Nhân sự sụt giảm xuất khẩu 2009 - Cùng suy ngẫm

Theo đà nhiều năm liên tục tăng trưởng, chúng ta đặt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu (XK) năm 2009 tăng 13%, nhưng kết quả chỉ đạt 9,7%, tương ứng 6 tỷ USD, chỉ hơn tổng kim ngạch XK năm 1995 (năm 1995

 Bên cạnh “kẻ tội đồ” có tên là “Khủng hoảng toàn cầu”, là nguyên cớ trực tiếp, là “giọt nước làm tràn ly”, thì thực trạng XK của ta còn nhiều bất cập, cần phải xem xét.

 1 . Về đội ngũ

 Gạo Việt Nam đã có tiếng ngay từ năm ra quân - năm 1989 đến nay. Hàng năm, Việt Nam đã XK 4 - 5 triệu tấn, đứng vào TOP 3 thế giới, nhưng hiện tại, đội ngũ tác chiến vẫn tản mát. Trong số 205 doanh nghiệp (DN) XK, chỉ có 11 tên tuổi lớn, chiếm 69% thị phần, 82 DN XK dưới 1 nghìn tấn/năm, 41 DN giao khoảng 200 tấn, số còn lại XK được rất ít, thậm chí cả năm chỉ được 1 tấn (!). Nhiều DN không có kho tiêu chuẩn, cơ sở chế biến  không đảm bảo kỹ thuật, còn láng máng về nghiệp vụ, thậm chí khi có hợp đồng mới đổ xô đi thu gom. Ngược lại, có khi nông dân chờ dài cổ mới có thương lái đến mua. Việc tranh giành khách, dìm giá mua, phá giá bán..., là có thật, nên biết đâu trong sự sụt giảm giá có cả phần ta tự phá giá nhau (!). Cơ chế thông thoáng, ai cũng được XK, nhưng với cung cách trên, chúng ta khó tích tụ để có nền XK gạo lớn, xứng với tiềm năng của lúa gạo Việt Nam. Và thực trạng trên còn xảy ra tương tự đối với nhiều mặt hàng khác. 

 2. Xuất nguyên liệu thô

 Những nguồn tài nguyên “trời cho” như dầu thô, than đá, cát sỏi,... ngỡ là vô tận, thì nay đã có dấu hiệu cạn kiệt, nhưng hàng năm vẫn cứ được đặt chỉ tiêu tăng trưởng. Nhu cầu tiêu thụ than của các hộ sản xuất lớn như luyện kim, hoá chất, sản xuất giấy, phân bón, thép... đặc biệt là điện ngày càng cao. Theo Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam giai đoạn 2006- 2015 (có xét đến năm 2015), chỉ riêng cung cấp than cho các dự án điện đến năm 2013 sẽ thiếu khoảng 9,2 triệu tấn và đến năm 2015 sẽ thiếu khoảng 25,51 triệu tấn. Việc nhập khẩu (NK) than trong những năm tới là khó tránh khỏi. Trong khi đó, XK thô đã thu ít tiền mà hệ luỵ lớn. Than xuất lậu ăn theo hàng triệu tấn qua mặt cơ quan chức năng như thể “voi chui lọt lỗ kim”, nhuộm đen sóng nước Hạ Long. Việc hút cát sỏi đã làm thay đổi dòng chảy, sạt lở chỗ này, sói mòn đoạn kia.

 3 . Nan giải các rào cản

 Kể từ vụ kiện chống bán phá giá (CBPG) đầu tiên đối với gạo vào năm 1994 do Colombia khởi sự, đến nay, Việt Nam đã vướng phải 39 vụ, đứng thứ 7 trong số 100 nước bị kiện nhiều nhất thế giới. Như vậy, sau khi gia nhập WTO, những vụ kiện áp dụng các biện pháp thương mại không giảm, mà còn có xu hướng tăng lên, với 3 nét nổi bật: (1) - Mỹ và EU chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường và kiện nhiều nhất (2) - Có đến 9 mặt hàng, trong đó đặc biệt là cá ba sa, tôm sú, giày mũ da... tăng trưởng XK nhanh vào các thị trường đó bị kiện nhiều nhất. (3) - Kiện CBPG là chính, song năm 2009 lại phải đối mặt với kiện về chống trợ cấp đối với mặt hàng túi nhựa xách tay vào thị trường Mỹ.

 Dẫu biết rằng, nhiều mặt hàng ta chỉ làm gia công, nên các nước khởi kiện cứ xoáy vào tiêu chí “nền kinh tế thị trường” làm cứ liệu và còn chỉ định nước thứ ba (là nước đã có nền kinh tế thị trường) làm đối chứng, mà theo cam kết với WTO, phải đến năm 2018, chúng ta mới hoàn thiện trở thành nền kinh tế thị trường, nên đến 70% tổng số vụ kiện CBPG ta bị thua. Ngay vụ giầy mũ da, dù đã vận động hành lang, đấu tranh ngoại giao, nhưng rồi trước thềm năm mới, Liên minh châu Âu (EU) đã gia hạn thêm 15 tháng đối với thuế CBPG mặt hàng này (!). Cùng là nạn nhân, nhưng Trung Quốc chỉ sau 01 ngày đã “phản pháo” đối với ốc vít làm bằng thép các-bon của EU. Còn ta mới chỉ bằng Tuyên bố (!)

 Được báo trước từ năm 2008 rằng Uỷ ban châu Âu (EC) quy định từ 01/01/2010, Luật IUU (quy định về hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định) có hiệu lực. Theo đó, XK thuỷ sản sang EU từ nguyên liệu đánh bắt phải có giấy chứng nhận nguyên liệu hợp pháp. Nhưng đến thời điểm này, mọi động thái liên quan đến việc thực hiện quy định này vẫn còn dềnh dàng, ắt sẽ ảnh hưởng đến việc XK thuỷ sản, vì EU mỗi năm tiêu thụ khoảng 30% lượng thuỷ sản XK của ta.

 4 . Thị trường

 Một nền ngoại thương nhập siêu với tỷ lệ cao, nhưng lại có hai nhóm thị trường lớn đối nghịch: nhập siêu và xuất siêu. Nhóm nhập siêu gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapo, Đài Loan, trong đó riêng trị giá nhập siêu từ Trung Quốc chiếm tuyệt đại tổng số nhập siêu từ các thị trường. Singapo vừa là đối tác nhập siêu lớn, đồng thời cũng là thị trường trung gian lớn nhất. Nhóm xuất siêu, đầu bảng là Hoa Kỳ. Việt Nam XK vào Hoa Kỳ gấp gần 8 lần NK từ thị trường này. Chỉ số so sánh đó vào Úc là 5 lần, Anh, Đức là 2 lần. Việc xuất siêu vào những nước công nghiệp phát triển đồng nghĩa với việc không tranh thủ NK được công nghệ gốc, công nghệ nguồn để cải biến sản xuất trong nước. Còn nhập siêu ở các thị trường mới phát triển chỉ có thể là công nghệ sao chép, công nghệ thải loại, khó có nền sản xuất tiên tiến. Trước đây, chúng ta phải chấp nhận XK qua thị trường trung gian, song đến nay, chúng ta vẫn còn tiếp diễn “bài vở” này thì quả là bất cập (!).

 5 . Lỏng lẻo liên kết

 Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng có từ 2002, song đến nay, lượng nông sản thu mua thông qua ký hợp đồng vẫn đạt tỷ lệ thấp. Lúa hàng hoá đạt 6-9% sản lượng, thuỷ sản dưới 10%, sản lượng, cà phê 2-5% diện tích. Tình hình phức tạp không chỉ ở các con số đó, mà thường khi giá chợ đen cao thì hợp đồng thường bị phá, đến khi ế ẩm lại gõ cửa DN, hoặc lọc hàng tốt để tuồn ra ngoài, hàng xô bồ mới giao theo hợp đồng. Ngược lại, cũng có DN lại gây khó với người sản xuất. 

 6 . Đối mặt với việc thiếu nguyên liệu

 Trong nhiều năm qua, chúng ta đã ra sức khai thác nguyên liệu thải loại từ các quy trình sản xuất có hình khối lớn, đồng thời tìm kiếm, chế tạo vật liệu nhân tạo, thay thế nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên. Song, những nỗ lực đó chưa đủ khỏa lấp nỗi lo thiếu tre, nứa, lá, song mây... làm hàng thủ công mỹ nghệ XK. Các địa phương thường chỉ quy hoạch khu Du lịch sinh thái, mà không dành đất cho vùng nguyên liệu. Một nửa nhu cầu cho ngành Chế biến gỗ phải trông chờ vào nguồn gỗ NK, song nguồn này sẽ cạn dần vì các nước cũng đã phải đóng cửa rừng. Bờ biển dài, mặt nước rộng, song mấy năm nay, chúng ta đã phải NK thuỷ sản nguyên liệu để đỡ lãng phí công suất của các nhà máy chế biến. Vươn lên đứng đầu thế giới về XK, song 10 năm nay, ngành Điều luôn canh cánh về thiếu hạt điều. Hiện cả nước có khoảng 400 nghìn ha điều cây, đáp ứng 60% nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà, Inđônêxia... Đã khuyến khích người trồng điều lựa giống tốt và hướng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu sang Lào, Cămpuchia, song đều ở dạng chủ trương. Dù lúa hàng hoá không thiếu, nhưng chất lượng không đồng nhất, nên đã có đề xuất quy hoạch ở đồng bằng Sông Cửu Long vùng trồng lúa chừng 1 triệu ha, song ai quy hoạch và bao giờ làm (?).Quả Thanh Long phải xử lý nhọc nhằn, kiểm định khắt khe mới vào được thị trường Mỹ, muốn duy trì và đẩy mạnh XK mặt hàng này, địa phương phải quy hoạch vùng, nhưng đến nay vẫn loay hoay.

 7 . Phẩm cấp hàng hoá

 Lúa đại trà cỡ kích hình khối hạt khác nhau, tỷ lệ loại lép lửng, độ ẩm trước khi xay xát thường cao, tỷ lệ thu hồi thấp, tỷ lệ hạt biến màu, rạn gãy cao. Cao su nước ta đứng thứ tư thế giới về sản lượng (sau Malay xia, Thái Lan, Inđônêxia), nhưng chủng loại thấp chiếm trên dưới 60%. Hạt tiêu tuy có năm đứng đầu thế giới, nhưng phần lớn là hạt tiêu đen, còn hạt tiêu trắng giá cao lại được rất ít. Được trồng trên độ cao nhất định, cà phê Việt Nam có hương vị đậm đà tự nhiên, song để XK thì cà phê vối (robusta) chiếm tỷ lệ áp đảo cà phê chè (arabica). Đã như vậy, người nông dân thường thu hái non, phơi khô phụ thuộc nắng trời, gặp mưa phải làm khô cưỡng bức, nên nghe nói có trường hợp đã cập cảng nước ngoài mà vẫn bị trả về. Giống chè năng suất thấp, một số cơ sở còn dùng công nghệ chuyên làm chè đen nay chuyển sang làm chè xanh nên chất lượng không cao. Có khi giá giao dịch trên sàn chè quốc tế đạt 3,7 USD/kg, nhưng chè Việt Nam chỉ được trên 01 USD/kg.    

 Nông, lâm sản thu hoạch theo thời vụ, nên từng đề xuất có cơ chế hỗ trợ cho việc dự trữ để mua hết lúa cho nông dân khi mùa thu hoạch rộ, không để thương lái dìm giá, còn khi XK tránh phải dốc kho bán lúc giá thấp đến khi dồn dập đơn hàng, giá lên thì lại rỗng chân hàng, nhưng ai soạn thảo cơ chế (?).

 Vệ sinh an toàn thực phẩm càng bức xúc. Tháng 8/2009, Hiệp hội Chế biến thuỷ sản Việt Nam khởi xướng chương trình “Các DN nói không với tôm tạp chất”. Nhưng rồi, “phong trào tạm lắng” rồi “phong trào lại lên”. Các cơ quan chức năng vẫn thường xuyên bắt được các vụ vận chuyển, mua bán, tiêu thụ tôm tạp chất, không xác định được nguồn gốc. 

 8. Hành trình xây dựng thương hiệu.

 Với gạo chỉ có thể là thương hiệu “gạo trắng Việt Nam”, không thể gắn cho một loại gạo cụ thể. Có đến hàng trăm cơ sở sản xuất thủ công cùng làm một chủng loại hàng, nên đành xây dựng “thương hiệu tập thể”, “thương hiệu ngành nghề” theo từng dòng sản phẩm. Trong số 53 thành viên của Hiệp hội Trái cây Việt Nam (Vinafruit), chỉ có 15 DN đăng ký thương hiệu sản phẩm. Hậu quả là 90% lượng hoa quả XK phải ẩn dưới nhãn hiệu nước ngoài. Thương hiệu chè được đăng ký bảo hộ ở 77 nền kinh tế, song mới có 20 DN đăng ký sản xuất chè theo tiêu chuẩn “Chè Việt Nam”.

 Muốn xây dựng thương hiệu, chí ít phải có 2 điều kiện (1) DN tự lo, song vì phần đông là DN vừa và nhỏ, kinh phí quá tốn kém, không kham nổi; (2) Nhà nước hỗ trợ bằng Chương trình Thương hiệu quốc gia. Nhiều địa phương cũng hưởng ứng bằng động thái tương tự. Song, đến nay mới chọn được 30 DN trong số hàng nghìn DN đăng ký tham gia Chương trình Thương hiệu quốc gia, nói lên tầm cỡ của Chương trình này, nhưng cũng bộc lộ rằng, việc xây dựng thương hiệu còn lắm gian nan. Trong khi việc làm chính thống thì thế, lại tùm lum cao trào phong tặng giải thưởng thương hiệu vàng, thau lẫn lộn. 

 9 . Chủ yếu là XK gia công và công nghệ phụ trợ kém phát triển.

 Điều này rơi vào những ngành hàng có kim ngạch lớn như may mặc, giầy da, điện tử, phần mềm, đồ gỗ. Phương thức được nước ngoài “gia công bao tiêu sản phẩm” ngoài cung cấp máy móc, thiết bị, nguyên liệu, cụm chi tiết, phụ tùng, mẫu hàng..., chỉ thích hợp thời kỳ mới mở cửa. Nay đã qua hơn hai chục năm mà vẫn “đắm đuối” với phương thức này thì chỉ là “kính chuyển” phần lớn lợi nhuận trong chuỗi lợi nhuận tạo ra từ sản xuất đến XK cho nước ngoài, còn thu nhập của DN và nhất là công thợ lại quá “bèo”. Để thoát khỏi tình trạng này, ngành dệt may từ mấy năm nay đã đề xuất lập “Chợ nguyên liệu”, dự định mời cả nhà cung cấp nước ngoài vào để tạo ra thế cạnh tranh. Song, ai lập và bao giờ có chợ (?). 

 10. Công tác dự báo

 Nếu điểm mặt đội ngũ các cơ quan, chuyên gia, phương tiện kỹ thuật, tiền bạc bỏ ra để có được các kết quả nghiên cứu, ý kiến tư vấn dự báo thị trường của ta thì thấy “đông – vui” đến mức nào. Song, hầu như chỉ là lời phán của “Gia Cát Dự”, hôm qua, hôm nay và ngày mai đều đúng. Khi nào cũng “diễn biến khó lường”, “chưa tương xứng với tiềm năng”, “thuận lợi đan xen khó khăn” v.v... Đáng ra, điều mà người sản xuất, DN mỏi mắt trông chờ là  trồng cây gì, nuôi con nào, bán cho ai, ở đâu, giá cả thế nào, thời điểm nào mua vào thì tốt, bán ra có lời… cần được mách bảo, thì chính họ bị hỏi ngược lại, bị trách cứ là vẫn quen ỷ lại, không biết tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức.

 Những tồn tại trên không mới, thường được ghi nhận nhiều lần trên các báo cáo. Cũng đầy ắp các giải pháp, được lặp lại trong phương hướng, tầm nhìn, nhưng nào ai biết bao giờ thành hiện thực để có được sự phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế đang ngày càng rộng, hội nhập càng sâu, yếu tố rủi ro cao, tính bất định lớn. Nếu không có cánh làm mới, để cải biến cơ bản, sẽ là điệp khúc: tăng thì tự khen hỷ hả, còn thất bát lại tìm đủ lý do khách quan, khác nào như: “Mất mùa đổ tại thiên tai, được mùa lại nhận thiên tài của ta”.

  • Tags: