Nhìn lại chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam

Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam với tên gọi ban đầu là Liên hiệp Thuốc lá Việt Nam, được thành lập năm 1985. Sau những năm tháng thăng trầm, qua 2 lần thay đổi hình thức tổ chức doanh nghiệp, đến ngày

Trong suốt 20 năm xây dựng và phát triển, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đã không ngừng phát triển, là doanh nghiệp chủ đạo của ngành Thuốc lá Việt Nam. Tổng Công ty đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2001), Cờ Thi đua của Thủ tướng Chính phủ (liên tục 6 năm 2000 – 2005) về thành tích sản xuất- kinh doanh và nhiều hình thức khen thưởng khác của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, với nhiều thành tích xuất sắc đạt được trong sản xuất-kinh doanh trong 20 năm qua, năm 2005, Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Hai cho Tổng Công ty. 

Hiện nay, Tổng Công ty có 16 đơn vị thành viên, được chia thành 3 khối: Khối sản xuất thuốc điếu, Khối sản xuất nguyên liệu, Khối phụ trợ và sự nghiệp; 4 liên doanh với nước ngoài, là đối tác chính trong hợp tác sản xuất và chế biến thuốc lá tại Việt Nam với các tập đoàn thuốc lá hàng đầu thế giới. Các lĩnh vực hoạt động chính của Tổng Công ty là: Đầu tư trồng, thu mua và chế biến nguyên liệu thuốc lá; Sản xuất và kinh doanh thuốc lá điếu; Xuất nhập khẩu trực tiếp các loại máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu và sản phẩm của ngành Thuốc lá; In các loại bao bì thuốc lá, sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho Ngành; Sản xuất máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ ngành Thuốc lá; Kinh doanh dịch vụ vận chuyển phục vụ cho hoạt động của các đơn vị trong Ngành; Nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học-kỹ thuật vào hoạt động của Ngành...

Quá trình hình thành và phát triển của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam được chia thành các giai đoạn sau:

Giai đoạn 1975 – 1985: Thời kỳ này, ngành Công nghiệp sản xuất thuốc lá điếu được tổ chức thành Xí nghiệp Liên hiệp Thuốc lá I (bao gồm các nhà máy: Thuốc lá Thăng Long và Thuốc lá Bắc Sơn), Xí nghiệp Liên hiệp Thuốc lá II (bao gồm các nhà máy: Thuốc lá Sài Gòn, Thuốc lá Vĩnh Hội) thuộc Trung ương quản lý; và các nhà máy: Thuốc lá Thanh Hóa, Thuốc lá Nghệ An thuộc địa phương quản lý. Đây là thời kỳ sản xuất-kinh doanh thuốc lá theo cơ chế tập trung bao cấp, tổng năng lực của toàn ngành khoảng 1 tỷ bao/năm. Đến sau những năm 1980, do việc chậm đầu tư phát triển, dây chuyền công nghệ và máy móc thiết bị lạc hậu, chắp vá, sản phẩm của các nhà máy đã không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Giai đoạn 1985 – 1995: Nhằm từng bước thực hiện việc thống nhất tổ chức quản lý, tập trung đầu mối quản lý ngành Thuốc lá để thực hiện chương trình mục tiêu phát triển thuốc lá của Nhà nước, ngày 05/4/1985, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 108/HĐBT về việc thành lập Liên hiệp các Xí nghiệp Thuốc lá Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp Thuốc lá Việt Nam) trên cơ sở hợp nhất Xí nghiệp Liên hiệp Thuốc lá I và Xí nghiệp Liên hiệp Thuốc lá II.

Liên hiệp Thuốc lá Việt Nam có cơ cấu tổ chức gồm 4 nhà máy sản xuất thuốc điếu Sài Gòn, Vĩnh Hội, Thăng Long, Bắc Sơn; 4 xí nghiệp nguyên liệu miền Trung, miền Đông, miền Tây, Hà Nam Ninh và 01 Xí nghiệp lên men thuốc lá. Hoạt động của Liên hiệp theo mô hình khép kín từ khâu đầu tiên là trồng nguyên liệu đến sản xuất các sản phẩm thuốc lá và các hoạt động phụ trợ phục vụ cho toàn bộ hoạt động sản xuất-kinh doanh của Liên hiệp, đánh dấu bước chuyển biến mới về phương thức quản lý và trở thành một mô hình đầu tiên về quản lý ngành đối với toàn ngành Thuốc lá Việt Nam.

Liên hiệp đã tập trung điều chỉnh, bố trí năng lực sản xuất hợp lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến kích thước điếu thuốc, hình dáng thẩm mỹ của bao bì, cách đóng tút, đóng kiện... , đã đưa ra thị trường một số sản phẩm có khẩu vị “hỗn hợp” như Souvenir, Joy, Memory..., sử dụng hoàn toàn nguyên liệu trong nước. Nhiều nhãn hiệu mới như: Vinataba, Super, Hồng Hà, Lion, Hòa Bình, Cotab, Du lịch XK, Melia, Vĩnh Hội, Dream, Birthday, Hà Nội đỏ, Thăng Long, Boy, Globe, Vĩnh Hội Luxe, Yaly, Mic... đã được thị trường ưa chuộng và tiêu thụ với số lượng lớn.  Sản lượng thuốc lá điếu sản xuất và tiêu thụ ngày càng tăng, từ 600 triệu bao năm 1985 đến năm 1992 đã đạt gần 1 tỷ bao, trong đó tỷ trọng thuốc đầu lọc năm 1985 chỉ chiếm 6,7%, đến năm 1992 tăng lên hơn 40%. Riêng thuốc lá đầu lọc bao cứng được bắt đầu sản xuất từ năm 1989 với sản lượng 1,5 triệu bao, thì đến năm 1992 đã đạt 115 triệu bao.

Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng thuốc lá nhập lậu, Liên hiệp đã nhanh chóng nắm bắt thời cơ, đầu tư, điều chỉnh năng lực sản xuất, tăng sản lượng tiêu thụ nội địa, sản xuất nhiều mác thuốc mới có khả năng cạnh tranh thuốc lá ngoại nhập như Vinataba, Souvenir, Du lịch xuất khẩu..., trong đó, sản phẩm Vinataba được đánh giá là sản phẩm thành công thay thế thuốc lá ngoại và giành được thị phần ngày càng lớn trên thị trường.

Từ sau năm 1980, các vùng trồng nguyên liệu trong nước đã được Liên hiệp phát triển khá nhanh, tổng diện tích gieo trồng đạt trên 30.000 ha với sản lượng bình quân đạt khoảng 31.000 tấn/năm. Liên hiệp đã tiến hành nhiều chương trình trồng thực nghiệm về giống thuốc lá. Đưa vào hoạt động các trung tâm kỹ thuật tại các huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), Bình Long (Sông Bé), Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận), Gò Dầu (Tây Ninh), và trồng thực nghiệm nguyên liệu giống mới tại các tỉnh: Hà Nội, Lạng Sơn, Vĩnh Phú, Hà Tây, Quảng Nam - Đà Nẵng, Gia Lai-Kontum, Bình Định, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Sông Bé, Đồng Nai, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Tháp.

Để đáp ứng các yêu cầu đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu, đổi mới công nghệ, sản xuất, Liên hiệp chú trọng trong việc tìm đối tác đầu tư toàn diện từ khâu trồng, chế biến, xuất khẩu nguyên liệu đến sản xuất thuốc điếu và đã bước đầu đàm phán với một số tập đoàn thuốc lá lớn trên thế giới như: BAT, Intabex, Rothman, Philip Morris, Gudang Garam, Bolloré... và đàm phán với New Toyo, Leigh Mardon về sản xuất và in bao bì thuốc lá điếu, giấy sáp vàng. Vào những năm 1986-1990, hàng năm, Tổng Công ty xuất khẩu 300-400 triệu bao sang thị trường Đông Âu, đặc biệt là Liên Xô cũ.

Có thể đánh giá rằng, Liên hiệp Thuốc lá Việt Nam trong 8 năm hoạt động (1985-1992) đã khẳng định được vai trò nòng cốt đối với ngành Thuốc lá Việt Nam, đáp ứng được nhu cầu của xã hội, tạo tích lũy ngày càng tăng cho Nhà nước, xuất khẩu thuốc lá điếu với số lượng lớn, đưa ngành Thuốc lá từng bước phát triển mạnh mẽ trong sự chuyển đổi bước đầu của nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, đã hình thành một phương thức quản lý ngành với quy mô toàn quốc theo kiểu khép kín, mà mô hình các xí nghiệp liên hợp trước đó chưa thực hiện được.

Giai đoạn 1995 – 2005: Đây là chặng đường 10 năm hoạt động của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam theo mô hình Tổng Công ty 91. Trong giai đoạn này, tổ chức quản lý của ngành Thuốc lá Việt Nam vẫn còn những tồn tại, bất cập do việc mở ra quá nhiều nhà máy sản xuất thuốc lá ở các địa phương trước đây. Tính đến năm 1999, cả nước có 29 doanh nghiệp sản xuất thuốc lá điếu trực thuộc các cấp, các ngành và địa phương quản lý. Các cơ sở sản xuất thuốc lá trong nước phân tán, thiếu tập trung. Thêm vào đó, do thiếu các biện pháp kiểm soát chỉ đạo chặt chẽ của Nhà nước dẫn đến nhiều cơ sở sản xuất thuốc lá địa phương hoạt động kém hiệu quả, một số doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, tình trạng trốn lậu thuế không được ngăn chặn, không đảm bảo vệ sinh môi trường, sản phẩm kém chất lượng, ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của người tiêu dùng.

Trước thực trạng nêu trên, ngày 12/5/1999, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 13/1999/CT-TTg thực hiện chấn chỉnh, sắp xếp sản xuất kinh doanh ngành Thuốc lá, giao Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam giữ vai trò nòng cốt trong việc tổ chức sắp xếp lại ngành Thuốc lá Việt Nam.

Giai đoạn 2000-2005 là quá trình Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam vừa giữ vai trò chủ đạo trong công tác sắp xếp lại ngành Thuốc lá theo nhiệm vụ Nhà nước giao, vừa nỗ lực phấn đấu đạt sự tăng trưởng ổn định sản xuất kinh doanh. Bằng uy tín và hiệu quả hoạt động theo mô hình Tổng Công ty, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đã chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp để thực hiện chuyển một số đơn vị thuốc lá địa phương về làm đơn vị thành viên như các nhà máy: Thuốc lá Long An, Cửu Long, Đồng Tháp, An Giang, Công ty Thuốc lá Đà Nẵng, Công ty Liên doanh Thuốc lá Vinasa. Ngoài ra, Tổng Công ty đã tiếp nhận quản lý phần vốn Nhà nước trong 2 công ty bánh kẹo (Công ty CP Bánh kẹo Hải Hà và Công ty Liên doanh Bánh kẹo Hải Hà-Kotobuki) để thực hiện mục tiêu đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh.

Hầu hết các doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty đều hoạt động hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh, các đơn vị đã được sắp xếp hợp lý và đi sâu vào chuyên ngành, thực hiện tích tụ và tập trung vốn để đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ nâng cao sức cạnh tranh. Quy mô doanh nghiệp sau khi tiến hành sắp xếp đã tăng lên đáng kể. Các doanh nghiệp đều duy trì được tốc độ tăng trưởng và đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước. Tạo được chuyển biến rõ nét trong hoạt động quản lý sản xuất kinh doanh theo mô hình Tổng Công ty và cơ chế hiệp tác có hiệu quả giữa các đơn vị thành viên, tạo sức mạnh tổng hợp để giải quyết những vấn đề then chốt, cơ bản nhất, khắc phục những khó khăn của các đơn vị thành viên. Có thể khẳng định rằng, sự hình thành và phát triển của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam theo mô hình Tổng Công ty 91 đã đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử phát triển của Tổng Công ty và ngành Thuốc lá Việt Nam.

Nhìn lại chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nổi bật như sau:

- Xây dựng mô hình hoạt động của Tổng Công ty phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế đất nước, từ cơ chế bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường theo định hướng XHCN và hội nhập quốc tế.

- Mở rộng tổ chức và lĩnh vực kinh doanh, tái cấu trúc mô hình Tổng Công ty theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, đa dạng hóa hình thức tổ chức doanh nghiệp, phát triển Tổng Công ty lên một tầm cao mới, mạnh về thế và lực.

- Xây dựng và phát triển vùng trồng nguyên liệu ngày càng ổn định, đảm bảo cho nhu cầu sản xuất trong nước và xuất khẩu, diện tích thuốc lá vàng giống mới trên 14.000 ha/năm, đạt sản lượng 24.000-25.000 tấn/năm, chiếm tỷ trọng trên 80% sản lượng nguyên liệu nội địa của toàn ngành.

- Xây dựng vững chắc mạng lưới tiêu thụ thuốc lá khắp cả nước với các sản phẩm thuốc điếu ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường như Vinataba, Era, Du Lịch, Hòa Bình, Aroma, Sapa, Hoàn Kiếm, Thăng Long, Bông Sen, Blue River, Bastion..; Xây dựng hình ảnh Tổng Công ty cùng thương hiệu Vinataba ngày càng có uy tín trong nước và trên thế giới.

- Công tác xuất khẩu được đẩy mạnh với kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng. Bên cạnh việc xuất khẩu hàng ngàn tấn nguyên liệu thuốc lá mỗi năm, những năm gần đây, sản lượng thuốc lá điếu xuất khẩu tăng dần, năm 2004 đạt trên 400 triệu bao, dự kiến năm 2005 sẽ đạt 453 triệu bao, với kim ngạch trên 40 triệu USD/năm, góp phần giảm bớt sự mất cân đối trong kim ngạch xuất nhập khẩu toàn ngành.

- Đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đầu tư nhiều thiết bị hiện đại của thế giới như dây chuyền vấn điếu Protos 10.000 điếu/phút, dây chuyền đóng bao GD 400 bao/phút, Focke 400 bao/phút, dây chuyền chế biến sợi 4 tấn/giờ với công nghệ trương nở sợi...

- Công tác đào tạo nguồn nhân lực đặc biệt được chú trọng, Tổng Công ty đã cử hàng trăm lượt CBCNV đi học tập, nghiên cứu ở trong và ngoài nước. Vì vậy, Tổng Công ty đã xây dựng được đội ngũ công nhân viên có tay nghề cao, đáp ứng nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

- Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho người lao động tham gia vào quá trình quản lý, điều hành doanh nghiệp. Vai trò của các tổ chức Đảng, đoàn thể được coi trọng, giữ vững sự đoàn kết trong lãnh đạo, CBCNV, để tạo được sức mạnh của tập thể, tiếp tục xây dựng truyền thống tốt đẹp của Tổng Công ty.

- Đảm bảo việc làm và đời sống của người lao động ngày càng được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Điều kiện và môi trường làm việc ngày càng được cải thiện.

- 20 năm qua (từ 1985 – 2005), doanh thu của Tổng Công ty tăng 9.625 lần; nộp ngân sách tăng 3.759 lần; lợi nhuận tăng 3.500 lần; tổng vốn nhà nước tại doanh nghiệp tăng 34,432 lần.

- Quan hệ của Tổng Công ty với các tập đoàn thuốc lá hàng đầu trên thế giới như BAT, Philip Morris, Japan Tobacco, Dimon, Universal, Imperial... được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức hợp tác, liên doanh liên kết, hỗ trợ đào tạo nhân lực...

- Tham gia tích cực chương trình xóa đói, giảm nghèo thông qua mô hình đầu tư phát triển vùng trồng cây thuốc lá tại các tỉnh: Ninh Thuận, Đắc Lắc, Gia Lai, Cao Bằng...

Những định hướng phát triển trong thời gian tới: 

- Xây dựng Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam thành một Tổng Công ty Nhà nước mạnh, tổ chức theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, đa sở hữu về vốn, lấy sản xuất kinh doanh thuốc lá là ngành kinh doanh chính, đồng thời phát triển đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, bảo đảm kinh doanh có hiệu quả, phát huy vai trò nòng cốt đối với một ngành kinh tế-kỹ thuật đặc thù có ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam với thương hiệu Vinataba thành một Tổng Công ty hoạt động có uy tín, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tiến đến hình thành tập đoàn kinh tế mạnh.

- Từng bước tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành công nghiệp thuốc lá. Thực hiện đầu tư chiều sâu, đổi mới máy móc thiết bị, thay đổi kiểu dáng bao bì, mẫu mã tạo ra những sản phẩm có hình thức đẹp, nhằm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm thuốc lá, theo kịp với các nước trong khu vực.

- Tiếp tục tăng cường và phát huy hiệu quả từ các mối quan hệ hợp tác quốc tế, mở rộng đầu tư và liên doanh sản xuất thuốc lá điếu trong nước nhằm thu hút vốn và công nghệ của đầu tư nước ngoài để tăng khả năng cạnh tranh của ngành sản xuất thuốc điếu nội địa trước thuốc lá nhập khẩu, khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ phục vụ chương trình nâng cao chất lượng nguyên liệu và thuốc điếu. Nâng cao trình độ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực sản xuất thuốc lá ngang tầm với trình độ các nước trong khu vực.

- Tập trung đầu tư phát triển nguyên liệu thuốc lá, thực hiện mục tiêu nội địa hóa nguyên liệu theo quy định của Chính phủ, xây dựng được các vùng nguyên liệu chuyên canh có năng suất, chất lượng cao và giá thành hợp lý để thay thế dần nguyên liệu nhập khẩu và đẩy mạnh xuất khẩu.

 Với truyền thống 20 năm xây dựng và trưởng thành, nhờ có đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ, sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Bộ Công nghiệp, các Bộ, Ban, Ngành, Chính quyền trung ương và địa phương, cùng với sự lao động sáng tạo của đội ngũ CBCNV qua nhiều thế hệ, đã đoàn kết, sát cánh cùng lãnh đạo Tổng Công ty thực hiện thành công mọi nhiệm vụ được giao, chúng tôi tin tưởng rằng, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam  sẽ ngày càng phát triển và trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh, góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
  • Tags: