Ông Lê Tiến Trường – Thành viên HĐTV, Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, ý tưởng về việc xây dựng một nhà truyền thống, nơi lưu giữ những dấu ấn, những khoảnh khắc, những kỷ niệm của Ngành trong suốt hơn 100 năm là mong ước từ lâu của toàn thể CBCNV ngành Dệt may. Tuy nhiên, trong giai đoạn chiến tranh và thời kỳ bao cấp còn khó khăn, nên ý tưởng này chưa thực hiện được. Đến nay, sau hơn 15 năm đổi mới và phát triển với tốc độ lớn, ngành Dệt may đã có những bước chuyển mình ấn tượng, khẳng định vị trí của mình trong sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Đặc biệt là trong 4 năm trở lại đây (từ năm 2009), Dệt may luôn đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu. Năm 2011, đạt 15,6 tỉ USD, trong đó đã xuất siêu 6,5 tỉ USD – một con số cao nhất từ trước đến nay đối với ngành Dệt may. Lúc này, tiềm lực tài chính, cũng như vị thế của Ngành trong cả nước đã đầy đủ để có thể thực hiện nốt ước mơ còn dang dở của bao thế hệ CBCNV – xây dựng Nhà truyền thống ngành Dệt may.
Vậy là, sau nhiều lần họp bàn lấy ý kiến, ngày 20/10/2010, Nhà truyền thống chính thức được khởi công xây dựng trên cơ sở cải tạo khu nhà truyền thống của Tổng công ty CP Dệt may Nam Định, nhưng vẫn đảm bảo công năng sử dụng hợp lý, có tính thẩm mỹ cao, bảo vệ nguyên trạng cảnh quan kiến trúc hiện có, gồm: Nhà trưng bày chính, văn phòng, kho bảo quản, cụm tượng đài, cảnh quan khuôn viên cây xanh, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, giao thông nội bộ và một số hạng mục phụ trợ khác.
Khu nhà trưng bày chính được cải tạo, xây dựng trên nền tảng kiến trúc kiểu Pháp cổ, nội thất trưng bày hiện đại, hài hòa với phong cách kiến trúc hiện có, phục vụ tốt nhất cho công tác bảo quản, trưng bày hiện vật. Toàn bộ hệ thống sân vườn, cây xanh, cụm tượng đài đã được qui hoạch đảm bảo công năng sử dụng cũng như hài hòa các yêu cầu về mỹ thuật với mục tiêu bảo tồn tối đa cảnh quan hiện có.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Hội đồng thành viên và cơ quan điều hành, sự tư vấn tích cực của các chuyên gia Bảo tàng Hồ Chí Minh, sự ủng hộ hết mình của các doanh nghiệp trong Tập đoàn và tinh thần làm việc khẩn trương của Ban Quản lý dự án, sau 1 năm cải tạo, xây dựng, phục chế, ngày 7/1/2012, CBCNV ngành Dệt may Việt Nam đã hoan hỉ cắt băng khánh thành, đưa Nhà truyền thống vào khai thác.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch HĐTV Vinatex khẳng định: Tại mảnh đất này, từng gốc cây, ngọn cỏ, từng mét vuông đất đều ghi dấu ấn của người lao động dệt may từ thời Pháp thuộc, thời kỳ bao cấp cho đến thời kỳ đổi mới hôm nay. Vì vậy, chọn Nhà truyền thống của Nam Định để xây dựng Bảo tàng là một quyết định đúng đắn có ý nghĩa lịch sử đối với ngành Dệt May của cả nước. Ông Giang cũng cảm ơn sự giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh Nam Định và nhấn mạnh, đây sẽ không chỉ là điểm đến của CBCNV ngành Dệt May mà sẽ là điểm du lịch trong chuỗi các điểm du lịch của Nam Định khi khách đến tham quan.
Ngày cắt băng khánh thành Nhà truyền thống, tất cả các cán bộ lão thành và toàn thể CBCNV dệt may có mặt đều không khỏi xúc động trước những kỷ vật còn lưu giữ tại đây. Có những kỷ vật đã nằm tại nhà truyền thống của các doanh nghiệp từ lâu, nay theo lời kêu gọi của lãnh đạo Tập đoàn, vì lịch sử chung của toàn Ngành cũng được mang về đây trưng bày để bức tranh về lịch sử của ngành Dệt may được tái hiện đầy đủ và sinh động hơn. Đáng chú ý nhất là những kỷ vật thiêng liêng của Bác Hồ, người đã 3 lần về thăm Dệt Nam Định lúc sinh thời.
Bên cạnh ý nghĩa về mặt lịch sử, Nhà truyền thống ngành Dệt may Việt Nam còn mang tính chất giáo dục các thế hệ CBCNV toàn Ngành về lịch sử đáng trân trọng, tự hào của mình. Trong thời gian tới, Nhà truyền thống sẽ tiếp tục bổ sung thêm các kỷ vật có thể sưu tầm được, làm giàu thêm kho tư liệu hình ảnh và hiện vật hơn 100 năm hào hùng của ngành Dệt may Việt Nam.