Thực hiện các hoạt động nhằm thúc đẩy công nghệ bơm nhiệt và lưu trữ nhiệt tại Việt Nam, ngày 21/11, Trung tâm công nghệ Bơm và Lưu trữ nhiệt Nhật Bản (HPTCJ) hợp tác với Trung tâm Phát triển Xanh (GreenDC), Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Việt Nam (VECEA) tổ chức Hội thảo "Bơm nhiệt nước nóng (Heatpump) và Hệ thống lưu trữ nhiệt – công nghệ và chính sách hỗ trợ phổ cập của Nhật Bản”.
Hội thảo nhằm giới thiệu chi tiết về những công nghệ bơm nhiệt và lưu trữ nhiệt đang phổ biến tại Nhật Bản; nguyên lý hoạt động và hiệu quả của bơm nhiệt và hệ thống lưu trữ nhiệt; Chính sách tiết kiệm năng lượng của Nhật Bản; Các mô hình ứng dụng và kinh nghiệm phổ biến bơm nhiệt và hệ thống lưu trữ nhiệt; đầu tư ESCO đối với các dự án hiệu quả năng lượng...
Giới thiệu về chính sách tiết kiệm năng lượng của Nhật Bản, ông Akihiro Tekeuchi – Giám đốc Phòng nghiên cứu công nghệ và quốc tế thuộc HPTCJ, cho biết, một “Xã hội khử carbon” là mục tiêu cuối cùng và hướng đến của Nhật Bản trong nửa cuối của thế kỷ này. Và một trong những công nghệ mà Nhật Bản đang áp dụng thành công chính là ứng dụng bơm nhiệt và hệ thống lưu trữ nhiệt vào các khách sạn, tòa nhà, bệnh viện, viện dưỡng lão… đem lại hiệu quả tiết kiệm năng lượng không nhỏ.
Trong Chiến lược phát triển của mình, Nhật Bản muốn chia sẻ kinh nghiệm áp dụng công nghệ bơm nhiệt và hệ thống lưu trữ nhiệt tới các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nhằm thúc đẩy các hành động giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới sự tăng trưởng xanh – sạch.
Theo ông Akihiro Tekeuchi, đặc tính của bơm nhiệt là có thể cung cấp nước nóng ngay ở nhiệt độ từ 60oC trở lên đến 90oC mà không cần phải sử dụng lò hơi nên giảm đáng kể khí nhà kính. Do đó, rất phù hợp với các đối tượng như nhà hàng, khách sạn, bệnh viện, các nhà máy thực phẩm, hệ thống bể bơi 4 mùa, các công trình công cộng…
Thảo luận tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu khoa học, các chuyên gia đến từ Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… cũng đưa ra những nghi ngại, những rào cản khi đầu tư sản phẩm này tại Việt Nam. PGS.TS. Phạm Hoàng Lương – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, Việt Nam có thị trường về bơm nhiệt, nhưng hiện đang phát triển khá manh mún. Vì vậy, khả năng áp dụng sản phẩm này trong thời gian tới cần được các nhà đầu tư cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt là cần xây dựng hệ thống chính sách để hỗ trợ sản phẩm thời gian đầu khi vào thị trường.
Đại diện Trường ĐH Xây dựng thì cho rằng, sẽ có rất nhiều rào cản khiến cho bơm nhiệt sẽ gặp khó khăn khi vào thị trường Việt Nam như nhận thức của doanh nghiệp, người dân chưa cao; cơ quan quản lý nhà nước chưa chú ý đến những lợi ích của bơm nhiệt; chi phí đầu tư hệ thống bơm nhiệt và lưu trữ nhiệt rất cao, trong khi các nhà đầu tư chỉ muốn giảm chi phí… Do đó, sẽ khó khăn cho việc áp dụng giải pháp này trong tiết kiệm năng lượng.
Giải đáp những lo ngại này, các chuyên gia Nhật Bản đã chia sẻ mô hình Khách sạn Du Parc Hà Nội (là khách sạn Nikko Hanoi cũ) đã tham gia dự án Khách sạn Carbon thấp tại Việt Nam, thông qua việc lắp đặt Máy bơm nhiệt không khí UNIMO. Kết quả cho thấy, mỗi năm, Khách sạn đã tiết kiệm được 74.800 USD chi phí cho nhiên liệu dầu, điện so với trước đó.
Đại diện Công ty Mitsubishi Electric Việt Nam (MEVN) cũng cho biết, các hệ thống bơm nhiệt nước nóng từ nguồn không khí và từ nguồn nước đã được MEVN triển khai từ khá lâu cho các đối tượng là khách sạn và căn hộ du lịch; khu nghỉ dưỡng; chung cư; bể bơi; bếp ăn công nghiệp; và giặt là công nghiệp. Điển hình như một số khách sạn 5 sao như: Park Hyatt Saigon; Queen Ann Nha Trang; Khu nghỉ dưỡng Trí Việt Hội An Resort; Khu căn hộ dịch vụ Nam Sài Gòn; Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội; Bệnh viện Nhi TP.HCM; Nhà máy Sakurai Thanh Hóa; Trung tâm Hội nghị Ariyana Đà Nẵng… đều đem lại kết quả rất tốt, giảm đáng kể chi phí sử dụng năng lượng.
Thay mặt VECEA, ông Nguyễn Đình Hiệp – Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký VECEA cho rằng, thị trường bơm nhiệt tại Việt Nam không phải là không có, tuy nhiên để phát triển được công nghệ này trong thời gian tới, trước hết cần tuyên truyền nâng cao ý thức của doanh nghiệp, người dân về công nghệ xanh – sạch, thân thiện môi trường. Bên cạnh đó cần xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các công nghệ tiết kiệm năng lượng như bơm nhiệt và lưu trữ nhiệt, khuyến khích nhà đầu tư áp dụng các công nghệ này trong các công trình của mình. Tuy nhiên, cũng cần làm rõ suất đầu tư của công nghệ này, để tính toán đưa vào giai đoạn nào, hỗ trợ như thế nào là phù hợp.
Việt Nam đang triển khai năm đầu tiên Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 với nhiều mục tiêu. Do đó, VECEA cũng hy vọng rằng, thông qua Hội thảo, những vấn đề về kỹ thuật, công nghệ liên quan đến bơm nhiệt sẽ được chia sẻ đầy đủ để công nghệ bơm nhiệt sẽ được chú ý và được sử dụng ngày một rộng rãi hơn, góp phần tiết kiệm năng lượng và mang lại sự tiện nghi trong sinh hoạt cũng như sản xuất, kinh doanh.