Dự án đầu tư sản xuất bột giấy tại Kon Tum giai đoạn I, công suất 130.000 tấn bột giấy tẩy trắng 900ISO/năm, sau đó sẽ nâng lên 260.000 tấn/ năm là một trong 2 dự án lớn nhất cả nước. Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 13-9-1999, với tổng số vốn đầu tư giai đoạn I (tại thời điểm đó) trên 3.420 tỷ đồng, tương đương 244,4 triệu USD, dự định đi vào sản xuất cuối năm 2004. Đến nay, Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapimex) đã thực hiện 6 gói thầu của kế hoạch đấu thầu bước 1, bao gồm tuyển chọn tư vấn, rà phá bom mìn, san lấp mặt bằng, xây tường rào và trang bị phương tiện đi lại trị giá 70 tỷ đồng, nhưng từ giữa năm 2002 trở lại đây đang nằm “đắp chiếu” chờ quyết định lại công suất, vì sợ thiếu đất trồng cây nguyên liệu giấy cung ứng cho nhà máy sản xuất hiệu quả, ổn định lâu dài.
Vẫn giữ công suất 130.000 tấn bột/năm.
Sau khi nghiên cứu kỹ báo cáo của Tổ công nghiệp thuộc Đoàn kiểm tra liên ngành Dự án vùng nguyên liệu Nhà máy Bột giấy Kon Tum và báo cáo vùng nguyên liệu bột giấy Kon Tum của Đoàn kiểm tra liên ngành gồm các bộ Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường... Bộ Công nghiệp và Vinapimex (chủ đầu tư) đã nhất trí giải trình và đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt lại Dự án Nhà máy Bột giấy Kon Tum công suất 130.000 tấn bột tẩy trắng 900ISO/ năm. Đây là loại bột chất lượng cao, đủ khả năng thay thế hoàn toàn loại bột hiện phải nhập để sản xuất các loại giấy cao cấp, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Theo tính toán của tư vấn quốc tế, với công suất 130.000 tấn/năm và công nghệ mới, suất đầu tư sẽ là 1.770 USD/tấn bột tẩy trắng 900ISO, tuy đắt hơn suất đầu tư cho nhà máy công suất 260.000 tấn/năm là 433 USD/tấn, nhưng rẻ hơn nhà máy có công suất 60.000 tấn/năm đến 1.075 USD/tấn theo thời giá hiện nay. Tại thời điểm này, nhiều nước châu á đã có những nhà máy sản xuất bột giấy công suất 500 – 600.000 tấn/năm, khả năng cạnh tranh rất cao.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, với công suất 130.000 tấn bột giấy tẩy trắng 900ISO/ năm, Nhà máy Bột giấy Kon Tum mới đảm bảo trang bị đồng bộ hoàn chỉnh máy, thiết bị, công nghệ tiên tiến, hiện đại để làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiêu hao vật tư, nguyên liệu, năng lượng đúng kỹ thuật quy định, giá thành hàng hoá đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Hơn nữa, nhà máy này ở đầu nguồn nước phải được trang bị các thiết bị xử lý để bảo vệ môi trường sinh thái rất đắt tiền, nếu quy mô nhỏ, khó bảo đảm các chỉ tiêu cơ bản này.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kon Tum ngày 18-4-2003, Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhắc lại “Giữ nguyên công suất Nhà máy Bột giấy Kon Tum giai đoạn I là 130.000 tấn bột giấy/năm”. Thủ tướng đã giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Kon Tum “có trách nhiệm quy hoạch và cung cấp đầy đủ diện tích đất cũng như cơ cấu chủng loại rừng nguyên liệu giấy, bảo đảm cho nhà máy hoạt động có hiệu quả, giữ gìn vệ sinh môi trường”.
Nhà máy Bột giấy Kon Tum được xây dựng trên mặt bằng 150 ha tại xã Pô Kô, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum. Vinapimex đã xác định đây là nhóm công trình trọng điểm hàng đầu trong chương trình của Tổng công ty thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IX và là cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng để hội nhập thị trường khu vực và thế giới. Đến nay, mặt bằng nhà máy đã căn bản chuẩn bị xong, sẵn sàng cho việc xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy, thiết bị kỹ thuật, công nghệ. Vinapimex cũng đã tuyển 280 học sinh đưa đi đào tạo công nhân kỹ thuật tại Trường Đào tạo nghề giấy Bãi Bằng từ tháng 9-2001, đến tháng 9 năm nay sẽ ra trường.
Ông Bảo Hoàn, Phó Tổng giám đốc Vinapimex kiêm Trưởng ban quản lý Dự án cho biết: Toàn bộ các máy, thiết bị, dây chuyền công nghệ trang bị hoàn chỉnh, đồng bộ cho Nhà máy Bột giấy Kon Tum đều thuộc loại tiên tiến, hiện đại và được lựa chọn nhập của các nước thuộc EU, Bắc Mỹ, Nhật Bản, thông qua đấu thầu quốc tế; Giải pháp kỹ thuật nấu, rửa, tẩy trắng bột giấy hợp lý, đáp ứng được trình độ công nghệ bột giấy tiến bộ của thế giới, bảo đảm tính ổn định chất lượng của sản phẩm, tiết kiệm hoá chất, giữ gìn vệ sinh môi trường. Sản phẩm của nhà máy có thị trường tiêu thụ, có khả năng cạnh tranh cả về chất lượng và giá cả, do đó đủ khả năng trả nợ. Hiện nay, do tỷ giá ngoại tệ thay đổi, 1 USD=15.500 VNĐ và để phù hợp hơn về kỹ thuật và cơ cấu nguyên liệu, nên tổng mức đầu tư của nhà máy là 239,4 triệu USD (giảm 2% so với lúc đầu) tương đương 3.721,6 tỷ đồng, tăng 301,6 tỷ đồng.
Bảo đảm trồng đủ cây nguyên liệu giấy.
Nhà máy Bột giấy Kon Tum tiêu thụ mỗi năm đến 65 vạn tấn nguyên liệu. Trong những năm đầu, nhà máy sử dụng một phần nguồn tre, nứa, lồ ô và một số loại nguyên liệu có trên địa bàn, sau đó chuyển dần sang dùng nguyên liệu trồng tập trung theo quy hoạch và thâm canh bằng các giống mới có năng suất cao.
Nhằm chủ động bảo đảm đủ nguyên liệu cho nhà máy sản xuất, ngày 20-8-2001, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Dự án khả thi đầu tư xây dựng vùng rừng nguyên liệu giấy Kon Tum giai đoạn 2000-2010” do Vinapimex làm chủ đầu tư. Địa điểm thực hiện Dự án này gồm 43 xã thuộc 6 huyện: Đắk Glei, Ngọc Hồi, Đắk Tô, Đắk Hà, Kon Plông và Sa Thầy, tỉnh Kon Tum với cơ chế vay vốn ưu đãi: “Dự án được vay 100% vốn ưu đãi để trồng rừng theo chu kỳ kinh tế của cây trồng, mức lãi suất chu kỳ tiếp theo được vay vốn ưu đãi theo quy định hiện hành...”. Nhưng trong quá trình thực hiện, Công ty Nguyên liệu giấy miền Nam thuộc Vinapimex đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc hoàn tất thủ tục để vay vốn tạm ứng và giải ngân.
Ba năm qua, tỉnh Kon Tum đã giao cho Dự án 19.592 ha đất (chiếm 34,4% quỹ đất của Dự án) và tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện. Tỉnh Kon Tum đã cam kết sẽ giao đầy đủ và đúng tiến độ quỹ đất còn lại trong tổng số 58.000 ha theo yêu cầu mới của Dự án đặt ra. Toàn bộ quỹ đất của Dự án bột giấy Kon Tum, chỉ chiếm 29,3% tổng diện tích còn lại của tỉnh. Vì vậy, việc bố trí quỹ đất còn lại cho Dự án là hoàn toàn khả thi, có độ dự phòng và tin cậy cao. Lãnh đạo các huyện, xã của 3 huyện Đắk Tô, Đắk Hà và Sa Thầy là nơi dự kiến bố trí diện tích chủ yếu của vùng nguyên liệu giấy đều chứng minh, khẳng định và cam kết sẽ bố trí đầy đủ, kịp thời quỹ đất trồng rừng theo đúng tiến độ thực hiện Dự án. Đồng chí Nguyễn Tiến Chi, Bí thư huyện uỷ Đắk Tô, là huyện trung tâm của vùng nguyên liệu và có Nhà máy Bột giấy Kon Tum đã khẳng định: Nhà máy này là động lực chủ đạo thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá Huyện nhà. Toàn Huyện có 30.000 ha đất trống, đồi trọc có thể trồng rừng nguyên liệu giấy tập trung, đến nay mới trồng được 9.600 ha cây nguyên liệu giấy đang phát triển khá tốt, trong đó riêng dẫy núi Sẹc-li, Vinapimex đã trồng hơn 4.000 ha thông ba lá và keo lai. Huyện sẽ hợp tác với Vinapimex để đến năm 2005 trồng được 20.000 ha cây nguyên liệu giấy tập trung, sau đó sẽ trồng tiếp thêm 10.000 ha đất còn lại.
Công ty Nguyên liệu giấy miền Nam đã thực hiện có kết quả nhiều giải pháp khắc phục mọi khó khăn, trong 3 năm 2000-2002, đã tổ chức trồng được 11.369 ha thông ba lá và 3.386 ha keo lai với tổng số vốn đầu tư 172,9 tỷ đồng. Riêng năm 2002 đã trồng mới được 7.670,2 ha cây nguyên liệu giấy. Công ty đã chuẩn bị 17 triệu cây giống tốt để trồng mới thêm 6.499 ha trong 6 tháng cuối năm nay. Qua kiểm tra diện tích rừng đã trồng tại 3 huyện Đắk Tô, Ngọc Hồi, Đắk Hà, các cơ quan chức năng của địa phương và trung ương đều ghi nhận “tỷ lệ cây sống cao (trên 90%), sinh trưởng tốt, không để xảy ra tình trạng sâu hại, cháy rừng tại các diện tích đã gieo trồng”. Đặc biệt, Công ty đã làm khá tốt công tác tạo giống cây trồng, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời các loại cây giống keo lai và thông ba lá chất lượng tốt cho vùng nguyên liệu giấy. Công ty đã mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nghề trồng rừng, nhất là công nghệ sản xuất giống keo lai bằng giâm hom vô tính, nhằm nâng cao năng suất cây trồng (đã được thưởng 2 Huy chương Vàng tại hội nghị tổng kết các loại cây công nghiệp giống mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).
Hiệu quả và giải pháp đồng bộ
Dự án Nhà máy Bột giấy và vùng nguyên liệu giấy Kon Tum được thực hiện tại một tỉnh còn nhiều khó khăn và nghèo nhất nước, có tiềm năng và qũy đất trồng rừng lớn nhưng chưa được khai thác. ở đây, hầu như chưa có công nghiệp gì, nhà máy bột giấy là cơ sở công nghiệp lớn đầu tiên. Qua 3 năm triển khai thực hiện, Dự án đã tạo việc làm và thu nhập cho hàng ngàn lao động, giảm bình quân 10%/năm hộ nghèo đói tại các địa bàn thực hiện, góp phần ổn định an ninh chính trị và giảm tệ nạn xã hội trên địa bàn.
Nhà máy Bột giấy Kon Tum đi vào sản xuất sẽ đem lại hiệu quả trong nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội, an ninh, quốc phòng đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nên sự phát triển vượt bậc của nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề có thu nhập cao hơn ở Kon Tum và Tây Nguyên – một địa bàn chiến lược rất quan trọng của đất nước. Trong đó, nổi bật là góp phần nâng cao thu nhập cho hàng vạn lao động ở Kon Tum, nâng GDP bình quân đầu người lên 280-300 USD vào năm 2005 và 530 USD vào năm 2010; Có thêm 60.000 ha rừng nguyên liệu giấy, Dự án sẽ đóng góp cho việc cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường, nâng độ che phủ của rừng từ 58% lên 68%...Sản phẩm bột giấy tẩy trắng 900ISO của Nhà máy sẽ cung ứng kịp thời cho các nhà máy sản xuất giấy tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai đang thiếu bột giấy nghiêm trọng, không phải nhập ngoại, bảo đảm sản xuất ổn định với giá giấy thành phẩm có sức cạnh tranh. Bình quân một tấn bột giấy sản xuất tại Kon Tum sẽ thay 5 tấn nguyên liệu thô chở về Đồng Nai như hiện nay, không những khắc phục được khó khăn về đường sá và phương tiện vận chuyển, mà còn giảm đáng kể giá thành, phí lưu thông và bảo vệ môi trường nơi đã đô thị hoá.
Ngày 13-5-2003, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao cho Hội đồng Thẩm định Nhà nước thẩm định lại Dự án Nhà máy Bột giấy Kon Tum công suất 130.000 tấn tẩy trắng 900ISO/năm và rừng nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy hoạt động hiệu quả, ổn định lâu dài để trình Thủ tướng quyết định cho Vinapimex tiếp tục thực hiện để đưa Nhà máy vào sản xuất trong năm 2007, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do Dự án bị ngưng trệ gây ra. Trên cơ sở đó, các bộ, các ngành chức năng và tỉnh Kon Tum thực hiện ngay một cách đồng bộ các giải pháp tích cực về quy hoạch vùng trồng tập trung cây nguyên liệu giấy như một số cây nguyên liệu công nghiệp khác, để có điều kiện thâm canh, tăng năng suất cây trồng và cơ giới hoá khi thu hoạch sản phẩm; Giải ngân kịp thời cho các hạng mục của Dự án đã và đang thực hiện; Quỹ Hỗ trợ phát triển tiếp tục ứng vốn cho công tác chăm sóc, bảo vệ, phòng, chống cháy rừng tại các khu vực đã trồng,...
Bộ Công nghiệp và Tổng Công ty Giấy Việt Nam xin kiến nghị với Nhà nước cho giữ nguyên công suất Nhà máy Bột giấy Kon Tum 130.00 tấn bột tẩy trắng 900ISO/năm; Sớm phê duyệt “Báo cáo điều chỉnh Dự án khả thi xây dựng vùng nguyên liệu bột giấy Kon Tum giai đoạn 2000-2010” và cho phép Dự án này được hưởng cơ chế ưu tiên đầu tư đặc biệt về lãi suất vay từ nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển như đã phê duyệt trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 20-8-2001; Phê duyệt tổng thể mức đầu tư điều chỉnh cho Dự án xây dựng Nhà máy Bột giấy Kon Tum, cơ cấu nguồn vốn và kế hoạch đấu thầu bước 2 cho 4 gói thầu: Cung cấp thiết bị toàn bộ, xây dựng khu hành chính, kho bãi, báo cáo đánh giá tác động môi trường; Có giải pháp xử lý nguồn vốn bổ sung sau đầu tư cho một vài năm đầu, khi Nhà máy mới đi vào hoạt động, để bù đắp phần tài chính mất cân đối. Vinapimex sẽ có báo cáo cụ thể tình hình diễn biến tài chính từng năm tại thời điểm đó để Nhà nước có căn cứ xử lý kịp thời.