơ Q2 với lượng bón 38,48 tấn/ha). Chỉ tiêu pH cũng tăng khá rõ từ 4,2-4,6%.
- Sử dụng phân bón hữu cơ cho cải ngọt, khổ qua, cải củ trong nhà lưới hở làm cho sâu bệnh hại ít, không ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất rau.
- Sử dụng lượng bón phân hữu cơ từ 10,17 đến 16,17 tấn/ha cho cải ngọt, từ 32,48 đến 38,48 tấn/ha cho khổ qua và từ 14,68 tấn đến 20,68 tấn/ha củ cải đều không làm cho hàm lượng nitrate tích lũy trong rau vượt mức cho phép của Bộ y tế.
Niềm vui lớn nhất của ThS. Phạm Anh Cường không chỉ là nghiên cứu sản xuất ra phân hữu cơ A, Q2, C1, C2, C3… đậm đặc theo tiêu chuẩn sản xuất rau hữu cơ của IFOAM, có giá cả hợp lý, có tỷ suất sinh lời hợp lý, mà còn truyền cảm hứng cho mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mang lợi ích cho cộng đồng sản xuất và tiêu dùng.
Trong thời gian tới, ThS. Phạm Anh Cường tiếp tục hoàn thiện các công thức phân bón và tìm thêm các nguồn nguyên liệu đáp ứng đủ tiêu chuẩn của IFOAM để nâng cao năng suất và cải tiến chất lượng rau, trái cây; giúp người nông dân bán giá cao, bởi lẽ, chỉ khi người nông dân phải có lãi thì mô hình sản xuất hữu cơ mới phát triển.