Ưu đãi trên thị trường UKVFTA
Hiệp định UKVFTA gồm 9 điều khoản; 1 Phụ lục sửa đổi một số điều của lời văn EVFTA; 01 Nghị định thư và 1 thư song phương trao đổi giữa Việt Nam và UK. Hiệp định UKVFTA về cơ bản kế thừa các cam kết cắt giảm và xóa bỏ thuế quan của Việt Nam và UK trong EVFTA, với lộ trình cắt giảm/xóa bỏ thuế quan được tiếp tục kế thừa. Theo đó, sau 6 năm kể từ khi UKVFTA có hiệu lực, UK sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ UK, Việt Nam kế thừa toàn bộ các cam kết trong EVFTA. Theo đó, ta cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu). Tiếp đó, sau 6 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ Anh được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 9 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu).
Đối với các dòng thuế mà EU đã cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%, Anh dành cho Việt Nam lượng hạn ngạch đối với các mặt hàng này trên cơ sở số liệu thống kê của EU về trao đổi thương mại song phương thực tế giữa Việt Nam và Anh trong giai đoạn 2014 – 2016. Theo đó, lượng TRQ mà Anh dành cho ta như sau:
Trứng và lòng đỏ trứng gia cầm: EU dành cho Việt Nam 500 tấn; Anh dành cho Việt Nam 68 tấn, tổng cộng 568 tấn; Gạo đã xát: EU dành cho Việt Nam 20.000; Anh dành cho Việt Nam 3.356 tấn; tổng cộng 23.356 tấn;
Gạo đã xay: EU dành cho Việt Nam 30.000; Anh dành cho Việt Nam 5.001 tấn; tổng cộng 35.001 tấn; Tinh bột sắn: EU dành cho Việt Nam 30.000; Anh dành cho Việt Nam 12.215 tấn; tổng cộng 42.215 tấn…
Ngoài ra, UK còn cam kết sẽ rà soát nâng lượng TRQ đối với mặt hàng gạo của Việt Nam sau 3 năm kể từ ngày UKVFTA có hiệu lực.
Như vậy, có thể nói các cam kết thương mại hàng hóa của UK đã được kế thừa toàn bộ và đem lại lợi ích bổ sung về lượng TRQ đối với 14 mặt hàng được hưởng ưu đãi.
Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi UK là một trong những thị trường nhập khẩu tiềm năng các mặt hàng ta được hưởng ưu đãi TRQ (ví dụ như gạo, tinh bột sắn, surimi).
Những thách thức chính
Song, để khai thác hiệu quả UKVFTA, doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên là hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh là rất chặt chẽ, nhất là với nông sản. Cụ thể: Những cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho Anh sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho nền kinh tế, doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ trong nước, đặc biệt là trong những ngành Anh có thế mạnh như dịch vụ tài chính, dược phẩm, các mặt hàng hóa chất…
Thách thức đến từ việc nhiều mặt hàng, ví dụ như hàng dệt may. Mặc dù Hiệp định tạo thuận lợi trong việc mở rộng nguồn cung trong các quy tắc xuất xứ trong Hiệp định UKVFTA, nhưng do nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc ASEAN, do đó trong thời gian tới, cần chuyển hướng nhập khẩu nguồn nguyên liệu trong ngành này để tận dụng được những cơ hội từ các cam kết của Hiệp định.
Hàng rào kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía Anh là rất chặt chẽ. Điển hình như với nông sản, dù UKVFTA kế thừa những ưu đãi với những quy định SPS linh hoạt trong Hiệp định EVFTA nhưng đa số ngành hàng nông sản của nước ta như chè, rau quả... vẫn vấp phải những hạn chế do thiếu tính đồng nhất trong từng lô hàng, công tác thu hoạch bảo quản chưa tốt nên chất lượng còn hạn chế.
Hiệp định UKVFTA bao gồm các cam kết “phi truyền thống” về lĩnh vực lao động, môi trường. Mặc dù pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về tiền lương tối thiểu, thời gian làm việc và an toàn vệ sinh lao động, lao động trẻ em, bảo vệ môi trường … phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, nhưng trên thực tế có một số doanh nghiệp chưa tuân thủ nghiêm.
Điều này có thể dẫn tới hậu quả là có rủi ro cả ngành sản xuất sẽ không được hưởng ưu đãi từ vi phạm của một thiểu số doanh nghiệp. Do đó trong quá trình thực thi, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý các cam kết này.
Thách thức thứ hai, những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh có khá nhiều đối thủ cạnh tranh.
Đối với mặt hàng dệt may, 5 năm gần đây Anh nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam mặt hàng may mặc. Trong đó, 10 mặt hàng may mặc xuất khẩu lớn nhất sang Anh gồm: bộ comple, áo jacket, blazer cho phụ nữ hoặc trẻ em gái, áo khoác ngoài, áo choàng cho phụ nữ hoặc trẻ em gái; áo bó, áo chui đầu, áo cài khuy (cardigan), gile và các mặt hàng tương tự, dệt kim hoặc móc; áo choàng, áo sơ mi và áo choàng sơ mi phỏng kiểu nam dùng cho phụ nữ hoặc trẻ em gái; áo phông, áo may ô và các loại áo lót khác…
Mặc dù Trung Quốc đang chiếm thị phần lớn nhất, nhưng 5 năm qua tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may vào thị trường Anh giảm 8%. Bên cạnh Trung Quốc, các thị trường cung cấp sản phẩm dệt may cho Anh còn có Bangladesh, Campuchia và Pakistan đều có lợi thế hơn so với Việt Nam về thuế suất (Bangladesh được hưởng chế độ miễn thuế nhập khẩu theo chương trình EBA, Pakistan cũng được miễn thuế nhập khẩu theo chương trình GSP+)
Với mặt hàng giày dép, nhờ kim ngạch tăng trưởng xuất khẩu ở mức 2 con số trong nhiều năm liền, Việt Nam hiện đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu giày dép. Kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam liên tục tăng trong giai đoạn 2010 – 2022, từ mức 5,1 tỷ USD năm 2010 tăng gấp hơn 5 lần, đạt 27 tỷ USD năm 2022. Mặc dù đứng thứ 2 thế giới nhưng xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm 8% kim ngạch xuất khẩu toàn cầu, trong khi Trung Quốc là gần 40%.
Anh là thị trường xuất khẩu giày dép có tiềm năng lớn nhưng rất cạnh tranh. Tại Anh, thị trường giày dép rất đa dạng, phong phú bao gồm nhiều loại vật liệu (dệt, nhựa, cao su và da) và các sản phẩm từ giày dép nam, nữ và trẻ em khác nhau đến các loại sản phẩm chuyên dụng như giày trượt tuyết và giày bảo hộ. So sánh với các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Hà Lan, Italia, Bỉ, Đức, thì trước khi có UKVFTA Việt Nam vẫn chịu mức thuế quan cao thứ 2 trong 15 nước xuất khẩu giày dép nhiều nhất vào Anh với mức thuế trung bình 6,7 %. Với UKVFTA, Việt Nam được cạnh tranh bình đẳng về thuế, nhưng khó so sánh về lợi thuế quy mô của hàng Trung Quốc, hay khả năng thiết kế, mẫu mã, tính tương đồng về văn hóa như Hà Lan, Italia, Bỉ, Đức…
Với mặt hàng gạo, thị trường gạo của Anh khá lớn với nhu cầu nhập khẩu gạo của Anh năm 2022 trên 700 nghìn tấn. Mặc dù Việt Nam làm một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng xuất khẩu gạo của VN sang Anh vẫn ở mức khiêm tốn với 0,2% và chỉ đứng thứ 22 trong các nhà xuất khẩu gạo lớn nhất vào Anh (nguồn: UN Comtrade statistic). Hiện gạo Việt Nam đang phải cạnh tranh với các đối thủ dẫn đầu về xuất khẩu gạo sang Anh gồm Ấn Độ (22%), Pakistan (18%), Tây Ban Nha (11%), Italia (10,9%), Thái Lan (9,2%).
Với mặt hàng thủy sản, ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ta có lợi thế về cả kinh nghiệm, năng lực sản xuất và nguồn cung dồi dào. Nhu cầu nhập khẩu mặt hàng thủy sản của Anh khá lớn, khoảng 4,4 tỷ USD/năm (nguồn: số liệu thống kê của ITC) trong khi đó giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 6,7%. Các đối thủ của Việt Nam xuất khẩu thủy sản chính sang Anh là: Trung Quốc, Ireland, Thụy Điển…
FTA song phương giữa Việt Nam và Anh bên cạnh các ưu đãi về thuế quan sẽ đưa ra những cam kết minh bạch hóa về tiêu chuẩn chất lượng. Về phía Việt Nam, đây là động lực quan trọng thúc đẩy việc cải tiến hoạt động sản xuất theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường đích, cụ thể là thị trường Anh - quốc gia đòi hỏi tiêu chuẩn sản phẩm cao. Chất lượng đầu ra được cải thiện không chỉ giúp đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm này sang Anh mà còn đáp ứng được yêu cầu của nhiều thị trường khác.
Với mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, Vương quốc Anh là một thị trường có nhu cầu nhập khẩu số lượng lớn thành phầm và nguyên, phụ liệu đồ gỗ mỗi năm. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu đồ gỗ lớn thứ 6 vào thị trường này với giá trị xuất khẩu 421,8 triệu USD, chiếm 3,6% thị phần nhập khẩu của Anh. Dẫn đầu hiện đang là Trung Quốc, Ý, Đức, Ba Lan, Mỹ. (theo nguồn của ITC).
Hoạt động xuất khẩu đồ gỗ sang Anh có nhiều cơ hội vì sản phẩm gỗ Việt Nam được thị trường Anh đón nhận nhờ giá cả có tính cạnh tranh cao, nguyên liệu tốt, chất lượng sản phẩm cao. Thêm nữa, một số công ty lớn trong ngành gỗ tại Anh đã có cơ sở sản xuất hoặc ký hợp đồng đối tác dài hạn với các nhà sản xuất tại Việt Nam như IKEA, nhà bán lẻ đồ gỗ nội thất thị phần lớn nhất tại Anh. FTA không chỉ giúp tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này sang Anh mà còn tạo sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, thu hút dòng vốn FDI vào Việt Nam trong ngành chế biến gỗ.
Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 3 cho Anh, sau Trung Quốc và EU, tuy nhiên tỷ trọng chỉ chưa đến 10% tổng trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Anh. Để được lưu hành trên thị trường Anh, các sản phẩm nhập khẩu phải được dán nhãn UKCA (tiêu chuẩn đánh giá sự phù hợp của Vương quốc Anh) hoặc CE (tiêu chuẩn đánh giá sự phù hợp của Liên minh châu Âu-EU).
Từ 2023, UKCA sẽ là tiêu chuẩn duy nhất được áp dụng tại Anh, vì vậy các doanh nghiệp phải chuẩn bị để đáp ứng tiêu chuẩn này, nhấn mạnh việc dán nhãn tiêu chuẩn và chất lượng là yếu tố quan trọng để chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Anh. Để tìm hiểu quy định, yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường Anh, doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác nguồn thông tin hữu ích từ Bộ Thương mại Quốc tế (DIT), BSI, Cơ quan tiêu chuẩn quảng cáo (ASA) và Hiệp hội nghiên cứu ngành nội thất (FIRA), bởi Trung Quốc và EU là những đối thủ đã có sự nghiên cứu và chuẩn bị về mặt công nghệ để đáp ứng tiêu chuẩn UKCA.