Họ là những lao động tỉnh lẻ chịu sự quản lý của cai thầu, sống nhếch nhác, tạm bợ trong những túp lều lụp sụp, ngày ngày quần quật trên những giàn giáo chênh vênh. Những ngôi nhà mới, sang trọng mọc lên đều có công sức của phu hồ, nhưng mấy ai nhớ và biết đến sự vất vả của họ.

Phu hồ... cực lắm ai ơi

Với tốc độ đô thị hoá chóng mặt như hiện nay, Hà Nội có hàng trăm công trình lớn nhỏ đang xây dựng, kéo theo nó là hàng nghìn phu hồ phục vụ. Họ có sức khoẻ và thành thạo trong việc xây dựng được cai thầu gom về từ những vùng quê khác nhau: Hiệp, quê ở Vũ Thư - Thái Bình, một thợ cả đang làm ở Khu đô thị Đại Kim Hà Nội tâm sự: "Em ra Hà Nội được 2 năm rồi, ở quê việc ít, phải ra đây làm thuê kiếm ít tiền gửi về cho mẹ con nó. Mệt lắm anh ạ, làm thợ cả như em ngày công cũng chỉ được 20 nghìn đồng”. Nhìn đường bay thành thạo biết anh là thợ giỏi, tôi liền hỏi: "Sao anh không rủ bạn bè mà thành lập một nhóm chủ thầu?". Hiệp thở dài: "Cái cảnh ăn đấu làm khoán như bọn em sao mà dám nghĩ tới việc thầu với khoán". "Sao không làm cho các công trình nhà nước có hơn không?". Hiệp cười và bảo: "Làm cho công ty nhà nước lằng nhằng lắm, phải qua tuyển chọn, hồ sơ nọ, hồ sơ kia, quen biết thì mới xin được, với lại, cứ động đến giấy tờ, dấu má là bọn em đã ngán rồi. Dân cửu vạn bọn em chỉ có nước tìm ông cai thầu còm còm nào rồi đầu quân là chắc ăn hơn". Tôi hiểu cách nghĩ dè dặt và đơn giản của Hiệp. Nhưng thực tế tiếp xúc với các phu hồ ở những công trình xây dựng tư nhân mới biết, cai thầu cũng có luật của cai thầu, đã đầu quân là phải tuân lệnh, gật đầu là làm, ngày làm 8 tiếng, nhưng nhiều khi phải làm thêm 3-4 giờ không công với lý do để kịp mai đổ bê tông, xi măng để qua ngày sẽ hỏng, cố tý nữa mai nghỉ bù… Phu hồ phải "thành thạo" từ A tới Z. Thợ cả phải biết xây tường, ốp lát, làm hoa văn... thợ hồ thì phải biết sàng cát, trộn bê tông, đánh si, bốc gạch... ngoài ra, lúc cần cũng phải biết cầm bay mà trát. Làm cho công trình tư nhân phu hồ cứ quay như chong chóng, hết gạch rồi đến vữa, chân tay lúc nào cũng xây xước, trai cứng.

Công việc cực nhọc, nhưng ăn, ở sinh hoạt của phu hồ còn cực hơn nhiều. Theo chân Hiệp, tôi vào một cái lán lụp xụp, nhếch nhác được căng tạm bợ bằng bạt ni lông. Cái lán kê vài mảnh gỗ cốp pha nối liền nhau, nhưng đó là chỗ ngủ của hơn hai chục người. Hiệp cười và giới thiệu: ăn ở đều tại đây hết, dân cửu vạn như bọn em chỉ cần cơm no là được. Đi làm về rửa chân tay qua loa rồi vào ăn cơm chứ tắm rửa làm gì cho mệt, mai lại làm mà. Tôi nhìn vào cái bể nước gần lán, nghĩ mà xót thương cho phu hồ. Nước giếng khoan chưa lọc, chủ khoan để vừa để lấy nước trộn, rửa vật liệu vừa cho cửu vạn sinh hoạt.

Do tính chất của công việc mà phu hồ phải dãi nắng, dầm mưa cheo leo trên các giàn giáo, lại còn bị các tai nạn như bị điện giật, bị gạch rơi vỡ đầu… luôn rình rập. Còn chuyện dập tay, mất ngón chân, u đầu, chảy máu thì xẩy ra như cơm bữa. Ngó vào tủ thuốc của một công trường xây dựng chỉ thấy lèo tèo vài thứ bông, băng, ít thuốc cầm máu, còn lại vài thứ thuốc khác đã hết hạn sử dụng, mủn ra như bột sắn mốc gặp trời mưa. Không có bảo hiểm nên mọi rủi ro phu hồ phải chịu. Gặp chủ thầu nhân đạo thì giúp chút ma chay, còn không thì gia đình phải lo tất. Hiệp rầu rĩ kể: "Năm ngoái, bọn em làm công trình trên đường Nguyễn Khang, thằng Hưng quê ở Nông Cống, Thanh Hoá sơ ý bị điện giật chết, chủ thầu tính bài lờ. Thương tình, chúng em mỗi đứa góp một chút ma chay cho nó. Thằng Hưng nó sống tốt với anh em lắm, 20 này là đến giỗ đầu của nó đấy". Tôi đem chuyện này hỏi một chủ cai thầu, anh ta tỏ vẻ dằn vặt: "Thương anh em lắm, nhưng mà ai thương bọn tôi? Chúng tôi chỉ thuê lao động chứ không đủ năng lực để chịu trách nhiệm về những rủi ro, tai nạn của họ".

Dẫu là một công việc đầy rẫy những rủi ro, tai nạn, vất vả, nhưng thợ phu hồ nào cũng mong sao có việc thường xuyên. Với họ, chỉ có một điều đơn giản là có việc thì no, không việc thì đói. Xem ra, ước mơ nhỏ nhoi ấy của họ cũng khó thực hiện…/.

  • Tags: