Nguy cơ vỡ Quỹ bảo hiểm xã hội

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội, về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) trong 2 năm 2008-2009. Theo báo cáo này, Quỹ BHXH có nguy cơ mất khả năng chi trả, ảnh hưởng tới hàng

Tiền Phong phỏng vấn bà Trần Thị Thuý Nga - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) xung quanh vấn đề này.

Tăng tuổi nghỉ hưu?

Thưa bà, nguy cơ vỡ Quỹ BHXH cụ thể là thế nào?

Năm 2008, số chi từ Quỹ Hưu trí và tử tuất chiếm 73,29% số thu từ tiền đóng của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) của năm; năm 2009 chiếm 88,5% số thu của cùng năm đó...

Theo các chuyên gia Ngân hàng Thế giới, tổng số tiền mà NLĐ và NSDLĐ đóng, cộng với phần lãi thu được từ đầu tư chỉ đảm bảo chi trả lương hưu trong vòng 10 năm cho mỗi cá nhân, trong khi đó độ dài thời gian hưởng lương hưu bình quân hiện nay là 19,5 năm. Với thực tế trên, có thể thấy rằng Quỹ Hưu trí và Tử tuất không đảm bảo chi trả trong dài hạn.

Để duy trì khả năng chi trả của Quỹ BHXH cần có biện pháp gì, thưa bà?

Ở Việt Nam, có thể thực hiện với các nhóm giải pháp như: Kéo dài thời hạn đóng BHXH. Thời gian tới chúng ta cần nghiên cứu thực hiện lộ trình (theo thời gian và theo lĩnh vực lao động) tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ.

Tiền lương đóng BHXH phải được quy định trên tiền lương thực hưởng. Xác định tỷ lệ hưởng lương hưu phù hợp và bình đẳng giữa lao động nam và nữ. Xây dựng công thức tính tiền lương bình quân để làm cơ sở tính lương hưu chung cho mọi lao động. Thực hiện việc điều chỉnh lương hưu theo đúng quy định của Luật BHXH.

Nợ BHXH dây dưa: Cần xử lý hình sự

Nhưng thưa bà, hiện Quỹ BHXH Việt Nam có hàng ngàn tỷ đồng “nhàn rỗi” để tại ngân hàng, sinh lời rất thấp?

Theo tôi, thời gian tới có thể mạnh dạn cho phép Quỹ BHXH đầu tư vào các dự án kinh doanh, liên doanh góp vốn để vừa đảm bảo an toàn, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng tiền nhàn rỗi của Quỹ. Bên canh đó, phải giảm thiểu các chi phí.

Còn vấn đề doanh nghiệp chậm, nợ dây dưa tiền BHXH thì sao, thưa bà?

Theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì mức xử phạt cao nhất của hành vi vi phạm pháp luật về BHXH là 30 triệu đồng. Tuy nhiên, có ý kiến đề xuất mức độ xử phạt phải được tính theo tỷ lệ của số tiền nợ đóng, chậm đóng. Một số nơi đã thực hiện khởi kiện doanh nghiệp cố tình chây ỳ, trốn đóng BHXH.

Tới đây, cần sửa đổi, nâng mức xử phạt vi phạm lên nhằm răn đe, với người sử dụng lao động khi vi phạm pháp luật BHXH đã bị xử lý hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm thì phải được coi là vi phạm hình sự và xử lý theo pháp luật về hình sự..

* Năm 2009, Quỹ BHXH tồn 95.163 tỷ đồng. Trong đó, cho Nhà nước vay 20.000 tỷ đồng; mua trái phiếu Chính phủ 28.500 tỷ đồng; mua công trái giáo dục 200 tỷ đồng; cho các ngân hàng thương mại nhà nước vay 46.463 tỷ đồng. Năm 2009, quỹ này thu về khoảng 8.400 tỷ đồng tiền lãi từ các khoản trên.

* Năm 2009, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, số nợ, chậm đóng BHXH bắt buộc hơn 2.000 tỷ đồng.