Giá gạo xuất khẩu giảm hai ngày liên tiếp
Theo dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến chiều ngày 7/9, giá gạo xuất khẩu khu vực châu Á tiếp tục giảm ngày thứ hai liên tiếp sau thời gian tạm chững lại. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan giảm 10 USD/tấn, xuống mức 618 USD/tấn. Đồng thời, giá gạo xuất khẩu 25% tấm của nước này giảm 12 USD/tấn, xuống còn 563 USD/tấn. Đây đều là những mức giảm mạnh nhất trên thị trường gạo khu vực châu Á.
Đối với Pakistan, giá gạo xuất khẩu 5% tấm và 25% tấm của nước này cùng giảm 5 USD/tấn, lần lượt còn 608 USD/tấn và 538 USD/tấn.
Tương tự, giá gạo xuất khẩu 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam đồng loạt giảm 5 USD/tấn, lần lượt còn 628 USD/tấn và 613 USD/tấn. Tuy nhiên, tại mức giá này, gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn đang có giá cao nhất thế giới.
Trước đó, trong ngày 6/9, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã điều chỉnh giảm 10 USD/tấn, còn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan giảm 5 USD/tấn. Như vậy, chỉ sau 2 ngày, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan đã giảm từ 15 – 17 USD/tấn.
Nhu cầu từ Philippines chậm lại khiến giá gạo xuất khẩu “hạ nhiệt”
Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết giá gạo xuất khẩu Việt Nam nói riêng và các nước xuất khẩu gạo lớn nói chung chịu áp lực giảm khi Philippines, quốc gia nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới, quyết định áp giá trần bán lẻ gạo, khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo Philippines giảm đáng kể, thậm chí có nguy cơ thua lỗ nếu nhập khẩu gạo giá cao. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp Philippines xin huỷ hoặc giãn tiến độ thực hiện các hợp đồng nhập khẩu gạo để chờ diễn biến mới của thị trường nước này.
Ngày 31/8, Philippines đã ban hành sắc lệnh về việc áp trần giá gạo bán lẻ tại Philippines. Theo đó, mức giá bán tối đa là 41 Peso Philippines (tương đương 0,72 USD)/kg đối với loại gạo xay xát thông thường, và tối đa là 45 Peso đối với loại gạo xay xát kỹ. Trong khi đó, ước tính các doanh nghiệp nhập khẩu gạo tại Philippines sẽ cần giá bán lẻ đạt mức trên 50 Peso thì mới có thể hoà vốn, sau khi trừ đi giá vốn hàng nhập, chi phí vận chuyển, bảo hiểm và phân phối.
Theo dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Philippines, trong thời gian qua, giá bán lẻ gạo xay xát thông thường và loại gạo xay xát kỹ tại nước này đã lần lượt tăng 34% và 24% so với mức giá trần vừa được công bố. Điều này gây áp lực lớn lên tình hình kiểm soát lạm phát tại Philippines, buộc nước này phải áp đặt giá trần bán lẻ gạo. Đồng thời, giới chức Philippines cũng cho biết sẽ tiến hành kiểm tra các kho gạo tại nước này để ngăn chặn tình trạng đầu cơ và nhập lậu gạo.
Philippines là một trong những đối tác nhập khẩu gạo truyền thống của Việt Nam. Tính chung 7 tháng đầu năm nay, Philippines đã nhập khẩu 1,94 triệu tấn gạo từ Việt Nam, chiếm gần 40% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước ta. Giá xuất khẩu gạo trung bình sang Philippines đạt hơn 508 USD/tấn, tăng gần 9% so với mức giá trung bình cùng kỳ năm trước.
Ngày 7/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos Jr. đã nhất trí sớm trao đổi và ký kết một hiệp định liên Chính phủ về hợp tác thương mại gạo để cùng nhau bảo đảm các mục tiêu về an ninh lương thực trước những biến động phức tạp của chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp, mặc dù nhu cầu từ Philippines có thể chậm lại khiến giá gạo xuất khẩu tạm thời “hạ nhiệt” nhưng nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia khác vẫn ở mức cao, do đó giá gạo xuất khẩu được kỳ vọng sẽ còn neo cao, thậm chí có thể tăng trở lại.