Xuất khẩu cá ngừ tăng gấp đôi
Hiện cả nước có 72 doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất khẩu (XK) cá ngừ. Dẫn đầu trong số các công ty này là Bidifisco, Dragon Wave, Tithico, Highland Dragon và Nha Trang Bay, chiếm gần 46% tổng kim ngạch XK cá ngừ của cả nước. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ trong tháng 1/2022 đạt gần 88 triệu USD, tăng 108% so với cùng kỳ năm 2021. Theo bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kết quả này cho thấy sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, doanh nghiệp đã chủ động nắm bắt thông tin thị trường, tận dụng tốt xu hướng gia tăng nhu cầu trên thị trường thế giới để tăng thêm thị phần. Các doanh nghiệp đã chủ động gia tăng sản xuất, đáp ứng các đơn hàng XK để có thể tận dụng các ưu đãi của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Các sản phẩm thịt, philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304 vẫn là “át chủ bài” trong XK cá ngừ của Việt Nam, chiếm tới hơn 66% tổng kim ngạch XK trong tháng 1/2022. Đáng chú ý trong tháng đầu năm 2022, XK thịt, philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304 và cá ngừ chế biến khác mã HS16 sang nhiều thị trường tăng cao ở mức 3 con số trong tháng 1/2022, lần lượt là 172% và 278% so với cùng kỳ.
Theo phân tích của VASEP, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới gần 50% tổng giá trị XK trong tháng 1/2022, đạt gần 44 triệu USD, tăng 210% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với Mỹ, XK cá ngừ sang các nước EU cũng đã tăng tốc trong tháng đầu năm. Đáng chú ý trong tháng 1/2022, có sự góp mặt của Hà Lan và Lithuania trong tốp 3 thị trường dẫn đầu khối về giá trị nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam. Giá trị XK cá ngừ sang 2 thị trường này trong tháng 1/2022 đang tăng với tốc độ “phi mã” lần lượt là 243% và 1.938% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài 3 thị trường nhập khẩu chính nêu trên, XK cá ngừ sang các thị trường khác trong khối EU phần lớn đều tăng so với cùng kỳ.
Tại khối thị trường các nước CPTPP, XK sang một số thị trường trong khối hiệp định này sau khi sụt giảm trong quý 4/2021 đã khởi sắc trong tháng đầu năm 2022 như Canada hay Peru, tăng lần lượt là 26% và 2.289% so với cùng kỳ năm 2021. Chile mặc dù không còn nằm trong top 4 thị trường dẫn đầu, nhưng XK sang thị trường này cũng tăng mạnh 219%, Trong khi đó, XK sang Nhật Bản vẫn tiếp tục sụt giảm 17% so với cùng kỳ.
Dự báo, năm 2022, ngành cá ngừ sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, do các thị trường đã mở cửa trở lại và nhu cầu của các chuỗi dịch vụ thực phẩm tại các thị trường tăng sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu. Do đó, XK cá ngừ của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới.
"Năm thú vị cho ngành cá tra"
Ngoài mặt hàng cá ngừ, nhiều mặt hàng thủy sản khác cũng có tín hiệu XK khởi sắc trong tháng đầu năm. Theo kết quả thống kê của VASEP cho thấy, trong top 5 thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc chính của Việt Nam tháng 1/2022, XK sang Trung Quốc và Hồng Kông tăng trưởng mạnh nhất 176%. XK sang EU tăng 90% trong đó XK sang 2 thị trường đơn lẻ trong khối là Tây Ban Nha và Pháp tăng trưởng 3 con số lần lượt là 562% và 346% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm 33% tổng giá trị XK. Tháng 1/2022, XK mực, bạch tuộc sang thị trường này đạt trên 28 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhật Bản đứng thứ hai, chiếm tỷ trọng 23%, nhập khẩu 14,2 triệu USD mực, bạch tuộc từ Việt Nam trong tháng đầu tiên của năm nay, tăng 55%.
Theo ông Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, khủng hoảng từ dịch bệnh năm 2021 sẽ khiến các doanh nghiệp chế biến phân hóa mạnh, đặc biệt với ngành cá sẽ thể hiện rõ hơn qua khó khăn này. Ông Lực cho biết, với nhiều lợi thế về giá nguyên liệu, chắc chắn năm 2022 là năm đầy thú vị cho ngành cá tra.
Đối với mặt hàng tôm, năm nay, tôm sẽ phát triển ổn định và ít dịch bệnh. Song song, với quy trình nuôi mới, ao lót bạt đáy, chủ động kiểm soát môi trường ngày càng tốt hơn, các ao nuôi này đã đón được giá tốt khi cung ứng cho mảng nhà hàng đang phục hồi. Với tình hình này việc tiêu thụ của các doanh nghiệp tôm sẽ khởi sắc ngay từ đầu năm và hứa hẹn năm 2022 chinh phục mốc 4 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu tôm là trong tầm tay.
Theo ông Hồ Quốc Lực, điểm lưu ý là phải “biết người biết ta”, hai đối thủ tôm lớn nhất là Ecuador và Ấn Độ đang ráo riết tăng sản lượng lẫn hàm lượng trong chế biến hòng cạnh tranh với tôm Việt Nam, nhất là ở thị trường Hoa kỳ, là thị trường chúng ta có thị phần tôm cao nhất. “Nhưng chúng ta có niềm tin các doanh nhân thủy sản Việt có đủ bản lĩnh trên thương trường đã “chinh chiến” bao năm qua, sẽ vượt qua các thách thức, trong đó yếu tố hết sức cơ bản là nâng cao hơn trình độ chế biến để chiếm lĩnh mảng tiêu thụ cao cấp ở các thị trường tiêu thụ trọng điểm, ít đối thủ và có biên lợi nhuận tốt”- ông Lực nhấn mạnh.
Tin vui cho XK cá tra và tôm, hai sản phẩm chủ lực ngành thủy sản nước ta ngay từ đầu năm sẽ là tín hiệu tốt cho XK của ngành thủy sản trong năm nay.