Nhà báo Võ Khắc Nghiêm: Làm báo vì quyền lợi của người thợ

Nhà báo, nhà văn Võ Khắc Nghiêm sinh ra và lớn lên tại miền đất Quảng Bình đầy nắng gió, nhưng lại trưởng thành từ vùng than Quảng Ninh. Mảng đề tài văn học và báo chí của anh luôn gắn bó với ngành Cô


P.V: Là một nhà báo, nhà văn đã gắn bó với ngành Công nghiệp hơn 40 năm, chắc chắn anh có nhiều kỷ niệm sâu sắc về nghề báo với những người thợ? Nhân ngày Báo chí Việt Nam, xin anh kể lại đôi điều.
Nhà báo Võ Khắc Nghiêm: Vâng, thời kỳ nào cũng để lại những kỷ niệm sâu sắc, những bài học bổ ích, không chỉ cho nghề làm báo, mà còn giúp tôi viết được tiểu thuyết, kịch bản... và khá nhiều truyện ngắn. Có lẽ không ở đâu nghề làm báo được đặc biệt quan tâm như ở vùng Than Quảng Ninh và không ở đâu đào tạo được nhiều cây bút công nhân như ở vùng Than. Tờ báo Than là một trong những tờ xuất bản đầu tiên của báo chí cách mạng. Sau ngày khu mỏ Hồng Quảng được giải phóng, tờ Vùng Mỏ ra đời. Lúc sáp nhập tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng, ngoài tờ Quảng Ninh, ngành Than vẫn có tờ Vùng Mỏ và hệ thống phát thanh công nhân mỏ. Chính nhờ có cơ quan ngôn luận của mình mà mọi hoạt động của ngành Than được thông tin chính xác, kịp thời, tạo dựng được lực lượng phóng viên, cộng tác viên rất đông và mạnh.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, những người cầm bút trong đội ngũ công nhân mỏ đã có nhiều đóng góp rất lớn vào sự nghiệp tuyên truyền chung. Họ là chỗ dựa đáng tin cậy của các tờ báo lớn, Đài phát thanh, Đài truyền hình Trung ương. Nhờ sự quan tâm đặc biệt của Bộ, của các công ty mà tình cảm của giới báo chí nói chung đối với ngành Than, ngành Điện rất sâu nặng. Còn nhớ những năm bom đạn Mỹ đánh phá huỷ diệt vùng Than, các phóng viên TTXVN, Báo Nhân dân, Báo Lao động... đã luôn có mặt ở những nơi hiểm nguy nhất, cùng chia xẻ với thợ mỏ. Đài Tiếng nói Việt Nam luôn có phóng sự thu thanh phản ánh kịp thời mọi chiến công của thợ mỏ. Nhiều hôm, chúng tôi phải rất vất vả mới thu thanh được những tiếng nói công nhân, nhưng vì máy ghi âm trục trặc nên đã phải thức suốt đêm để thu lại, rồi phóng mô tô hàng trăm cây số, vượt bom đạn đưa băng vào Hà Nội...
Thời cơ chế thị trường mới mở cửa, vùng Than thiếu gạo, thiếu tiền mặt... thiếu đủ thứ... phải nhờ các báo, các đài lớn tiếng “gào”, thợ mỏ mới được quan tâm nhiều hơn. Rồi đến chuyện dẹp “Than thổ phỉ” cũng nhọc nhằn lắm. Khi tôi viết phóng sự “Vùng Than bên bờ vực thẳm” (Lao Động), làm phim “Những trăn trở từ Hạ Long” và “Nhận diện lại vùng Than” gây được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, nhưng tác giả cũng gặp khá nhiều phiền phức, thậm chí cả sự đe doạ tính mạng của những kẻ chuyên “ăn cắp than”. Nhưng có lẽ phiền phức nhất là khi tham gia vào những vụ việc chống tiêu cực cụ thể - nhất là chuyện tranh giành nhà đất - không chỉ bị hành hung, mà còn phải tranh tụng trước toà án...
Làm báo là một nghề nhọc nhằn và nguy hiểm - Nguy hiểm ngay khi đang ngồi viết tại nhà mình, nếu ngòi bút động đến quyền lợi của ai đó, chứ không chỉ nguy hiểm vì bom đạn, vì phải đương đầu với những khó khăn, tai hoạ. Nhưng nghề báo cũng cho ta niềm vui lớn. Thời kỳ xây dựng đường dây 500 kV, có không ít kẻ phá ngang, bàn chùn, chúng tôi được cử làm phim tài liệu “Cung đàn mùa xuân” và phim ca nhạc “Giọt mồ hôi rơi trên má mặt trời”, phải vất vả cả năm trời ở Trường Sơn. Nhưng 2 phim này được Huy chương Vàng và Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc 1994, được phát sóng rất nhiều lần, gặp anh em công nhân xây lắp điện ở đâu, cũng được họ đón tiếp rất nồng nhiệt và được họ khen ngợi. Vui lắm!
Ngày nay, ai cũng đã hiểu rất rõ tác dụng của đường dây 500 kV, nhưng đầu thập niên 90 của Thế kỷ trước, thì có người lại cho rằng: “Đó là một cuộc phiêu lưu lãng phí”(?!). Đã có những cán bộ phải vào tù chỉ vì muốn đường dây 500 kV được xây dựng thật nhanh nên vấp phải khuyết điểm.
Chuyện ngành Than giãn sản xuất năm 1999, thực chất là “một cuộc tập dượt” làm quen với cơ chế thị trường, nhưng cũng chẳng dễ giải thích thấu đáo với mọi người. Có nhiều nhà báo viết đúng, nhưng cũng không ít bài báo đã viết quá lời... làm chỗ dựa cho khối kẻ cơ hội ngoi lên, tôi cũng bị không ít người công kích khi bênh vực thợ mỏ. Nhưng chính trong sự biến động rất “ầm ĩ” ấy, thợ mỏ đã xốc lại được đội ngũ, tạo nên bước đi mới vững vàng hơn và bây giờ báo chí lại ca ngợi và cái “mốc son” tôi viết năm 2000 đã được thừa nhận.
Tôi cũng đã từng viết về tình hình sản xuất Giấy, sản xuất Đường. Quả là có “những bài học vỡ lòng” về cơ chế thị trường làm chúng ta đau đầu, mà nếu nhà báo không có bản lĩnh, không tỉnh táo thì rất dễ chạy theo những quan điểm sai lệch. Ví như chuyện thừa nguyên liệu giấy, thừa mía, thừa đường... Nếu ủng hộ các địa phương xây nhà máy sản xuất bột giấy công nghệ đơn giản, công suất nhỏ sẽ tự sát cũng như các lò xi măng, các nhà máy đường lạc hậu đều phải trả giá.
Tôi nghĩ muốn viết báo tốt, không chỉ phải lăn lộn, phải chịu khó hoà nhập cuộc sống người thợ, mà còn phải không ngừng mở rộng tầm nhìn, nâng cao trình độ nhận thức... nếu không, mình sẽ ca ngợi nhầm những “sáng kiến giật lùi”. Hiện tượng này khá phổ biến ở một số nhà báo trẻ khi viết về kinh tế công nghiệp.
Đối với các nhà báo trong ngành, phê phán là cần thiết, nhưng giúp cho các doanh nghiệp sửa chữa và phát triển mới thực khó, mới thực là nhà báo của công nhân. Suốt cuộc đời làm báo của tôi, dù viết gì tôi cũng luôn bảo vệ quyền lợi của người thợ, vì cuộc sống của người thợ. Tôi luôn ý thức rằng những người thợ đã nuôi tôi để viết báo, viết văn.

P.V: Theo anh thì tình hình báo chí ở ngành Công Nghiệp hiện nay ra sao và anh đánh giá Tạp chí Công nghiệp thế nào?
Nhà báo Võ Khắc Nghiêm: Thời đại bùng nổ thông tin thì việc Bộ Công nghiệp có nhiều tờ báo, tạp chí là một hiện tượng bình thường và đáng mừng. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng, chất lượng các tờ báo, tạp chí của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu bạn đọc. Phần lớn công nhân chưa thích đọc hoặc không hề đọc các sản phẩm của chúng ta, dù có nơi được phát không.
Tạp chí Công nghiệp gần đây đã có những cải tiến cả hình thức, nội dung. Bên cạnh những bài mang tính lý luận, học thuật bề thế, đã có nhiều nội dung khác hấp dẫn hơn, được bạn đọc ưa thích hơn.

P.V: Theo anh, báo chí ngành Công nghiệp nên đi theo hướng nào khi mà cả nước đã có trên 600 tờ báo?
Nhà báo Võ Khắc Nghiêm: Đòi hỏi những tạp chí chuyên ngành như Than, Điện... phải xã hội hoá, phải nâng cao hơn nữa tính hấp dẫn có lẽ không thực tế lắm! Nhưng rõ ràng, những tạp chí chuyên ngành không nên đưa tin sản xuất quá nhiều và càng không nên sa đà vào tính thời sự mà các báo hàng ngày đã đưa. Càng không nên bắt người thợ phải đọc lại những bài đã in trên sách, trên báo khác... Có vẻ như một số tạp chí chuyên ngành chỉ cốt làm “vừa lòng lãnh đạo ngành” nên số nào cũng chưng ảnh các vị này hoạt động, thăm thú... đưa cả ra bìa cứ như “người mẫu thời trang”. Điều này rất phản tác dụng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tạp chí và của các đồng chí lãnh đạo.
Chất lượng các bài viết cũng là một vấn đề nan giải. Lực lượng cộng tác viên ở cơ sở đang ít dần. Phần đông là cán bộ thi đua tuyên truyền, thích đưa tin hoàn thành vượt mức kế hoạch, không bắt kịp những đòi hỏi khắc nghiệt của báo chí ngày nay. Tạp chí Công nghiệp nên phối hợp với các tạp chí chuyên ngành ra những số chuyên ngành vừa có tính chất học thuật, vừa giới thiệu những tiến bộ kỹ thuật của thế giới mang tính khoa học thường thức và kiến nghị của công nhân cho đông đảo bạn đọc hiểu đầy đủ hơn về ngành mình.
Để tờ báo thực sự là của người thợ, ngoài cộng tác viên khoa học kỹ thuật, Tạp chí Công nghiệp và các tạp chí chuyên ngành cần mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cộng tác viên và có mối liên hệ mật thiết hơn, trân trọng hơn với những người thợ làm báo nghiệp dư, đồng thời cần có kế hoạch đặt bài các nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp thì mới nâng cao được chất lượng nội dung.
Tính hấp dẫn luôn luôn là đòi hỏi quan trọng đối với mọi tờ báo và chẳng dễ dàng đối với các tờ báo Ngành. Tuy nhiên, tính định hướng của mỗi số báo cũng cần được quan tâm nhiều hơn, không nên tuỳ tiện gom nhặt bài vở sẵn có nhét hết vào một số báo thành cái “chợ trời tin tức” như tình trạng hiện nay ở một số tạp chí. Quảng cáo cũng vậy, nhiều doanh nghiệp trong ngành không cần quảng cáo, nhưng vì giúp đỡ tạp chí mà phải quảng cáo thì nên biến nó thành những trang phóng sự ảnh hoặc những bài viết “tự giới thiệu”. Nên thay “Hợp đồng quảng cáo” bằng “Hợp đồng tuyên truyền”.
Còn rất nhiều nội dung mà các tạp chí Ngành chưa thực quan tâm - ví như giáo dục luật pháp, vệ sinh môi trường, trao đổi kinh nghiệm quản lý tổ sản xuất, công trường, kinh nghiệm nuôi dạy con v.v... Đặc biệt những ý kiến, nguyện vọng của công nhân, những gương sáng trong sản xuất, kinh doanh - kể cả chân dung giám đốc v.v... chưa được khai thác. Có lẽ nên tổ chức những cuộc thi viết về các đề tài này, chắc chắn sẽ có nhiều người hưởng ứng.
Khi đất nước đã có trên 600 tờ báo, tạp chí, khi truyền hình nhiều kênh đã len vào phòng ngủ mọi gia đình, quả thực các tờ báo, tạp chí của ngành Công nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt lắm mới có thể tồn tại được và càng nhọc nhằn khi muốn chiếm được vị trí xứng đáng trong lòng người thợ, cho dù chúng ta có “thế mạnh” của Ngành mình. Đã đến lúc không thể bắt công nhân mua báo, đọc báo khi họ không thích. Vì thế, người làm báo trong Ngành cần động não, luôn sáng tạo, biết tìm kiếm những gì người thợ cần đọc, muốn đọc để cho mỗi số báo đem đến một sự khám phá mới lạ, bổ ích, góp phần nâng cao trình độ hiểu biết, thực sự gắn bó tờ báo với đối tượng mình phục vụ.
Cách thể hiện những bài viết về khoa học kỹ thuật cũng cần được cải tiến sao cho vừa có học thuật, vừa mang tính đại chúng, tác dụng sẽ lớn hơn. Điều này đòi hỏi Ban biên tập phải vừa có nghề báo, vừa có trình độ kỹ thuật nhất định mà ở các tờ báo khác không cần đặt ra.
Tôi không hiểu quy hoạch sắp xếp lại các tờ báo trong Bộ Công nghiệp rồi sẽ ra sao, nhưng hình như đang thiếu một sự chỉ đạo thống nhất, “mạnh ai nấy làm”. Có nhiều vụ việc, đáng ra phải được các báo của ngành Công nghiệp cùng lên tiếng bảo vệ hoặc làm rõ, thậm chí tranh luận, phê phán lại những quan điểm sai trái của một số tờ báo Trung ương, ngoài ngành, nhưng chúng ta đã không phát huy quyền và thế mạnh của mình. Ví dụ như vụ việc Ngành Than năm 1999, vụ thừa gỗ nguyên liệu giấy, rồi ô tô, xe máy v.v... Phê phán tai nạn là cần thiết, nhưng cũng rất cần làm cho toàn dân hiểu được những hệ số rủi ro rất lớn trong các ngành sản xuất công nghiệp và tình hình tai nạn ở các nước. Việc tăng giá điện, tăng giá than và quá trình hội nhập cũng rất cần được đề cập nhiều hơn để bạn đọc nhìn nhận đúng và có sự chuẩn bị cho những thử thách khắc nghiệt ở phía trước. Tính dự báo dường như không được Tạp chí và Báo Công nghiệp quan tâm thường xuyên, mà lại ngợi ca thành tích hơi nhiều.
Hệ thống báo chí và lực lượng phóng viên, cộng tác viên báo chí của ngành Công nghiệp Việt Nam rất hùng hậu đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển của báo chí Việt nam. Trong cơ chế thị trường, lực lượng này cần được quan tâm, bồi dưỡng nhiều hơn mới đáp ứng được những yêu cầu mới của ngành và của bạn đọc hôm nay.

PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện cởi mở này./

  • Tags: