Nhựa Tiền Phong (NTP): Lãi quý 2 tăng vọt, đã hoàn thành 75% kế hoạch lợi nhuận cả năm

Kết thúc quý 2 vừa qua, Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong, mã cổ phiếu NTP) ghi nhận lãi ròng tăng 87,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhựa Tiền Phong
Nhựa Tiền Phong đã hoàn thành 75% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay chỉ sau 6 tháng.

Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Nhựa Tiền Phong, mã cổ phiếu NTP - sàn HNX) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 2/2024 với doanh thu thuần đạt 1.680 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp tăng 63%, đạt 553 tỷ đồng. Qua đó, giúp biên lợi nhuận gộp tăng thêm 5 điểm phần trăm, đạt 33%.

Về chi phí, chi phí bán hàng tăng 56% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 205 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ, còn 52 tỷ đồng.

Kết quả, Nhựa Tiền Phong ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 2/2024 đạt 284,5 tỷ đồng, tăng 87,5% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Nhựa Tiền Phong thu về 2.629 tỷ đồng doanh thu và 415 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 4% và 44,6% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó, hoàn thành gần 50% kế hoạch doanh thu và 75% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.

Đánh giá về triển vọng kinh doanh năm nay, ông Trần Ngọc Bảo - Phó Tổng giám đốc tài chính Nhựa Tiền Phong cho biết, hiện giá bán các nguyên vật liệu chính như bột PVC, hạt HDPE, hạt PPR đang neo ở mức thấp và khó có thể tăng cao như giai đoạn cuối năm 2021. Do đó, khả năng tăng doanh thu nhờ tăng giá bán sẽ rất thấp.

Nếu giá nguyên vật liệu chính tiếp tục duy trì như hiện tại, công ty có thể phải hạ giá bán trong thời gian tới để thích nghi với thị trường, ông Trần Ngọc Bảo nói.

Giá cổ phiếu NTP Nhựa Tiền Phong
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu NTP của Nhựa Tiền Phong từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Nhựa Tiền Phong (NTP): Giá bán đang thấp hơn tới 17% so với đối thủ, mở rộng sang mảng giáo dục" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Tại ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Nhựa Tiền Phong đạt 5.596 tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng đạt 2.126 tỷ đồng, tăng 48%; các khoản phải thu ngắn hạn giảm 37%, còn 562 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 16%, còn 969 tỷ đồng.

Về phần nguồn vốn, tính đến cuối quý 2/2024, nợ phải trả của Nhựa Tiền Phong đạt 2.318 tỷ đồng, tương đương với hồi đầu năm. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn là 948 tỷ đồng, giảm 44%; người mua trả tiền trước ngắn hạn đạt 791 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ ở mức 10,5 tỷ đồng.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu tại thời điểm kết thúc quý 2/2024 đạt 3.278 tỷ đồng, với 1.296 tỷ đồng vốn góp từ chủ sở hữu. Hiện cổ đông lớn nhất tại Nhựa Tiền Phong là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với 37,1% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, theo công bố mới đây của SCIC, đơn vị này có kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại Nhựa Tiền Phong theo danh sách thoái vốn nhà nước đợt 2 năm 2024 với 31 doanh nghiệp.

Duy Quang