Kết thúc quý 2/2024, Công ty Cổ phần Nhựa An Phát Xanh (mã cổ phiếu AAA - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 2.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ giá vốn hàng bán giảm với tốc độ nhanh hơn, lãi gộp của doanh nghiệp nhựa này đã tăng 52% trong kỳ, đạt 358 tỷ đồng. Ban lãnh đạo Nhựa An Phát Xanh cho biết, giá hạt nhựa ổn định tạo điều kiện thuận lợi cho cả hoạt động sản xuất lẫn thương mại của công ty, giúp lãi gộp tăng so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện mạnh, từ 8,4% của quý 2/2023 lên 12,9% - mức cao nhất trong 21 quý trở lại đây.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh và thuế, Nhựa An Phát Xanh ghi nhận gần 120 tỷ đồng lãi ròng, tăng 182% so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Nhựa An Phát Xanh ghi nhận doanh thu đạt hơn 5.700 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng lãi ròng đạt 254 tỷ đồng, tăng 164% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mức cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của công ty, chỉ sau 346 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019.
Như vậy, Nhựa An Phát Xanh đã hoàn thành 48% kế hoạch doanh thu và 67% mục tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm nay.
Tính đến cuối quý 2/2024, tổng tài sản của Nhựa An Phát Xanh đạt khoảng 12.200 tỷ đồng. Trong đó, các khoản tiền, tương đương tiền và đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn khoảng 3.500 tỷ đồng, chiếm 29% tổng tài sản.
Dữ liệu cũng cho thấy công ty đã đẩy mạnh hoạt động đầu tư trong thời gian qua với việc chi 394 tỷ đồng để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và các tài sản dài hạn khác, cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện một số hãng chứng khoán nhận định triển vọng kinh doanh của Nhựa An Phát Xanh sẽ tiếp tục ở mức tích cực trong thời gian tới khi mảng sản phẩm nhựa bao bì, hạt nhựa phụ gia, và thương mại hạt nhựa tăng tốc nhờ nhu cầu hồi phục.
Đồng thời, công ty đẩy mạnh bàn giao đất cho khách hàng tại Khu công nghiệp An Phát 1. Mặc dù mới đi vào hoạt động trong năm 2023, khu công nghiệp này đã đạt tỷ lệ lấp đầy lên đến 85% tính đến tháng 5/2024.
Đáng chú ý, Nhựa An Phát Xanh đang tập trung phát triển Nhà máy sản xuất nhựa và sản phẩm từ nhựa (Dự án Nhà máy số 8) tại tỉnh Hải Dương. Nhà máy này có quy mô vốn đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động trước ngày 31/5/2025.
Với sản phẩm mũi nhọn là sàn nhựa SPC và LVT nhằm phục vụ cho thị trường trọng điểm là Mỹ, dự án này được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng kinh doanh mới, theo Nhựa An Phát Xanh.
Ván sàn SPC là dòng sản phẩm mới trên thế giới, sở hữu nhiều điểm ưu việt có thể thay thế các loại ván sàn truyền thống. Tại thị trường Mỹ, nhu cầu sử dụng ván sàn SPC ngày càng tăng trong những năm vừa qua khi tỷ trọng tiêu thụ ván sàn SPC trong giai đoạn 2019 - 2023 tăng từ 3,9% lên 13%.
Trong khi đó, nguồn cung tại thị trường này trong thời gian tới dự kiến không nhiều khi nguồn hàng chủ yếu từ Trung Quốc bị đánh thuế 25% từ tháng 1/2019, và có thể tăng lên trong đợt áp thuế vào tháng 8 tới đây của Mỹ. Điều này góp phần giúp củng cố năng lực cạnh tranh của ván sàn SPC có xuất xứ từ Việt Nam.
Các ước tính sơ bộ cho thấy khi Nhà máy số 8 đi vào hoạt động tối đa công suất có thể giúp Nhựa An Phát Xanh thu về thêm hơn 1.300 tỷ đồng doanh thu hàng năm.