Thị trường các mặt hàng tiêu dùng những ngày cận Tết khá sôi động, nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá liên tục được các doanh nghiệp đồng loạt áp dụng trong dịp này để cạnh tranh và thu hút nhu cầu mua sắm cuối năm.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, tại các đô thị, các mặt hàng Tết, nhất là đặc sản vùng miền, hàng nhập khẩu… được trao đổi mua bán qua nhiều kênh, nhiều hình thức đa dạng, như: điện thoại, internet, giao hàng tại nhà… đã phục vụ khá tốt nhu cầu của người dân.
Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, sức mua vẫn có xu hướng tập trung khá lớn do mặt hàng đa dạng, chất lượng tốt, giá cả ổn định. Tại các chợ dân sinh, hoạt động mua bán cũng khá tấp nập, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây, đồ thờ cúng.
Tại các điểm bán hoa, cây cảnh Tết do các địa phương tổ chức, hàng hóa cũng rất đa dạng, hình thức đẹp và được bày bán khá sớm, nhưng sức mua chỉ thực sự mạnh từ ngày 27-28 Tết.
Do nguồn cung hàng hóa dồi dào, công tác phục vụ Tết của nhiều siêu thị, chợ được kéo dài đến chiều tối ngày 30 Tết và bắt đầu phục vụ trở lại vào ngày mùng 2 Tết. Một số siêu thị tại các đô thị lớn không nghỉ Tết.
Sau Tết, trong hệ thống siêu thị, nguồn hàng vẫn phong phú, đa dạng, giá bán ổn định. Tại các chợ truyền thống, các mặt hàng được bày bán chủ yếu là thực phẩm và hoa quả, bánh kẹo, đồ lễ phục vụ nhu cầu đi lễ đầu năm của người dân.
Mặc dù nguồn cung các mặt hàng thực phẩm (đặc biệt là thực phẩm tươi sống) chưa nhiều, nhưng sức mua trên thị trường ngày này không cao, vì vậy không có hiện tượng tăng giá đột biến ngoài một vài mặt hàng như cá tươi, rau xanh có tăng nhẹ so với trước Tết.
Thời tiết nắng ấm nên tại các khu du lịch, đền chùa, du khách đến đông, nhu cầu đối với các dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình cao, nên giá cũng tăng khoảng 30-40% so với ngày thường.