Vận chuyển thuốc lá lậu trên xe 'luồng xanh"
Trên tuyến đường biên, những năm gần đây, mặc dù các lực lượng chức năng như Bộ đội Biên Phòng, Công an, Hải quan... đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phòng, chống buôn lậu qua biên giới nhưng tại một số điểm nóng trên tuyến biên giới từ tỉnh Tây Ninh đến Kiên Giang, các đối tượng vẫn tìm mọi cách để tuồn hàng lậu vào Việt Nam, nhất là thuốc lá.
Đơn cử như mới đây, lực lượng Biên Phòng và Hải Quan cửa khẩu Quốc Tế Mộc Bài đã phát hiện, tạm giữ xe ô tô đầu kéo mang biển kiểm soát 51C-768.14 do tài xế Lê Đức Thuận trú tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai điều khiển. Nguyên nhân là bởi trên xe chở tới 10.000 bao thuốc lá nhập lậu từ Campuchia vào Việt Nam.
Điều đang nói, chiếc xe đầu kéo đã được niêm phong để phòng chống dịch và được phép qua lại biên giới theo luồng nhập cảnh dành cho phương tiện vận chuyển hàng hoá.
Dọc tuyến biên giới đường bộ, hầu như ngày nào lực lượng chức năng cũng bắt giữ những vụ vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới, với đủ cách ngụy trang khác nhau như giấu trong bao cỏ, thậm chí giấu trong cả những ống nhựa… để kéo qua biên giới, đưa vào nội địa.
Tương tự, trong nội địa, hoạt động buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu đang có xu hướng gia tăng với những thủ đoạn vi phạm tinh vi, khó lường. Ngày 13/9, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Thuận đã kiểm tra và thu giữ nhiều thuốc lá điếu nhập lậu tại các điểm kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, tiến hành kiểm tra song song hai điểm kinh doanh trên đường Thủ Khoa Huân, lực lượng chức năng phát hiện hơn 300 bao thuốc lá điếu các loại do nước ngoài sản xuất, gồm: 555, Hero, Craven A, Richmond, Esse... Tất cả số hàng hóa này đều không có tem thuốc lá nhập khẩu do Bộ Tài chính phát hành dán trên bao gói, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.
Đáng chú ý, một lượng hàng hóa được các chủ hàng ngụy trang, chia nhỏ, cất trong bao nylon đen, giấu nhiều nơi hoặc để lẫn lộn với thực phẩm trong khu vực kinh doanh để né tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hai điểm kinh doanh nêu trên và tạm giữ toàn bộ số thuốc lá để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính.
Không chỉ vậy, lợi dụng đại dịch Covid-19, nhiều đối tượng đã sử dụng phương tiện vận tải “luồng xanh” ngụy trang thuốc lá lậu lẫn trong hàng nông sản để đưa đi các tỉnh tiêu thụ. Điển hình như tại Tiền Giang, ngày 27/8, lực lượng QLTT Tiền Giang phối hợp với Công an tỉnh tạm dừng và khám phương tiện ô tô tải “luồng xanh” biển kiểm soát 71C-101.98 khi lưu thông qua chốt kiểm soát dịch Covid-19.
Tại thời điểm khám, phát hiện trên xe đang vận chuyển 90 bao thuốc lá điếu nhập lậu, gồm 60 bao hiệu JET và 30 bao hiệu HERO. Số lượng thuốc lá này được ông P.T.P là người điều khiển phương tiện cũng là chủ hàng hóa vận chuyển từ tỉnh Tây Ninh về tỉnh Bến Tre để tiêu thụ. Ông P.T.P đã ngụy trang, để thuốc lá điếu nhập lậu bên dưới các loại rau, củ, quả… nhằm trốn tránh sự kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Đội QLTT số 1 thực hiện thủ tục tạm giữ toàn bộ tang vật vi phạm, lập biên bản vi phạm đối với ông P.T.P về hành vi vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu; đang hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý theo quy định.
Tương tự, tại TP. Hồ Chí Minh, trong hai ngày 13 và 16/9, lực lượng QLTT TP đã phát hiện 3 xe khách ngụy trang chở lương thực thực phẩm để buôn lậu thuốc lá lậu. Tổng số thuốc lá lậu trên ba xe hàng là 3.290 bao thuốc lá các loại. Để trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng, các chủ xe đã cất giấu thuốc lá trong thùng carton và bao nylon, giấu lẫn trong hàng hóa thiết yếu rau, củ, quả.
Cả ba xe hàng này đề chạy hướng từ Tây Ninh về TP. Hồ Chí Minh và là xe luồng xanh, chở thực phẩm thiết yếu rau, củ, quả, trước xe có ghi dòng chữ “Xe chở thực phẩm hỗ trợ”. Hiện, Cục QLTT TP đã tạm giữ toàn bộ tang vật, phương tiện trên để tiếp tục thẩm tra, xác minh và xử lý theo quy định của pháp luật.
Từng chia sẻ với báo chí về nguyên nhân khiến tình trạng thuốc lá buôn lậu gia tăng, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho rằng, nguyên nhân của vấn nạn này do buôn lậu thuốc lá đem lại siêu lợi nhuận. Cùng với đó, địa hình kênh rạch chằng chịt, đường mòn lối tắt nhiều là điều kiện cho các đối tượng buôn lậu thẩm lậu thuốc lá vào Việt Nam. Mặt khác, công tác tuyên truyền về tác hại thuốc lá nhập lậu của Việt Nam hiện chưa đủ mạnh...
Ngoài ra, người vận chuyển thuốc lá lậu chủ yếu là người nghèo không có nghề nghiệp ổn định, đi làm thuê nên việc xử phạt hành chính gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, giới chủ buôn lậu lại thường xuyên thay đổi thủ đoạn tinh vi hơn, hỗ trợ vận chuyển bằng các hình thức manh động hơn. Đặc biệt là nhu cầu sử dụng thuốc lá nhập lậu trên thị trường vẫn còn cao.
Quyết tâm truy quét và xử lý thuốc lá nhập lậu
Xác định đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá ngoại nhập lậu là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, thời gian tới, Tổng cục QLTT tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, đa dạng về hình thức tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức người dân về tác hại của buôn lậu thuốc lá đối với xã hội và kêu gọi mọi người không bao che, tiếp tay cho hành vi này.
Ngoài ra, có chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân đưa tin, tố giác hành vi buôn lậu thuốc lá cho lực lượng chức năng. Song song với đó, tăng cường cơ sở vật chất cho lực lượng chống buôn lậu, bởi buôn lậu ngày càng tinh vi, hiện đại, nhưng cơ sở vật chất của lực lượng chức năng vẫn còn rất khó khăn.
Mặt khác, tăng cường phối hợp lực lượng chức năng liên quan kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu, chú trọng địa bàn trên các tuyến trọng điểm, tuyến biên giới như: Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Trị, Kiên Giang, An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, TP. Hồ Chí Minh…
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý địa bàn, rà soát các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá: nhà hàng, quán bar, cửa hàng tạp hóa, điểm bán lẻ. Nắm thông tin các điểm nóng, kho chứa trữ, đường dây, ổ nhóm hoạt động buôn lậu thuốc lá trên địa bàn.
Đặc biệt, kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo 389, địa phương khen thưởng kịp thời các cá nhân/tập thể có thành tích hoặc phê bình, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương để xảy ra tình trạng buôn lậu thuốc lá nghiêm trọng kéo dài/tái diễn ở địa bàn, lĩnh vực mình phụ trách.
Số liệu thống kê từ Tổng cục QLTT cho biết, 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, xử lý trên 820 vụ việc về buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá điếu, cigar, thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng… và xử lý trên 560 vụ…