Ngày 19 tháng 8 năm 2015, Chủ tịch nước đã phê chuẩn VN - EAEU FTA. Ngày 27 tháng 7 năm 2016, Ủy ban kinh tế Á - Âu đã có Công thư gửi phía Việt Nam thông báo về việc các nước thành viên của Liên minh kinh tế Á - Âu đã hoàn tất thủ tục trong nước cần thiết để VN - EAEU FTA chính thức có hiệu lực từ ngày 05 tháng 10 năm 2016.
Theo cam kết tại VN - EAEU FTA, về tổng thể hai Bên sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương trên 90% kim ngạch thương mại song phương hiện tại, sẽ là cơ sở để thương mại song phương Việt Nam - LB Nga có thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn thời gian tới. Ngoài ra, hai Bên cam kết gia tăng hợp tác trong nhiều lĩnh vực như phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ, quản lý hải quan, các rào cản kỹ thuật (TBT), các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), mua sắm Chính phủ, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững,... nhằm thuận lợi hóa tối đa thương mại giữa hai Bên.
1. Tác động của VN - EAEU FTA
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2016 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) đạt 3,04 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2015. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 1,77 tỷ USD, tăng 10%, xuất khẩu của EAEU sang Việt Nam đạt 1,27 tỷ USD, tăng 45%. Về tổng thể, Liên bang Nga chiếm khoảng 90% trong tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEU. Những số liệu sơ bộ của 7 tháng đầu năm 2017 cũng cho thấy thương mại giữa Việt Nam và khối EAEU đang tiếp tục tăng trưởng. Ví dụ: thương mại 8 tháng đầu năm 2017 giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã tăng trên 29% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu của Việt Nam tăng 37%, xuất khẩu của Liên minh tăng 18%. Trên cơ sở các số liệu này, trong thời gian qua chắc chắn Hiệp định đã đóng góp cho sự phát triển thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước EAEU.
- Về xuất khẩu của Việt Nam sang EAEU, từ khi VN - EAEU FTA có hiệu lực cho đến cuối tháng 7 năm 2017, Việt Nam đã cấp 9.908 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu EAV (C/O EAV) cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EAEU với tổng kim ngạch đạt 354,3 triệu USD, chủ yếu là dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản, điện thoại và linh kiện. Tuy nhiên, nói chung tỷ lệ sử dụng C/O EAV không cao (khoảng 20%). Các mặt hàng có tỷ lệ tận dụng C/O EAV cao để xuất khẩu sang EAEU bao gồm: giày dép (54,3%), rau quả (59,2%), thủy sản (69,1%), gạo (69,3%), hạt tiêu (75,5%) và dệt may (76,1%).
- Về chiều nhập khẩu từ EAEU, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, từ khi VN - EAEU FTA có hiệu lực cho đến nay, các dòng hàng nhập khẩu áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam có xu hướng tăng. Cụ thể, trong 3 tháng cuối năm 2016, có 25 dòng hàng có kim ngạch nhập khẩu theo Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu EAV với tổng kim ngạch khoảng 44 triệu USD, tương đương khoảng 12% của tổng kim ngạch nhập khẩu từ EAEU. Trong khi đó, trong 7 tháng đầu năm 2017 các con số này đã tăng vọt lên 65 dòng hàng với tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 305 triệu USD, tương đương trên 23%. Các mặt hàng được hưởng lợi chủ yếu là: lúa mỳ (100%), ngô (88%), phân bón các loại (25%), nhựa và các sản phẩm nhựa (29,2%); giấy và các sản phẩm giấy (23,6%), hợp kim nhôm (40,3%); ô tô chở hàng (46,7%);…
Các con số nêu trên khá ấn tượng. Điều này chứng tỏ VN-EAEU FTA đã và đang tạo ra cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng của Việt Nam cũng như 5 nước thành viên EAEU trong việc nhập khẩu và sử dụng hàng hóa nhập khẩu theo Hiệp định này.
2. Phiên họp đầu tiên của UBHH về thực thi VN - EAEU FTA
Ngày 29 tháng 6 năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng phụ trách thương mại Ủy ban Kinh tế Á - Âu đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ủy ban hỗn hợp về thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (UBHH về thực thi VN - EAEU FTA). Trước đó, phiên họp cấp kỹ thuật UBHH về thực thi VN - EAEU FTA đã diễn ra từ ngày 19 - 22 tháng 6 năm 2017 tại Hà Nội.
Hai Bộ trưởng đã đánh giá các kết quả tích cực VN - EAEU FTA đã mang lại trong 7 tháng đầu tiên từ khi có hiệu lực. Theo số liệu của phía Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), thương mại hai chiều đã tăng khoảng 27% so với cùng kỳ trong giai đoạn này. Điều đáng chú ý là kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng đối với không chỉ các mặt hàng đã được cắt giảm thuế quan ngay về 0% từ khi Hiệp định có hiệu lực mà cả mặt hàng đang được cắt giảm thuế quan theo lộ trình.
Phía Việt Nam thông báo thống kê về việc cộng đồng doanh nghiệp đã tận dụng các ưu đãi của VN-EAEU FTA. Cụ thể, để tận dụng các ưu đãi nêu trên của Hiệp định, về phía Việt Nam, 7.657 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu EAV (C/O EAV) đã được cấp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang EAEU với tổng kim ngạch đạt 277,7 triệu USD, chủ yếu là dệt may, giày dép, thủy sản, nông sản, điện thoại và linh kiện. Về phía EAEU, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, từ khi VN - EAEU FTA có hiệu lực cho đến nay, các dòng hàng nhập khẩu áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam có xu hướng tăng. Trong 3 tháng cuối năm 2016, có 25 dòng hàng có kim ngạch nhập khẩu C/O EAV với tổng kim ngạch khoảng 44 triệu USD, tương đương khoảng khoảng 12% của tổng kim ngạch nhập khẩu tử EAEU. Trong khi đó, sang 4 tháng đầu năm 2017 con số này đã tăng vọt lên 65 dòng hàng với tổng kim ngạch nhập khẩu khoảng 173 triệu USD, tương đương trên 22%. Các mặt hàng được hưởng lợi chủ yếu là cá hồi nước ngọt, ngô, phân bón các loại, dầu thực vật, sắt thép, xe tải và một số phương tiện vận tải dùng động cơ diesel,…
Ngoài ra, hai Bên đã thống nhất phương hướng và các hoạt động hợp tác cụ thể cần được thực hiện trong thời gian tới trong các lĩnh vực: thương mại hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, cạnh tranh, phòng vệ thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật,…. Hai Bên cũng thống nhất sẽ phối hợp xây dựng hệ thống chứng nhận và xác minh xuất xứ điện tử và hoàn thành trước cuối năm 2018.
Hai Bộ trưởng thống nhất sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tham vấn trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật trước cuối tháng 8 năm 2017 nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc xuất nhập khẩu nông - lâm - thủy sản và tăng cường trao đổi những mặt hàng này. Ngoài ra, tại phiên họp lần này, đại diện của Nga và Ca-dắc-xtan đã nêu các quan ngại về các chính sách của Việt Nam liên quan đến amiăng trắng của Việt Nam. Trong thời gian tới, phía EAEU sẽ chuyển các tài liệu, nghiên cứu về tác động của amiăng đến sức khỏe con người để phía Việt Nam có thêm cơ sở cho quá trình xây dựng chính sách của ngành vật liệu xây dựng.
3. Các hoạt động dự kiến sẽ được triển khai trong thời gian tới
- Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế Á - Âu và các cơ quan chức năng của các nước thành viên EAEU theo dõi thực thi hiệu quả VN - EAEU FTA. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền kết quả VN - EAEU FTA; giữ kênh thông tin, tham vấn với doanh nghiệp về việc thực thi VN - EAEU FTA để có các biện pháp hỗ trợ kịp thời (hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp, tham vấn với phía Bạn, chuẩn bị cho kỳ rà soát đầu tiên vào cuối năm 2019).
- Thực hiện các nội dung đã được thống nhất tại phiên họp lần này của UBHH về thực thi VN - EAEU FTA.
- Tổ chức Khóa họp thường niên của UBHH về thực thi VN - EAEU FTA và các phiên họp của các Tiểu ban, tổ công tác trực thuộc.
- Tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền để cộng đồng doanh nghiệp hai Bên nắm bắt được thông tin về VN - EAEU FTA, tìm ra và tận dụng các cơ hội Hiệp định này mang lại.
- Ký kết các văn kiện song phương và đa phương, mở cửa thị trường hơn nữa nhằm tạo các điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu.
- Phân tích các dữ liệu liên quan đến tác động của VN - EAEU FTA.