Nhớ lời Bác dạy ngành Công Thương tự lực cánh sinh xây dựng đất nước

Thời gian càng lùi xa, lịch sử càng ghi nhận và nhận thức sáng rõ hơn tầm vóc vĩ đại những lời dạy của Người về định hướng phát triển “Tận tâm giúp giới Công Thương trong công cuộc kiến thiết này”, đã và đang trở thành nguồn động lực mạnh mẽ trong mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương
ngành công thương

Trong những ngày tháng 8 lịch sử hào hùng này, với cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương, “Bác Hồ” - hai tiếng thiêng liêng đã để lại những dấu ấn sâu đậm ngay trong tháng đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Một là, ngày 23 tháng 8 năm 1945, từ chiến khu về, Bác nghỉ tại nhà ông Trịnh Văn Bô, một nhà tư sản thương mại lớn nhất Hà Nội. Tại đây Bác đã soạn ra Bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Hai là, khi mới ra đời, ngân sách Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gần như trống rỗng, kho bạc chỉ còn 1,2 triệu đồng. Là người đứng đầu Chính phủ, lúc đó Bác Hồ trông cậy vào ai? Bác không trông cậy vào viện trợ nước ngoài. Ngày 18/9/1945, Bác mời giới Công Thương đến Phủ Chủ tịch. Bác gọi họ là “các Ngài” và đề nghị đóng góp công sức, tiền của cho chính quyền. Các nhà Công Thương Hà Nội đã là giới chức xã hội đầu tiên được Người tiếp tại Phủ Chủ tịch.

Ba là, tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của giới Công  Thương, ngày 13/10/1945, Bác gửi thư cho giới Công Thương. Bức thư chưa đầy 200 chữ, lời lẽ chân thành, giản dị, nhưng chính là định hướng chiến lược cho sự phát triển của ngành Công Thương hơn 70 năm qua, gồm 5 nội dung sau:

- Người xác định vị trí của giới Công Thương là một bộ phận của khối đại đoàn kết dân tộc, một lực lượng nằm trong Mặt trận Việt Minh, và kêu gọi: “Tôi mong giới Công Thương nỗ lực khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập Công Thương cứu quốc đoàn”.

- Người giao nhiệm vụ cho giới Công Thương phải tự lực cánh sinh trong xây dựng đất nước, không trông chờ vào bên ngoài: “Giới Công Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”.

- Người nhấn mạnh trách nhiệm của các cơ quan công quyền: “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công Thương trong công cuộc kiến thiết này”.

- Người nêu rõ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với việc phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau”.

- Người chỉ ra lợi thế của sức nước, của tinh thần đại đoàn kết dân tộc đối với sự phát triển bền vững: “Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.

Thời gian càng lùi xa, lịch sử càng ghi nhận và nhận thức sáng rõ hơn tầm vóc vĩ đại những lời dạy của Người, đã và đang trở thành nguồn động lực mạnh mẽ trong mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương. Khắc ghi lời dạy của Người về sức nước, về khối đại đoàn kết là cội nguồn cho phát triển và sự trường tồn của dân tộc, hơn 10 năm qua ngành Công Thương đã hòa chung nhịp đập với triệu triệu con tim và khối óc người Việt Nam hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Chính trị Tổ chức thực hiện Cuộc Vận  động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo ra nguồn nội lực bền vững, phát huy được thế mạnh của một đất nước có dân số đứng hàng 14 thế giới.

Thấm nhuần lời dạy của Người tại Hội chợ Triển lãm Công nghiệp năm 1958: “Đồng bào ta nồng nàn yêu nước nên rất muốn dùng hàng của ta sản xuất, nhưng trước nhất người sản xuất phải làm hàng tốt và rẻ”; và quán triệt tinh thần Kết luận số 264 của Bộ Chính trị : “Vận động các doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm”, Bộ Công Thương đã xây dựng các nhóm chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm: (i) Nhóm chương trình hỗ trợ nhằm thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của cộng đồng; (ii) Nhóm chương trình hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; (iii) Nhóm chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam.

Thông qua Chương trình khuyến công quốc gia, Bộ Công Thương đã hướng dẫn các địa phương xây dựng và triển khai thực hiện các đề án khuyến công hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu và các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng sản xuất trong nước.

Đến nay đã hỗ trợ xây dựng trên 1.000 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới, giới thiệu các mô hình cơ sở công nghiệp nông thôn hoạt động sản xuất kinh doanh giỏi, điển hình. Tổ chức các lớp đào tạo đào tạo, tập huấn về khởi sự doanh nghiệp cho 27.150 lượt học viên và tổ chức được 592 đoàn tham quan, khảo sát học tập kinh nghiệm khuyến công, phát triển công nghiệp nông thôn trong và ngoài nước cho 5.272 lượt chủ các cơ sở công nghiệp nông thôn, cán bộ khuyến công, cán bộ quản lý công nghiệp.

Cùng với đó là các khóa đào tạo, tập huấn, hội thảo về nghiệp vụ, kỹ năng xúc tiến thương mại, và hỗ trợ cho doanh nghiệp tạo lập kênh phân phối, hệ thống bán lẻ ở vùng nông thôn, miền núi, biên giới.  Hơn10 năm qua, các địa phương đã tổ chức được gần 2.800 đợt bán hàng về nông thôn với hơn 70.000 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút gần 5 triệu lượt người tới tham quan mua sắm; tổ chức hơn 4.000 hội chợ, triển lãm, thu hút hơn 1 triệu lượt doanh nghiệp tham gia, doanh thu bán hàng là khoảng hơn 35 nghìn tỷ đồng…

Thực hiện nhiệm vụ Người giao cho giới Công Thương phải tự lực cánh sinh trong xây dựng đất nước, ngành Công Thương đã chỉ đạo các biện pháp tăng cường sử dụng thiết bị, máy móc, vật tư, nguyên liệu trong nước. Đến nay Bộ Công Thương đã ban hành danh mục sản phẩm, máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước đã sản xuất được gồm trên 300 sản phẩm, nhóm sản phẩm và danh sách hơn 2.000 doanh nghiệp trong cả nước đã sản xuất được. Nhiều đơn vị đã đưa nội dung sử dụng hàng hóa trong nước sản xuất được vào công tác xây dựng kế hoạch hàng năm, tích cực đầu tư và phát triển sản phẩm để cung cấp trong nước, thay thế nhập khẩu và tham gia đấu thầu các dự án... đã đăng ký vào Danh mục do Bộ Công Thương ban hành.

Gần 80 năm qua, định hướng chiến lược của Người “Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công Thương trong công cuộc kiến thiết này” đã truyền cảm hứng và đặt nền móng cho việc xây dựng một mẫu hình cán bộ, công chức, viên chức mới. “Tận tâm” là sự minh bạch, chính trực thực thi công vụ trong môi trường Chính phủ kiến tạo.  “Tận tâm” tạo ra phong cách lãnh đạo mới, phương thức quản lý mới theo hướng không chỉ kiểm tra, giám sát, mà chủ yếu là mở ra những hành lang, những không gian kết nối, nhằm bắt kịp những xu hướng phát triển mới - nơi mọi người dân và doanh nghiệp đều sẵn lòng bỏ vốn “Xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”.

Đi cùng với thế hệ cán bộ, công chức, viên chức mới, phong cách lãnh đạo mới là đội ngũ doanh nhân được hỗ trợ bởi một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả đã ngày càng tự tin, sẵn sàng chủ động hình thành các mắt xích trong liên kết, hợp tác - phương thức cơ bản để hình thành và làm sâu sắc hóa mối quan hệ biện chứng giữa hội nhập và phát triển - dòng chủ lưu trong thế giới hiện nay.

Những hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động của ngành Công Thương hơn 10 năm qua đã góp phần làm nên diện mạo mới: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, lạm phát được kiểm soát, thặng dư trong cán cân thương mại; hàng Việt chiếm tỷ lệ áp đảo tại các kênh phân phối hiện đại và truyền thống, lan tỏa vào hệ thống siêu thị của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á, châu Úc, Trung Đông…

Thành tích đó trước hết thuộc về những người công nhân, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Công nghiệp và Thương mại, đồng thời là kết quả của việc phát huy được trí tuệ, sức mạnh của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành thực hiện lời dạy của Bác trong định hướng chiến lược “Tận tâm giúp giới Công Thương trong công cuộc kiến thiết này” và triển khai có hiệu quả  Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Những thành tựu cơ bản trong 10 năm (2009-2019) thực hiện Cuộc vận động  “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngành Công Thương

  1. Cuộc vận động góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, đảm bảo cân đối cung cầu nhanh chóng và phát triển ngành Công Thương.
  2. Hàng Việt chiếm tỷ lệ cao tại các các kênh phân phối và hệ thống bán lẻ hàng Việt hiện đại mở rộng nhanh chóng

Tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị trong nước duy trì ở mức cao: Co.opmart (90-93%), Satra (90-95%), Vissan (95%), Hapro (95%), Vinmart (63% theo mã hàng)...Theo báo cáo năm 2018 của các doanh nghiệp phân phối, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ siêu thị nước ngoài chiếm từ 60% đến 96%, cụ thể: Lotte (82% theo doanh thu và 84% theo số lượng mặt hàng), Big C (96% theo doanh thu), AEON (80% theo mã hàng), Auchan (65% theo mã hàng), MegaMarket (95% theo mã hàng )... Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.

  1. Góp phần phát triển kinh tế thương mại địa phương cho hàng Việt Nam.

Tổ chức các Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa trong nước, tạo ra không gian giao lưu để các doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp sản xuất hợp tác, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nước, đặc biệt là các nông sản, đặc sản của các địa phương tại thị trường trong nước.

  1. Nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp bằng đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ

Doanh nghiệp không ngừng cải tiến và ứng dụng KHCN, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng; và chủ động tạo mối liên kết hữu cơ trong cộng đồng doanh nghiệp, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm Việt Nam. Từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay chúng ta có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.

  1. Thông điêp “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được lan tỏa mạnh mẽ, trở thành hành động trong mọi tầng lớp nhà sản xuất, người tiêu dùng

 - Thông qua Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên Tự hào hàng Việt Nam được tổ chức đã tiếp cận tới hàng triệu người dân trên cả nước.

- Hàng chục ngàn bài viết, nội dung tuyên truyền về Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam và Tự hào hàng Việt Nam được đưa tin trên các kênh truyền thông hiện đại, tiếp cận tới hàng triệu lượt người xem. Nội dung tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp sản xuất tích cực hướng về thị trường nội địa, đến những vùng nông thôn, miền núi và cung cấp thông tin về hoạt động và các sản phẩm có chất lượng của các doanh nghiệp trong nước để người tiêu dùng lựa chọn

-  Các hoạt động, thông tin cổ động tuyên truyền về Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được truyền thông liên tục, thường xuyên trên các hệ thống báo chí, truyền hình trung ương và địa phương. Đặc biệt là trên các trang web, bản tin của các Sở, ban ngành, các doanh nghiệp.

  1. Các chương trình, đề án Bộ Công Thương chủ trì thực hiện đạt được những kết quả nổi bật, hỗ trợ cho Cuộc vận động

 - Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014-2020 được phê duyệt theo Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020” được phê duyệt theo Quyết định số 23/2010/QĐ-TTg ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia được phê duyệt tại Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chương trình Khuyến công quốc gia đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1288/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2014.

- Chương trình Thương mại điện tử quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2014.

- Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Phùng Bình Phương