Chương trình “Hạn chế sử dụng túi ni lông vì môi trường” chính thức được khởi động từ tháng 9/2009 bằng lễ phát động tại Siêu thị Hapromart. Lễ phát động này đã thu hút sự quan tâm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND Thành phố đến các sở, ngành, cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, địa phương và nhân dân. Tuy chỉ thực hiện trên quy mô một thành phố, song được sự ủng hộ tích cực của nhà tài trợ, các hoạt động của Chương trình này đã tạo được tiếng vang lớn. Đã có hàng trăm tin, bài viết trên các ấn phẩm báo chí, hơn 250 banner, băng rôn được treo ở các khu vực công cộng, trụ sở làm việc của các cơ quan, 6.000 poster tuyên truyền về sự kiện này. Cùng với đó, 5.000 túi sinh thái được phát miễn phí tới người dân. Sau khi khảo sát, cộng với sự hưởng ứng tích cực của nhân dân đã mở ra tiền đề để Chương trình xây dựng dài hơi với những chiến lược cụ thể, tiến tới loại bỏ thói quen sử dụng túi nylon trong cuộc sống hàng ngày. Đây cũng là bản lề để Chương trình “Hạn chế sử dụng túi nylon vì môi trường” của Thành phố triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo.
Năm 2010, Chương trình “Hạn chế sử dụng túi nylon vì môi trường” đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm cả về quy mô lẫn chất lượng. Để tăng tính hấp dẫn, QBVMT Hà Nội đã đề xuất ý tưởng chương trình với chủ đề “Ngày chủ nhật không túi nylon” với quy mô lớn nhằm thu hút sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô. Không chỉ bó hẹp trong nội thành, Chương trình đã mở rộng ra các địa phương ngoại thành với nhiều sự kiện tuyên truyền như phát tờ rơi, phát túi thân thiện với môi trường tại các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại. Công tác truyền thông còn có sự tham gia tích cực của đội ngũ tuyên truyền viên phụ nữ và thanh niên, sinh viên tình nguyện, nhất là cơ quan thông tấn, báo chí. Tất cả các hoạt động truyền thông đã cộng hưởng tạo thành làn sóng cam kết không sử dụng túi nilon tại 29 quận, huyện, thị xã với sự tham gia của 12.000 người dân. Chưa hết, Quỹ còn tổ chức chiến dịch thu gom túi nylon thải loại đổi lấy túi thân thiện với môi trường; phát hàng chục nghìn túi thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... Cùng với đó, tổ chức hoạt động đạp xe trên các tuyến phố chính, tuyên truyền về tác hại của túi nylon và tuyên truyền cho lối sống không lệ thuộc vào túi nylon. Trong khuôn khổ Chương trình, một lễ phát động “Chung tay bảo vệ môi trường” tại Công viên Hồ Tây cũng tạo sức lan toả cộng đồng hạn chế sử dụng túi nilon vì môi trường.
Tiếp nối thành công, năm 2011 và năm 2012, hành trình tuyên truyền “Hạn chế sử dụng túi nilon vì môi trường” tiếp tục được mở rộng đến các tầng lớp nhân dân. Điều dễ nhận thấy nhất, sự phối hợp triển khai từ thành phố xuống đến các xã, phường, thị trấn trong tổ chức thu gom túi nylon thải loại, tạo dựng các phong trào nói không với túi nylon đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. 100% cán bộ hội viên phụ nữ ở cơ sở và gia đình gương mẫu ở nhiều địa phương đã đi đầu duy trì phong trào nói không với túi nylon. Từ ý tưởng của chương trình, nhiều tổ dân phố, khu dân cư trong nội thành, các thôn, xóm ngoại thành đã phát động phong trào sử dụng túi vải, túi giấy, túi thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon với tinh thần tự nguyện đã tạo sức lan toả của Chương trình. Đổi mới truyền thông, năm 2013, Chương trình “Hạn chế sử dụng túi nilon vì môi trường đã hướng đến các thế hệ tương lai là các em học sinh và sinh viên. Thông qua các chương trình ngoại khoá, hàng chục nghìn học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố được giao lưu với “Đại sứ xanh”, “Hiệp sĩ bảo vệ môi trường”, trồng cây xanh cam kết nói không với túi nilon... Các bạn trẻ đã viết lên thông điệp, suy nghĩ của mình và trách nhiệm của cộng đồng “Hạn chế sử dụng túi nylon vì môi trường”.
Từ ngày 2-17/10/2013, trên địa bàn thành phố, ngoài việc tổ chức treo hàng trăm băng rôn, biểu ngữ, dán hàng nghìn poster tuyên truyền tại các tuyến phố chính của Thủ đô; QBVMT còn tổ chức phát 10.000 túi vải bằng sợi tổng hợp thân thiện với môi trường tại các trường tiểu học và đại học. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội vận động phụ nữ sử dụng túi thân thiện với môi trường, đổi giấy vụn lấy túi thân thiện môi trường, gấp túi giấy thay thế túi nylon, phân loại rác thải tại nguồn. Hà Nội cũng thí điểm thành công chương trình “Hạn chế sử dụng túi nylon vì môi trường” trên hệ thống các siêu thị Hapro, qua đó giúp người dân nhận thức rõ về tác hại của túi nylon với môi trường, nâng cao ý thức và thói quen hạn chế sử dụng túi nylon, hướng đến không sử dụng túi nylon.
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua khảo sát cho thấy, trong tổng số 5.000 người được hỏi vẫn còn 3% hoàn toàn không biết về tác hại của túi nylon, 100% số người được hỏi sẽ sử dụng túi thân thiện với môi trường trong sinh hoạt hàng ngày nếu như được cung cấp với giá thành rẻ. Hiện tại, giá túi ni lông thông thường luôn rẻ hơn túi ni lông thân thiện. Cụ thể, túi ni lông thân thiện có giá hơn 40.000 đồng/kg, trong khi đó túi ni lông thông thường chỉ khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg. Để hạn chế bớt sự chênh lệch giá bán giữa 2 loại túi ni lông này, theo các đơn vị sản xuất túi ni lông thân thiện với môi trường, thì trước mắt Nhà nước cần giải quyết hai vấn đề sau: Thứ nhất, cần kiểm soát việc thực hiện nộp thuế một cách nghiêm túc đối với các đơn vị sản xuất túi ni lông thông thường, bởi hiện tại rất nhiều đơn vị sản xuất loại túi ni lông này không phải đóng thuế bảo vệ môi trường nên có giá bán rẻ hơn túi ni lông thân thiện. Thứ hai, nhà nước cũng cần có những chính sách cụ thể hơn nữa để hỗ trợ các đơn vị sản xuất túi ni lông thân thiện.