Nguồn nhân lực là yếu tố sống còn để thu hút các nhà đầu tư

Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhân dịp dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Lao động-Thương binh-Xã hội.

Những năm qua, khu vực FDI đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội nước ta. Năm 1995 cả nước mới có khoảng 330 nghìn lao động làm việc trong doanh nghiệp FDI, thì năm 2007 đã tăng lên khoảng 1,5 triệu người và đến nay tăng lên khoảng 4 triệu lao động (chiếm 26% tổng số lao động khu vực doanh nghiệp). Tốc độ tăng của lao động khu vực FDI khá cao, đạt bình quân 7,6%/năm giai đoạn 2005 - 2018, cao gấp gần 4 lần tăng trưởng lao động của nền kinh tế.  Ngoài lao động trực tiếp, khu vực FDI còn tạo ra rất nhiều việc làm, đạt khoảng 5 - 6 triệu lao động gián tiếp.

Nhiều DN FDI đã từng bước chuyển giao công nghệ, quy trình kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý cho cán bộ Việt Nam. Nhiều vị trí trước đây do chuyên gia nước ngoài đảm nhận, thì nay lao động Việt Nam đã đủ khả năng làm chủ, góp phần tạo dựng một đội ngũ doanh nhân Việt Nam trưởng thành.  Nguồn nhân lực đang là một thế mạnh quan trọng giúp Việt Nam chuyển sang nền kinh tế tiên tiến phức tạp hơn, hấp dãn đầu tư FDI hơn.

nhan-luc

Nguồn nhân lực nước ta có bước chuyển biến đáng kể, thông qua các chỉ số về năng suất lao động. Năm 2018, năng suất lao động đóng góp khoảng 89% tăng trưởng GDP, cao hơn so với mức 66,3% giai đoạn 1990-2000 và 61,9% giai đoạn 2000-2012. Tính chung giai đoạn 10 năm 2009-2018, năng suất lao động của Việt Nam tăng trung bình 4,2%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singgapore (1,5%/năm); Malaysia (1,9%/năm); Thái Lan (2,5%/năm); Indonesia (3,5%/năm); Philippines (2,8%/năm).

Trong bước chuyển biến đó, có sự góp sức của công tác giáo dục nghề nghiệp. Lĩnh vực này đã thể hiện tiến bộ vượt bậc khi giai đoạn 2013-2016 nhiều trường không tuyển sinh được và cả khối chỉ đạt khoảng 50-60% chỉ tiêu. Bắt đầu từ năm 2017 chỉ tiêu vào khối giáo dục nghề nghiệp đạt trên 100%. Tuyển sinh năm 2018 khoảng 2,21 triệu người, đạt 100,5% kế hoạch. Trong đó: trình độ cao đẳng, trung cấp là 545 nghìn người, đạt 100,9% kế hoạch; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,665 triệu người, đạt 100,3% kế hoạch. Ước tốt nghiệp khoảng 2,1 triệu người; trong đó tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp khoảng 440 nghìn người.

Tính đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,6%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 23- 23,5%; góp phần đưa tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,1% (thấp nhất trong 11 năm trở lại đây). Cùng với đó, khu vực FDI cũng góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Số liệu điều tra của Bộ LĐTB&XH cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp FDI tham gia đào tạo cho người lao động tương đối cao, đạt 57% năm 2018, trong đó tự đào tạo chiếm 40%, liên kết với các cơ sở đào tạo chiếm 17%. Qua đó, hình thành và phát triển một lực lượng lao động có kỹ năng nghề và du nhập nhiều kinh nghiệm quản trị tiên tiến.

Để tăng tính hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, phải tiếp tục tập trung chỉ đạo công tác đào tạo nhân lực. Chúng ta nói nhiều về cách mạng công nghiệp 4.0, có nhiều việc phải làm nhưng đầu tiên phải có nguồn nhân lực tốt. Đối với cơ cấu lao động qua đào tạo, phải đặt ra lộ trình, quyết tâm tăng số lượng lao động ở tất cả các trình độ từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng, đại học.

Một trong những việc cần làm là  trong quá trình biên soạn luật giáo dục sửa đổi cần thảo luận vấn đề rút ngắn thời gian đào tạo bậc cao đẳng, đại học như xu hướng quốc tế; tiêu chuẩn đầu vào cao đẳng có thể bắt đầu từ tốt nghiệp THCS thay vì tốt nghiệp THPT; hoàn thiện nghị định về tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục đưa dạy nghề nông thôn vào các trường để quản lý chất lượng chặt chẽ hơn... Các địa phương bảo đảm đủ khoản chi ngân sách cho đào tạo nghề nằm trong các chương trình mục tiêu, không được cắt giảm.

Phú Châu