Ngành gỗ tăng trưởng đột phá
Tại Hội thảo “Bức tranh ngành gỗ” năm 2017 được tổ chức sáng nay 27/3/2018, đại diện Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) ông Tô Xuân Phúc cho biết, cuối tháng 1/2018 ngành chế biến gỗ xuất khẩu (ngành gỗ) đón nhận tin vui đặc biệt: Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tính đến tháng 1/2018 đạt 8 tỉ USD. Với kim ngạch này, ngành đã về đích sớm 3 năm so với mục tiêu đặt ra là 8-8,5 tỉ USD đến năm 2020.
Theo báo cáo của Vifores, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 8 tỉ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 7,7 tỉ USD, tăng 12,6% so với kim ngạch năm 2016. Sự gia tăng chủ yếu là do mở rộng xuất khẩu từ mặt hàng nội thất, ghế ngồi và gỗ dán.
Ngành gỗ tăng trưởng đột phá, vươn lên vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng các ngành đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước“Với tốc độ tăng trưởng hơn 12,6% so với năm 2016, đạt kim ngạch 8 tỉ USD, đồ gỗ và sản phẩm gỗ trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam”, ông Tô Xuân Phúc nhấn mạnh.
Lý giải về thành tích đột phá trên, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, lý do quan trọng nhất phải kể đến đó là sự tụt giảm tính cạnh tranh của ngành gỗ Trung Quốc do ngành này bị Hoa Kỳ kiện bán phá giá và do chính sách áp dụng thuế xuất khẩu đồ gỗ của Chính phủ Trung Quốc.
Thêm vào đó, suy thoái kinh tế năm 2008-2009 tại Châu Âu làm giảm sức sản xuất tại châu lục này, từ đó tạo cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam. Bên cạnh đó, thiếu hụt lao động và giá lao động cao tại Trung Quốc, Malaysia và Indonesia (các quốc gia cạnh canh về chế biến gỗ xuất khẩu với Việt Nam) cũng tạo cơ hội cho ngành gỗ chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam phát triển.
“Dự kiến năm 2018 kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam đạt khoảng 9 USD, và vươn tới con số 10 tỉ USD trong những năm tiếp theo” Chủ tịch HAWA nhận định.
Giải quyết bài toán nguyên liệu bằng nhiều giải pháp
Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Vifores cho rằng, hiện nay Việt Nam đã trở thành trung tâm chế biến gỗ của Châu Á. “Công suất thiết kế của các nhà máy chế biến gỗ hiện nay có thể đáp ứng được mục tiêu xuất khẩu, nhưng vấn đề khó nhất đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đó là nguồn gỗ nguyên liệu”, ông Nguyễn Tôn Quyền lo lắng.
Theo tính toán của Viforest, năm 2016 xuất khẩu gỗ đạt 6,9 tỷ USD thì tiêu thụ 31 triệu m3 gỗ, năm 2017 với kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD thì nguyên liệu gỗ tiêu thụ tương đương khoảng 33 triệu.
Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng tài nguyên thiên nhiên tái sinh từ các loại đồ gỗ cũ, tái chế biến để khắc phục bài toán nguyên liệuĐến năm 2020, muốn đạt con số 10 tỷ USD thì phải có 40 triệu m3 gỗ. Như vậy, trong nước, ít nhất phải cung cấp 33 triệu m3, nhưng hiện nay, lượng gỗ trong nước mới đáp ứng khoảng 23 triệu m3, Tổng Thư ký Vifores phân tích.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Khanh cũng cho biết, hiện nay có nhiều doanh nghiệp của HAWA nhận được 100% đơn hàng sản xuất trong năm 2018. Nhiều ý kiến cho rằng nguyên liệu gỗ phục vụ cho sản xuất, chế biến, xuất khẩu trong năm 2018 sẽ thiếu.
Tuy nhiên, theo dự báo của nhiều doanh nghiệp có mặt tại Hội thảo, nguồn nguyên liệu lại rất dồi dào và đa dạng chủng loại. Theo đó, 50% nguyên liệu được nhập khẩu từ 60 quốc gia khác nhau trên thế giới, vừa để phục vụ cho nhu cầu sử dụng đồ gỗ trong nước, vừa tạm nhập chế biến để tái xuất.
Với 50% nguồn nguyên liệu còn lại, ngành gỗ Việt Nam sẽ sử dụng từ 5 triệu ha rừng trồng, cung cấp 22,5 triệu m3 gỗ, 1 triệu ha rừng cao su cung cấp 3 triệu m3 gỗ và rừng cây ăn quả của cả nước cho 1 triệu m3 gỗ mỗi năm. Đây là những loại gỗ có nguồn gốc hợp pháp, đáp ứng đủ tiêu chí an toàn môi trường, khai thác gỗ hợp pháp của các nhà nhập khẩu trên thế giới.
Ngoài ra, ngành gỗ Việt Nam cũng sử dụng tài nguyên thiên nhiên tái sinh từ các loại đồ gỗ cũ, tái chế biến, khuyến khích người tiêu dùng gia tăng sử dụng các loại đồ dùng từ gỗ để bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Quốc Khanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch HAWA cũng chia sẻ, với ngành chế biến gỗ hiện nay không lo lắng về nguyên liệu cho chế biến. Nhưng vẫn đề ra chiến lược để nâng cao năng suất, đa dạng mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bởi vì mẫu mã các sản phẩm gỗ thường khó giữ được độc quyền, người thiết kế đồ gỗ, mỹ nghệ lại không nhiều.