Lô nhãn tươi đầu tiên của Việt Nam đã chính thức được nhập khẩu vào thị trường Australia chiều 6-9. Lô hàng lần này là loại nhãn cổ chín muộn của Hà Nội, cũng là một loại nhãn tiến Vua ngày xưa.
Trước đây, thị trường tiêu thụ nhãn chín muộn chủ yếu tại Hà Nội nhưng hiện đã được xuất khẩu sang Malaysia, Mỹ, Ba Lan và thương hiệu này đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến.
Điểm đặc biệt của loại nhãn này là màu sẫm hơn bình thường và có vị ngọt đậm đà nhưng thanh mát, cùi dày và giòn, rất ngon. Công ty muốn mang đến cho người tiêu dùng Australia sản phẩm tự nhiên nhất nên không xử lý hóa học hay tẩy màu các trái nhãn.
Theo bà Anna Le, Giám đốc Công ty Green Path Australia, chi nhánh của Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Green Path Việt Nam, doanh nghiệp xuất khẩu nhãn, cho biết lô hàng trên rời Việt Nam vào ngày 4-9 từ sân bay Tân Sơn Nhất sau khi được chiếu xạ theo các tiêu chuẩn của Australia. Sau khi tới sân bay Melbourne ngày 5-9, lô hàng đã phải trải qua 8 giờ kiểm tra nghiêm ngặt về các điều kiện an ninh sinh học nhập khẩu và đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khó khăn của Australia.
Dự kiến, các trái nhãn của Việt Nam sẽ chính thức được bày bán vào sáng 9-9 tại khu chợ Melbourne, thuộc thành phố Melbourne.
Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu nhãn vào nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và EU... và đều đáp ứng các tiêu chuẩn về sạch dịch hại, an toàn, đồng nhất, chất lượng và có hàng quanh năm. Với thị trường Australia, nhãn tươi là loại quả thứ 4 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào nước này sau vải, xoài và thanh long.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hà Nội, diện tích cây ăn quả Hà Nội năm 2018 là 18.796 ha, trong số các cây ăn quả, diện tích nhãn đứng thứ ba với sản lượng 18 nghìn tấn. Trong đó, giống nhãn chín muộn của Hà Nội chủ yếu là hai giống HTM1 và HTM2 tập trung trồng tại các huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ với diện tích khoảng 600 ha, sản lượng nhãn chín muộn đạt khoảng 9.000 – 10.000 tấn, thu nhập bình quân khoảng 300 – 400 triệu đồng/ha/năm, một số vườn tiêu biểu cho thu nhập trên 700 – 800 triệu đồng/ha/năm.
Đây là hai giống có thời gian thu hoạch dài và muộn nhất trong tất cả các giống từ 20-8 đến 25-9 hằng năm, đáp ứng yêu cầu rải vụ thu hoạch và tiêu thụ. Định hướng đến năm 2020, Hà Nội sẽ tăng diện tích lên khoảng 1.000 ha nhãn chín muộn.