Nhà phát minh không chuyên hay "kẻ độc hành" giữa dòng đời hối hả

Căn phòng chật hẹp của ông Lê Quý Minh (ở số nhà 17, ngõ Trung Tả, phố Khâm Thiên - Hà Nội) ngập tràn các bản thiết kế của các công trình, các mô hình của những sáng kiến cải tiến kĩ thuật. Trong số
 

ở ngoài bìa của mỗi tài liệu thuyết minh về các công trình, cũng như trên bốn bức tường, ông Minh đều viết một câu khá độc đáo: “Một người điên hay là một mình chống lại sự nghèo khổ, lạc hậu, bảo thủ của hàng triệu người?”. Ông giải thích với tôi: Đó là khẩu hiệu quyết tâm  “nghiên cứu khoa  học” của ông. Ông bảo : “Ngày xưa cụ Nguyễn Công Trứ có một câu nói nổi tiếng :

Đã mang tiếng ở trong trời đất

Phải có danh gì với núi sông.

Vì thế tôi cũng cố gắng phải làm một cái gì đó để lại cho đời sau. Nếu không học tập, không nghiên cứu thì nhàn cư vi bất thiện sẽ dễ mắc phải những tệ nạn xã hội đầy rẫy quanh mình!”.

Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng lúc nào ông Minh cũng luôn bận rộn. Ông thường thức đến tận khuya và mày mò suy nghĩ để tìm ra những sáng kiến mới. Ông có rất nhiều sáng kiến. Nào là sơ đồ hệ thống thoát nước cho thành phố trong mùa mưa bão; nào là mô hình kéo đò - phà tự động qua sông bằng hệ thống ròng rọc, nhờ việc lợi dụng lực đẩy của dòng nước, theo nguyên lý bơi của loài cá; nào là mô hình đập chắn sóng cho cửa biển; nào là dụng cụ diệt côn trùng bằng cơ năng; nào là kế hoạch khai thác kho báu sông Tô Lịch; rồi thì phương pháp cai nghiện cho người thân tại gia đình, đã được ông áp dụng thành công cho đứa con trai hư hỏng của ông…

Để có được những kết quả mà tôi nhìn thấy dày đặc trong căn phòng bé nhỏ ấy, ông Minh đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của và cả hạnh phúc riêng tư của mình. Ông đã từng lặn lội đi đến nhiều nơi trên mọi miền đất nước để tìm tòi các loại vật liệu mà ông cần; liên hệ, gặp gỡ các cơ quan, các tổ chức, các cá nhân để đề nghị được giúp đỡ. Rồi thì tiến hành đo đạc, thử nghiệm các công trình để mong có một ngày, những công trình ấy sẽ được ứng dụng  vào trong thực tế, giúp ích cho dân cho nước.

Ông Minh làm việc nhiệt tình và say mê như một nhà khoa học chuyên nghiệp. Tự tay ông cũng làm ra được nhiều tiền, nhưng rồi lại đổ những đồng tiền đó vào “sự nghiệp nghiên cứu” của mình. Những đồng tiền từ mồ hôi, nước mắt cứ lần lượt đội nón ra đi vì những công trình nghiên cứu không chuyên nghiệp của ông. Còn ông, thì phải lặng lẽ nhận những thái độ lạnh nhạt, bất hợp tác của người đời và các cơ quan có chức năng thẩm định. Lẽ dĩ nhiên, không người vợ nào có thể chịu nổi cái “sự cao xa” đó. Vì thế, vợ ông đã bỏ lại ông trong căn phòng nhỏ, mặc cho ông “muốn làm gì thì làm”. Còn ông Minh thì hàng ngày vẫn… ba bữa mì tôm. Xong, lại tiếp tục bắt tay vào nghiên cứu.

Ông Lê Quý Minh say mê với những sáng kiến cải tiến kĩ thuật từ những ngày ông còn đang công tác. Thời kì tổng khởi nghĩa, dù tuổi còn nhỏ, nhưng ông cũng đã tham  gia Cách mạng, làm liên lạc rồi vào thiếu sinh quân. Trong kháng chiến chống Pháp, do có năng khiếu về âm nhạc, ông được cử đi học rồi trở thành nhạc công dạy đàn cho học sinh Việt Nam tại Trung Quốc. Hoà bình lập lại, ông chuyển về công tác tại xưởng nhạc cụ của Bộ Văn hoá- Thông tin.

Từ những năm 70 của thế kỷ XX, ông đã được nhiều người biết đến bởi những sáng kiến hữu ích của mình. Ví dụ như ông đã từng có sáng kiến lắp một loại cần gạt vào bánh xe ô tô, để hạn chế tai nạn cho những người đi đường chẳng may bị ngã, sẽ không bị bánh xe ô tô cán phải.

Sau khi nghỉ hưu, ông có nhiều thời gian hơn, nhưng ông không nghỉ, mà lại càng cần mẫn hơn với việc nghiên cứu. Mỗi một công trình dù là nhỏ nhất, đời thường nhất như cây vợt diệt côn trùng cho đến những công trình có thể nói là “có tính chất Quốc gia” như mô hình “đập chắn sóng cho cửa biển”, hay mô hình “Thành phố thiên niên kỷ” cũng đều là một câu chuyện đầy gian khổ đối với ông Minh. Mỗi khi có một sự kiện nóng bỏng, một sự kiện bất ngờ nào đó xảy ra, là trong đầu ông già gần 70 tuổi ấy lại nảy ra những ý tưởng mới, như thể ông là người có trách nhiệm phải giải quyết những sự việc ấy. Năm ngoái, nghe tin báo đăng về cảnh ngộ ông lái đò mù Phạm Văn Mờ ở bến sông Cà Lồ phải kiếm sống bằng cách, kéo đò lần theo một sợi dây thừng vắt ngang sông, ông Minh đã tức tốc đến tận nơi để xem xét. Sau khi khảo sát kỹ khúc sông, ông về nhà thiết kế hẳn một mô hình hệ thống ròng rọc, hy vọng sẽ giúp ông Lái đò mù ấy kéo thuyền được dễ dàng hơn. Chẳng ngờ, sau khi đo đạc, tính toán, dự kiến chi phí cho hệ thống lên tới 30 triệu đồng. Ông đôn đáo chạy hết chỗ nọ đến chỗ kia, đề nghị các tập thể, các cá nhân hỗ trợ ông hoàn thành cái tâm nguyện tốt đẹp đó. Nhưng đến đâu ông cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu, tốt ra thì chỉ là những lời động viên “không người lái”. Mặc dù vậy, ông vẫn không chùn bước. Ông quả quyết với tôi: Nếu mô hình của ông được triển khai rộng trong thực tế, thì sẽ không bao giờ xảy ra những tai nạn đáng tiếc, như chuyện 18 em học sinh bị chết đuối một cách oan uổng trên dòng sông Thu Bồn vào ngày 19- 5 năm ngoái. Bởi con thuyền mà ông thiết kế sẽ không bao giờ bị chìm, dù nước có chảy mạnh và sóng có lớn đến mấy đi chăng nữa. Không những thế, ông còn bảo nếu kéo đò - phà qua sông bằng hệ thống ròng rọc sẽ tiết kiệm được một khoản kinh phí rất lớn so với xây cầu.

Năm 1999, sau khi đợt lũ ác liệt tàn phá các tỉnh miền Trung, đập Hòa Duân bị vỡ, ông đã mầy mò, sưu tầm thông tin trên báo, tìm các tài liệu về kết cấu chịu lực... Và sau đó, ông lại hì hụi thiết kế mô hình đập chắn sóng cho cửa biển. ông khẳng định: Nếu con đập được xây dựng theo mô hình của ông, thì sẽ hạn chế được tối thiểu sức đẩy của nước và con đập sẽ không thể vỡ được. Theo phân tích của ông thì phương án đó khá hợp lý, đó là dựa trên nguyên lý phân tán lực của nước, bằng cách thiết kế thân đập theo chiều nghiêng như thể cơ đê. Như vậy, dòng nước sẽ bị thân đập hướng cho chảy lên trên, rồi lao ra biển, lực va của nước vào thân đập sẽ bị phân tán đi rất nhiều. Rồi khi quan sát những đợt úng ngập ở Hà Nội sau mỗi trận mưa, và tìm hiểu hệ thống thoát nước của thành phố, ông liền thiết kế mô hình hệ thống thoát nước theo nguyên lý chảy ngang và chảy tràn. Ông lập luận, hệ thống thoát nước mà thành phố Hà Nội đang sử dụng được thiết kế theo nguyên lý chảy dốc, như vậy vô hình chung đã tạo ra các đường cống nằm dưới mực nước sông và các hồ điều hoà. Khi mưa to, những nơi đó cũng bị đầy lên và chảy ngược trở lại. Còn theo nguyên lý chảy ngang, thì bản thân các cống đã chứa được lượng nước tương đối lớn, hơn nữa lúc nào cũng nằm trên mực nước sông và hồ điều hoà. Như vậy thì mưa xuống đến đâu, nước sẽ rút hết đến đó. Vậy nhưng khi ông muốn trình bày (chưa biết đúng sai ra sao), thì người ta đã chối đây đẩy, không để cho ông nói hết. Có lẽ họ cho rằng, ông là một người nghiên cứu nghiệp dư, thì làm sao có đủ trình độ như họ là những người được đào tạo trong trường. Điều này làm ông Minh rất bức xúc. Ông đẫn chứng, trong lịch sử phát minh của nhân loại, đã từng có những nhà phát minh không hề có bằng cấp, mà là do họ tự học tập, nghiên cứu và tìm hiểu từ thực tế cuộc sống mà ra.

ông Minh còn có rất nhiều công trình, nhiều sáng kiến khác nữa. Tôi không biết những công trình, những sáng kiến ấy nếu được ứng dụng vào trong thực tế, thì hiệu quả của nó sẽ ra sao. Nhưng tôi khâm phục sức làm việc về sự bền bỉ của ông. Qua lời ông kể, tôi biết, mỗi một công trình nghiên cứu của ông là một câu chuyện đầy lý thú, cảm động pha lẫn nỗi nhọc nhằn. Trong số đó, có không ít công trình gặp phải sự cản trở hoặc thờ ơ của người đời. Bởi một lẽ, khi thấy ông làm việc như vậy, một số người cho rằng ông là người lập dị. Họ bảo, những công trình mà ông theo đuổi không “đẻ” được ra tiền và chúng chưa bao giờ có lãi cả.

 Không có được mấy người hiểu mình, nhiều khi ông Minh cũng thấy thất vọng. Chẳng thế mà khi nói với tôi về những công trình, những sáng kiến, ông tỏ ra rất say sưa, như thể tôi là người có quyền thẩm định và phê duyệt những thành quả của ông. Ông tâm sự:” Chỉ mong sao mọi người hiểu được tấm lòng tôi. Các cơ quan, tổ chức biết đến những sáng kiến của tôi và tạo điều kiện giúp đỡ, để nếu sáng kiến có tốt thì dân còn được hưởng thành quả chứ!”. Trong lịch sử phát minh của nhân loại, đã có rất nhiều phát minh được triển khai từ những ý tưởng lãng mạn, tưởng như là không thể thực hiện được, thế nhưng đã trở thành những thành tựu khoa học lớn lao mà chúng ta thấy hôm nay. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, song tại sao lại không nhỉ, khi mà ông Minh được các nhà khoa học quan tâm giúp đỡ, hoặc phối hợp nghiên cứu! Biết đâu lại hiến cho đời những công trình khoa học hữu ích!

Ông Minh vẫn nuôi hy vọng rằng, các nhà khoa học sẽ lưu tâm hơn đến những công trình, để điều ước của ông sớm trở  thành hiện thực, và để ông khỏi phải độc hành giữa dòng đời đang hối hả trôi đi, để lại đằng sau nó là nỗi thất vọng vì tâm huyết của một đời người không được thực hiện. Còn tôi, thì cứ day dứt mãi bởi một ý nghĩ, cho dù những gì mà ông Minh đã dày công nghiên cứu có lạc hậu, hoặc ít tính khả thi, thì ông cũng là tấm gương về sự miệt mài, nghiêm túc trong cuộc sống và trong công việc. Tấm lòng khát khao cống hiến cho đời của ông cũng đáng quý và đáng trân trọng lắm chứ!.

  • Tags: