Nguồn lực đầu tư từ bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006-2010

Trong suốt 20 năm đổi mới, nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, trước hết là ODA và FDI, đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian tới, trước yêu cầu đẩy mạnh

 

1 - Nguồn lực đầu tư từ bên ngoài tại Việt Nam trong thời gian qua

Trong những năm qua, việc thu hút và sử dụng nguồn lực đầu tư từ bên ngoài phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả có ý nghĩa quan trọng.

Dòng đầu tư từ nước ngoài (FDI và ODA) từ nhiều đối tác khác nhau ngày càng tăng đã bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Giá trị các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam có xu hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước. Tổng nguồn vốn FDI đã đăng ký tại Việt Nam kể từ năm 1988 đến nay đạt gần 50 tỉ USD với khối lượng thực hiện đạt trên 34,5 tỉ USD, chiếm 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (1996 - 2000) và 17 - 18% (2001 - 2005). Về ODA, kể từ khi cộng đồng các nhà tài trợ chính thức nối lại viện trợ cho Việt Nam vào năm 1993 cho đến hết năm 2005, tổng giá trị cam kết đạt trên 32 tỉ USD, giá trị các hiệp định hiện thực hóa các cam kết đạt gần 24 tỉ USD và giải ngân thực hiện khoảng 16 tỉ USD. Mức giải ngân ODA đã đóng góp 12% cho tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 1996 - 2000 và 10% - 11% giai đoạn 2001 - 2005.

Quan hệ đầu tư FDI tại Việt Nam đã được thiết lập với doanh nghiệp của trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn nhất trên thế giới cũng đã có mặt tại Việt Nam.

Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên được ban hành năm 1987 cho đến nay, đầu tư nước ngoài đã trở thành một bộ phận hữu cơ, năng động của nền kinh tế, có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực đầu tư nước ngoài tăng liên tục, năm 2004 đạt trên 55% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đóng góp của khu vực kinh tế có vốn FDI vào nền kinh tế gia tăng đáng kể, trong những năm gần đây chiếm trên 15,5% GDP. Bên cạnh đó, với sự gia tăng của vốn FDI, cơ cấu ngành của kinh tế Việt Nam cũng dần được chuyển dịch theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ. Đến nay, khu vực kinh tế có vốn FDI chiếm gần 40% giá trị sản xuất công nghiệp cả nước, nhiều ngành công nghiệp mới được tạo ra, năng lực và năng suất một số ngành công nghiệp quan trọng như dầu khí, hóa chất, công nghệ thông tin, ô-tô, xe máy... được nâng cao. Đầu tư FDI trong lĩnh vực dịch vụ cũng đã kích thích ngành dịch vụ phát triển nhanh, đặc biệt là trong lĩnh vực viễn thông, du lịch, kinh doanh khách sạn, nhà hàng...

Đầu tư từ bên ngoài đã có đóng góp đáng kể để tiếp nhận khoa học - công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao khả năng cạnh tranh và thay đổi phương thức kinh doanh.

2 - Nguồn lực đầu tư từ bên ngoài tại Việt Nam trong thời gian tới

Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2006-2010, tổng đầu tư toàn xã hội ước tính khoảng 2.200 nghìn tỉ đồng, tương đương 139,4 tỉ USD, bằng khoảng 40% GDP. Nguồn vốn đầu tư này được huy động từ nhiều nguồn khác nhau: từ ngân sách nhà nước, khu vực tư nhân trong và ngoài nước, từ nguồn vốn ODA và nhiều nguồn khác với vốn nước ngoài khoảng 48,8 tỉ USD, chiếm khoảng 35% tổng đầu tư. Cơ cấu vốn nước ngoài dự kiến bao gồm 18 - 19 tỉ USD vốn FDI thực hiện, 11 - 12 tỉ USD vốn ODA giải ngân, phần còn lại là các nguồn vốn bên ngoài khác (vay tín dụng ngắn hạn, trung hạn, chứng khoán,...) dự kiến khoảng 9 tỉ USD và vốn đầu tư từ nguồn kiều hối là 12 tỉ USD.

Do vậy, để đạt được mục tiêu kế hoạch huy động nguồn lực bên ngoài nêu trên cả về chất và lượng, công tác thu hút và sử dụng vốn đầu tư từ bên ngoài trong giai đoạn 2006 - 2010 và những năm tiếp theo cần quán triệt những quan điểm chủ đạo sau:

- Bảo đảm tính chủ động và tự chủ quốc gia trong suốt quá trình thu hút và sử dụng ODA và FDI, từ khâu nghiên cứu định hướng chính sách cho đến quá trình tổ chức thực hiện.

- Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, bảo đảm khả năng trả nợ và tránh những rủi ro của đầu tư nước ngoài như đã từng xảy ra trong thời kỳ khủng hoảng tài chính châu á ở các quốc gia khác.

- Lựa chọn nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài (ODA, FDI) một cách phù hợp trong sự kết hợp với các nguồn đầu tư phát triển khác để đáp ứng các yêu cầu phát triển ưu tiên theo quy hoạch, kế hoạch của Nhà nước, bộ, ngành và địa phương.

- Các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài cần thiết được sử dụng để hỗ trợ cho nhau, bổ sung và là nguồn lực xúc tác đối với tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và tiến bộ xã hội.

Đồng thời, trong thời gian tới, để bảo đảm sử dụng nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài, phục vụ tốt cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, cần thực hiện việc thu hút và sử dụng nguồn lực bên ngoài theo những phương hướng chủ yếu sau:

- Tập trung nguồn đầu tư từ bên ngoài, đặc biệt là ODA, trước hết cho việc hoàn thiện và phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên các dự án quốc gia, liên vùng, liên ngành có tác động mạnh và hiệu suất lan tỏa cao đối với tăng trưởng, phát triển cho giai đoạn hiện tại, tạo gối đầu và các tiền đề bền vững cho giai đoạn sau năm 2010. Đối với nguồn vốn FDI, khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực thúc đẩy chuyển giao công nghệ cao, công nghệ nguồn như năng lượng mới, vật liệu mới; các ngành công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, gia tăng xuất khẩu, tạo việc làm trong các ngành sản xuất hàng xuất khẩu, phục vụ tiêu dùng trong nước; mở cửa các lĩnh vực dịch vụ theo cam kết quốc tế, khuyến khích các ngành dịch vụ ngân hàng, tài chính, bưu chính - viễn thông...

- Khuyến khích đầu tư và có cơ chế nhằm thu hút nguồn vốn bên ngoài vào các địa phương nghèo có nhiều khó khăn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, có tính đến trình độ phát triển, đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội, tiềm năng và lợi thế của từng vùng, từng địa phương.

- Ưu tiên các dự án sử dụng vốn nước ngoài trong phát triển năng lực và phát triển thể chế. Chú trọng phát triển năng lực phân tích và hoạch định chính sách, năng lực tổ chức, quản lý, điều hành của bộ máy quản lý các cấp, cả ở khu vực công lẫn khu vực tư. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, đáp ứng các yêu cầu của hội nhập kinh tế và phát triển.

3 - Nâng cao hơn nữa chất lượng sử dụng nguồn lực đầu tư từ bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài trong thời gian qua còn có những hạn chế nhất định như: những định hướng tổng thể làm cơ sở cho việc hoạch định chủ trương, chính sách và những giải pháp mang tính trung hạn đối với việc thu hút và sử dụng nguồn vốn bên ngoài còn thiếu; nguồn cam kết ODA và đăng ký FDI tăng hằng năm nhưng vẫn còn ở mức chưa cao, tỷ lệ thực hiện còn thấp; khả năng góp vốn từ phía Việt Nam vào các dự án đầu tư bằng vốn nước ngoài còn những hạn chế nhất định; cơ cấu vốn đầu tư theo vùng, ngành còn có những bất cập; hệ thống văn bản pháp luật, pháp quy liên quan đến quản lý vốn nước ngoài chưa thực sự hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ; năng lực con người tham gia quản lý và thực hiện các dự án đầu tư vốn nước ngoài ở các cấp, các ngành chưa đạt yêu cầu...

Do vậy, để đạt được những mục tiêu định hướng về thu hút và sử dụng nguồn vốn nước ngoài, trước hết cần tiến hành thực hiện những giải pháp để khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong thời gian qua. Bên cạnh đó, cần tiến hành những giải pháp nhằm có được cam kết nguồn vốn đầu tư lớn từ bên ngoài, đồng thời phải bảo đảm tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả những nguồn vốn quan trọng này. Cụ thể như sau:

1. Nhóm giải pháp về chính sách chung: Các nhà tài trợ cũng như các nhà đầu tư nước ngoài đều tin tưởng vào chính sách cải cách kinh tế rộng mở của Việt Nam, tuy nhiên chắc khó đáp ứng được nhu cầu về nguồn vốn đầu tư quốc tế đang tăng lên mạnh mẽ ở khắp các châu lục. Trong bối cảnh đó, công tác thu hút ODA và FDI có ý nghĩa quan trọng. Nhằm đạt được hiệu quả công tác này, cần tiếp tục triển khai các chính sách chung sau đây:

- Tiếp tục thực hiện cả bề rộng lẫn chiều sâu công cuộc đổi mới, hoàn thiện môi trường đầu tư, tạo ra sân chơi bình đẳng đối với mọi thành phần kinh tế; quản lý tài chính công một cách minh bạch, có trách nhiệm giải trình chính sách và giải pháp để giảm nhẹ những thương tổn có thể có trước những tác động từ bên ngoài trong quá trình hội nhập, trong đó có việc Việt Nam gia nhập WTO; chống nạn tham nhũng...

- Cải tiến công tác vận động nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài theo hướng đối thoại trực tiếp, đi vào thực chất hơn nữa. Về nguồn vốn FDI, cần chủ động cải tiến phương thức và tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, xây dựng các đầu mối xúc tiến và lập các đại diện tại nước ngoài... một cách đồng bộ và thống nhất.

- Tăng cường vận động nguồn vốn đầu tư bên ngoài ở cấp địa phương, cấp vùng, nhất là đối với các vùng kinh tế trọng điểm nhằm cung cấp cho các nhà tài trợ và các nhà đầu tư cách nhìn tổng hợp hơn và tạo điều kiện để phối hợp tốt hơn các nguồn lực.

2. Nhóm những giải pháp cụ thể cải thiện và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn: gồm những giải pháp để cải thiện và tạo bước đột phá trong các khâu liên quan đến toàn bộ chu trình tiến hành một dự án đầu tư. Cụ thể:

- Kiện toàn môi trường pháp lý về quản lý thu hút và sử dụng nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài. Thay đổi phương thức quản lý và sử dụng ODA theo hướng quản lý chặt chẽ đầu vào; mở rộng quyền hạn và nâng cao trách nhiệm cho các cơ quan thực hiện song song với tăng cường công tác hậu kiểm; đồng bộ hóa văn bản pháp quy về ODA với các văn bản pháp quy chi phối như về quản lý đầu tư công; quản lý đầu tư xây dựng công trình, đền bù di dân, giải phóng mặt bằng và tái định cư, đấu thầu... Đối với nguồn vốn FDI, cần nhanh chóng tổ chức triển khai thực hiện tốt các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp vừa được Quốc hội thông qua cuối năm 2005 một cách đồng bộ, thuận lợi cho các nhà đầu tư hiện hữu chuyển sang hoạt động theo luật mới.

- Nâng cao tính tự chủ và chất lượng chuẩn bị nội dung các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài. Danh mục các dự án vận động ODA, vận động FDI cần thống nhất, minh bạch, rõ ràng, có thể dự đoán trước những điều kiện đầu tư.

- Cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp quản lý gắn liền với tăng cường theo dõi và giám sát hoạt động quản lý nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài; mở rộng phân cấp vận động, thu hút và phê duyệt dự án đầu tư cho các địa phương gắn liền với loại bỏ sự cạnh tranh không minh bạch về ưu đãi thuế, giá đất giữa các địa phương. Ban hành chế độ theo dõi, giám sát và đánh giá các dự án đầu tư bằng vốn nước ngoài, đặc biệt là nguồn vốn ODA.

- Cải tiến cách quản lý các dự án đầu tư bằng vốn nước ngoài theo hướng dựa vào kết quả cuối cùng mà dự án đó mang lại chứ không chỉ là đạt được những mục tiêu mà dự án đề ra. Công tác quản lý chủ yếu tập trung vào công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, giảm dần sự tham gia trực tiếp vào các vấn đề cụ thể, trong đó nhiệm vụ hậu kiểm cần được tăng cường.

- Hoàn thiện và đồng bộ hóa hơn nữa chính sách tài chính trong nước đối với các dự án ODA, các doanh nghiệp FDI, trước hết là về chính sách thuế, ưu đãi thuế, chuyển nhượng vốn góp...

3. Nhóm các giải pháp tăng cường tổ chức và nâng cao năng lực con người cho công tác quản lý và sử dụng vốn nước ngoài, bao gồm:

- Kiện toàn và thống nhất quản lý nhà nước về FDI, ODA ở các địa phương về một đầu mối, tạo cơ chế một cửa trong quản lý, tránh sự chồng chéo và trùng lặp về quản lý gây khó khăn cho các dự án ODA và các doanh nghiệp FDI trong quá trình triển khai.

- Duy trì hoạt động của các đường dây nóng, các tổ công tác về FDI, ODA nhằm hỗ trợ kịp thời cho các chủ dự án ODA, doanh nghiệp FDI trong quá trình triển khai thực hiện.

- Coi trọng và tăng cường hơn nữa công tác đào tạo ở các cấp, các ngành nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các tổ chức kinh tế nói chung, các dự án ODA và doanh nghiệp FDI nói riêng.

- Chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ tham gia các dự án ODA, đại diện vốn góp của Việt Nam (nhất là của doanh nghiệp nhà nước) trong các doanh nghiệp FDI. Xem xét và ban hành chế độ lương và phụ cấp, bảo đảm tuyển dụng được cán bộ có năng lực làm việc cho các ban quản lý dự án phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường.

Bốn là, nhóm các giải pháp liên quan đến tuyên truyền, quảng bá cho hình ảnh của Việt Nam như điểm đến tích cực của đầu tư từ bên ngoài gồm có:

- Các cơ quan chính phủ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và xác thực thông tin về đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam cho các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần hướng dẫn công luận về nguồn lực này.

- Xây dựng, duy trì và làm phong phú và sinh động các website về vốn đầu tư từ nước ngoài phục vụ đắc lực cho việc thu hút và sử dụng ODA, FDI đối với các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp. Biên soạn các tài liệu giới thiệu về đầu tư nước ngoài, phát hành rộng rãi tờ rơi giới thiệu về các cơ quan quản lý đầu tư FDI, điều phối ODA. Cập nhật thường xuyên các chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quản lý và sử dụng ODA, FDI.

- Tăng cường thông tin tuyên truyền ra nước ngoài về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là các dự án có hiệu quả cao về hỗ trợ phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội, xóa đói, giảm nghèo... để tranh thủ sự ủng hộ của những người dân đóng thuế để cung cấp ODA ở các nước tài trợ, sự quan tâm của các doanh nghiệp nước ngoài.

- Bên cạnh việc sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cần tranh thủ hỗ trợ tài chính của các tổ chức quốc tế để tiến hành các hoạt động xúc tiến đầu tư ở nước ngoài.
  • Tags: