Trong giai đoạn Công nghiệp hoá, Hiện đại hoá hiện nay của đất nước ta, việc nghiên cứu đánh giá đầy đủ nguồn lực con người Việt Nam, nghiên cứu các kích tố, tạo điều kiện để con người tích cực đào luyện và thể hiện năng lực sáng tạo, là vấn đề có ý nghĩa quyết định chiến lược.
Nhiều công trình khoa học đã khẳng định các mặt mạnh của con người Việt Nam. Từ góc độ thực tế dùng người, chúng tôi tổng kết một số điểm và cho là cần được quan tâm xét đến khi quản lý, sử dụng người Việt nam, đó là:
1. Sức khoẻ hạn chế, nhất là độ bền dai.
Sản xuất theo phương pháp công nghiệp trong kinh tế thị trường không chỉ đòi hỏi những người tham gia phải hiểu biết và có kỹ năng mới, khác nhiều so với sản xuất nông nghiệp, mà còn đòi hỏi một cường độ lao động cao hơn nhiều. Người Việt nam, theo các công trình nghiên cứu về hằng số sinh học và đặc điểm sinh thể thì người Việt nam là thấp bé, nhẹ cân!. Theo số liệu thống kê và tính toán của chúng tôi, người Việt Nam ở cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI có từ 35 đến 45% không chịu nổi cường độ lao động cao của sản xuất công nghiệp. Có hiện tượng đó là do người Việt Nam phần đông bị suy dinh dưỡng từ bé, hiện nay ăn uống vẫn chưa đủ chất, đã và đang bị tác động xấu của môi trường lao động, của môi trường sống và một phần là do chưa quen trải qua cường độ lao động cao như vậy. Khi quản lý, sử dụng họ, chúng ta cần giao việc với cường độ tăng dần dần, bằng không sẽ bị trục trặc, hỏng việc, hại người, hiệu quả hoạt động không cao.
2. Nhu cầu sống và phát triển của nhiều người còn đơn giản, chưa cao, dẫn đến động cơ hoạt động không đủ mạnh.
Phần lớn người Việt Nam là nông dân, sản xuất nhỏ, lạc hậu hoặc mới thoát khỏi nông dân. Nhiều nông dân Việt nam hết đời nọ đến đời kia chỉ mong được ăn no, mặc lành mà có khi cũng không có! Nhiều người Việt Nam trong một thời gian dài co cụm lại theo kiểu: có sao sống vậy! Giật gấu vá vai...!Về mặt khoa học, chúng ta đã khẳng định rằng, nhu cầu đẻ ra động cơ hoạt động và động cơ hoạt động là nhân tố số một của sự tự nguyện tham gia hoạt động, của sự tích cực sáng tạo trong hoạt động, của hiệu quả hoạt động. Chúng ta đã, đang và sẽ có những tác động kích cầu như mở cửa kinh tế, tạo thêm nhiều hoạt động mới, nhằm tăng nhu cầu, động cơ hoạt động cho người lao động. Theo chúng tôi, đây là một thành công to lớn của mở cửa nền kinh tế, mà lâu nay chúng ta ít kể đến. Mặt khác, để góp phần tăng động cơ hoạt động cho người lao động ở doanh nghiệp, chúng ta phải tìm cách ràng buộc chặt hơn nữa, hợp lý hơn nữa việc thoả mãn nhu cầu cho người lao động, với việc người đó đem năng lực ra để thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ, công việc được giao...
3. Hay tiếc tiền; không quen, ít mạo hiểm.
Phần rất lớn người Việt nam sinh trưởng trong điều kiện, hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Họ làm ra của cải vật chất, làm ra đồng tiền rất vất vả: một nắng hai sương, chân lấm tay bùn...Vì lẽ đó, họ rất quý trọng các thành quả lao động đó. Họ chắt chiu, tiết kiệm chi tiêu. Đó là việc tốt. Và vì do làm ra khó khăn mà trong tương lai không chắc dễ dàng hơn, nên họ phải lo để giành, dự trữ. Đó là lẽ tất nhiên. Quen tiết kiệm, quen để giành đến khi có cơ hội, phương án đầu tư làm ăn cùng với sự hạn chế về kinh nghiệm và khả năng dự tính hiệu quả, họ không giám bỏ tiền ra, họ sợ: Mất cả chì lẫn chài. Như vậy, sau một hồi tính quẩn lo quanh, người ta quay lại dạng: Mèo nhỏ bắt chuột con, giữ khư khư cho chắc ăn là hơn. Theo số liệu thống kê và cách tính toán của chúng tôi, cho tới những năm cuối của thế kỷ XX, có tới 85% người Việt Nam có khả năng mạo hiểm dưới mức cần thiết. Kinh tế thị trường mở ra nhiều cơ hội và cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Trong kinh tế thị trường, các thay đổi diễn ra nhanh hơn; hay, dở bộc lộ nhanh hơn. Nhiều thay đổi, biến động khó lường, cùng với nhiều đối thủ cạnh tranh, làm cho các vụ làm ăn dễ rơi vào một trong hai tình trạng: thắng thì thắng lớn, thua thì thua đậm. Cứ nấn ná, lừng khừng không đầu tư làm, không làm chỉ có ăn lâu lâu thì: Của núi cũng hết?. Không còn cách nào khác là phải đầu tư làm ăn, chuẩn bị để cạnh tranh thắng lợi. Người Việt nam đã, đang và sẽ còn trả học phí ở các dạng khác nhau để có khả năng mạo hiểm cần thiết.
4. Hiểu biết chưa đủ sâu rộng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế.
Do sống và làm việc quá lâu kiểu khép kín, dựa dẫm vào thiên nhiên, vào Nhà nước, vào nước ngoài, nên khả năng nhìn xa trông rộng, tầm suy nghĩ của nhiều người Việt Nam rất hạn chế. Sản xuất nhỏ để thoả mãn nhu cầu đơn giản, thấp, làm cho con người chỉ dùng và trở thành quen dùng kinh nghiệm là chính. Họ không thấy sự bức xúc lớn của việc sử dụng kiến thức, phương pháp khoa học. Sau này, khi chúng ta thấy được rằng: Ngu dốt là đêm tối của tâm hồn, là cội nguồn của đau khổ, thì chúng ta đã có nhiều nỗ lực cho giáo dục-đào tạo.Tuyvậy, do cơ chế sử dụng, do thị trường lao động chưa phát triển, nên động cơ học tập của từ 45% đến 65% người học chưa đúng hoặc chưa cao; do nghèo, tiền ít nên đào tạo - giáo dục của ta nhất là đào tạo nghề, đào tạo đại học...còn nặng về nhồi nhét lý thuyết, nhiều khi lý thuyết cũng không chuẩn xác...Từ đó, tỷ lệ người được đào tạo và chất lượng đào tạo còn thấp. Khi chuyển sang kinh tế thị trường, ai cũng phải làm thật để có mà ăn thật, phải tự lo khả năng cạnh tranh của chính mình, phải làm ra hàng hoá có chất lượng và giá cạnh tranh được với các đối thủ hơn ta nhiều đẳng cấp, Chúng ta đã bắt đầu thấy: chúng ta thực sự yếu kém về tư duy chiến lược, tư duy kinh tế. Có tới 80% trường hợp tiến hành hoạt động không có chiến lược, kế hoạch cụ thể; không có chuẩn đánh giá mức độ hợp lý; không hiểu, không biết cách đầu tư. Chúng ta đang tìm mọi cách để tăng đầu tư cho giáo dục- đào tạo, vừa dùng người, vừa đào tạo bổ sung và đào tạo nâng cao. Nhà nước và các doanh nghiệp đã nhận thức được và đang tích cực nghiên cứu cơ chế kích thích sáng tạo của mọi người; tạo lập thị trường và cơ chế sử dụng sản phẩm sáng tạo, vừa nhằm làm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam, vừa tạo ra tác động để mỗi người tự đầu tư, tự lo học tập, đào tạo nâng cao trình độ của mình.
5. Tác phong công nghiệp còn ít và chưa được định hình bền chặt.
Sinh ra và trưởng thành trong một thiên nhiên manh mún, lộn xộn và trong sản xuất tiểu nông, nhiều người Việt Nam quen làm kiểu tuỳ hứng, nước đến chân mới nhảy, dùng các thứ kiểu tự do tuỳ tiện. Nhiều người Việt Nam đến nay còn chưa thấy hoặc chỉ thấy lần đầu sản xuất công nghiệp, nghe mãi mới hiểu công nghệ, chưa hiểu được kỷ luật công nghệ, tác phong công nghiệp là gì! Lý luận và thực tế đã chứng minh rằng, thường phải sống, làm việc trong điều kiện sản xuất thực sự công nghiệp đủ về lượng, mới có chất của giai cấp công nhân; tuân theo kỷ luật công nghệ, kỷ luật lao động, đảm bảo tiến độ, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, ăn khớp giữa nhiều người đủ lâu, thì mới có được tác phong công nghiệp. Người Việt nam từ trước đến nay, tới 80 - 93% chưa có tác phong công nghiệp ở mức cần thiết.
Tác phong công nghiệp là một tố chất của con người mới. Cần đào luyện tác phong công nghiệp và coi đây là một quá trình đòi hỏi công phu, khoa học. Chúng ta hy vọng sau 5-10 năm nữa, sẽ có đội ngũ đông đảo người lao động có tác phong công nghiệp.
Sơ đồ quản lý theo trình độ của đối tượng
ở đâu, khi nào dân trí, trình độ của đối tượng quản lý còn thấp, ở đó, khi đó, chỉ nên đưa ra ít biện pháp quản lý, từng biện pháp phải có nội dung đơn giản, được trình bầy rõ ràng và thi hành cương quyết.
Khi chúng ta mở cửa, chúng ta hội nhập vấn đề đổi mới quản lý doanh nghiệp, phát huy nội lực để nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam là vấn đề cấp thiết. Trong số các nguồn lực, nguồn lực con người có vị trí, vai trò quyết định. Do vậy, trong quản lý nói chung, quản lý hoạt động kinh doanh nói riêng chúng ta không thể không xét đến tâm tư, nguyện vọng của những người trực tiếp lao động tạo ra sản phẩm hàng hoá, mỗi khi họ có quyền được hưởng từ thành quả chung của doanh nghiệp.
Vừa qua, trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng lý thuyết, chúng tôi đã soạn phiếu xin ý kiến của một số loại người lao động ở các ngành công nghiệp và xây dựng.
Tổng hợp và phân tích kết quả điều tra, khảo sát cho thấy:
1. Các loại người lao động khác nhau có tâm tư, nguyện vọng, thứ tự giá trị theo đuổi, thứ tự nhu cầu muốn được ưu tiên thoả mãn khác nhau khá lớn.
- Công nhân mong muốn được ưu tiên đảm bảo tính công bằng trong đãi ngộ, đảm bảo môi trường lao động ít độc hại, không nguy hiểm và bầu không khí tập thể hoà thuận, thoải mái;
- Nhân viên trẻ mong muốn trước hết được giao thực hiện các công việc có nội dung phong phú, phức tạp đòi hỏi nỗ lực sáng tạo và được tiếp xúc với công nghệ, quản lý hiện đại;
- Nhân viên trung niên mong muốn được ưu tiên đảm bảo tính công khai, công bằng khi phân chia thành quả lao động chung; được đánh giá đúng mức, kịp thời và được đào tạo nâng cao, thăng tiến khi có cơ hội;
- Nhân viên cao niên mong muốn được ưu tiên đảm bảo tính công khai, công bằng khi phân chia thành quả chung và làm việc trong bầu không khí tập thể hoà thuận, không căng thẳng.
Thực tế thành công và thất bại của các doanh nghiệp hoàn toàn cho phép chúng ta rút ra kết luận rằng: Nhu cầu, động cơ làm việc, năng lực của con người nói chung, của những người lao động nói riêng, của các đối tác, của các đối thủ cạnh tranh là cơ sở, căn cứ khoa học quan trọng nhất của các chính sách, giải pháp, biện pháp quản lý kinh doanh, Chỉ khi chúng ta xét đến nhu cầu, động cơ làm việc, năng lực của từng loại người lao động cụ thể của doanh nghiệp mỗi khi thiết kế và triển khai chính sách, giải pháp, biện pháp quản lý kinh doanh thì chúng ta mới khơi dậy, phát huy được sức sáng tạo của họ trong việc tạo ra sức hấp dẫn đối với các đối tác, trong việc tạo ra các ưu thế cạnh tranh của sản phẩm như: chất lượng, giá, thời hạn, thuận tiện…để thu hút khách hàng. Đầu tư thoả đáng cho nghiên cứu áp dụng các loại nhu cầu, động cơ, năng lực đó vào thiết kế, triển khai chính sách, giải pháp, biện pháp quản lý doanh nghiệp là biểu hiện thông minh, trí tuệ của giới chủ, giới lãnh đạo./.