Những bất cập cần sớm giải quyết

Trong khi hàng triệu người lao động (có BHYT) vẫn phải bỏ tiền túi ra để mua thuốc và khám chữa bệnh (KCB), thì năm 2003, quỹ BHYT Việt Nam đã kết dư tới hơn 1.000 tỉ đồng. Tôi vẫn nghe người ta nói v

Nộp bảo hiểm đủ nhưng...
Nộp bảo hiểm đủ, nhưng chẳng được hưởng lại là bao; nộp bảo hiểm đủ nhưng việc KCB định kỳ cho CNLĐ, doanh nghiệp vẫn phải chi tiền. Đó là thực tế mà các doanh nghiệp đều phải chấp nhận. Theo TCT Xây dựng công nghiệp  Việt Nam thì mỗi năm, TCT đóng góp cho BHXH và BHYT hơn chục tỉ đồng, năm 2003 là 15,6 tỉ, trong đó, riêng BHYT là hơn 2 tỉ. Thế nhưng, có tới hơn 60% CNLĐ của TCT phải làm việc phân tán, lưu động tại các công trình xây lắp trải dài trên toàn quốc. Và số lao động này hoàn toàn không được KCB tại nơi họ công tác mà phải lặn lội hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cây số về nơi mua bảo hiểm để khám, điều mà không dễ gì người lao động có thể làm, nếu không muốn nói là không thể làm được. Ông Hoàng Văn Hợp, Chủ tịch Công đoàn TCT Xây dựng công nghiệp Việt Nam cho biết, mặc dù rất thương CNLĐ phải làm việc vất vả nặng nhọc tại những nơi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhưng doanh nghiệp cũng không thể bố trí cán bộ y tế theo cùng công nhân trên công trường được, thậm chí, để trang bị một tủ thuốc với những loại thuốc đơn giản nhất như nhức đầu, sổ mũi, bông băng, thuốc chữa bỏng... cũng phải trên trăm công nhân mới có được, chứ vài chục người thì cũng chịu.
Không là ngoại lệ, Lâm trường Thanh Hòa, thuộc Công ty Giấy Bãi Bằng (TCT Giấy Việt Nam) với 80 CBCNV, mỗi năm, Lâm trường đóng bảo hiểm khoảng 150 triệu đồng, trong đó riêng BHYT là 13 triệu. Nhưng CNLĐ của Lâm trường được chia làm 6 đội trồng rừng, đội gần nhất cách trụ sở Lâm trường 7 km, đội xa nhất cách 35 km (giáp Yên Bái), để về được nơi Lâm trường đăng ký mua bảo hiểm cho người lao động là cả một vấn đề nan giải. Tiền xe ôm, công xá đi lại từ trong rừng ra đến thị xã còn cao hơn cả giá trị tiền thuốc mà bảo hiểm trả cho họ sau khi KCB. Và hàng năm, Lâm trường vẫn phải bỏ ra thêm khoảng 30.000đ/người để mời cán bộ y tế từ chính những nơi mua bảo hiểm đến KCB định kỳ cho CNLĐ của mình. “Điều này thật phi lý. Việc đó đáng lẽ ngành Bảo hiểm phải làm, thế nhưng chúng tôi vẫn phải chi tiền vì thương anh em không có điều kiện chăm lo cho sức khỏe của chính mình”, ông Lê Hải Đăng - Giám đốc Lâm trường đã bức xúc nói. Còn ông Nguyễn Xuân Lợi - Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty Giấy Bãi Bằng thì kết luận: “Thực ra, BHYT chỉ phát huy tác dụng với những người bị bệnh nặng, phải nằm viện dài ngày, chứ với KCB thông thường thì không có hiệu quả”. Nghe ra thật buồn, nhưng ngẫm kỹ thì thấy đúng - thế mới càng buồn hơn.
Thủ tục nhiêu khê và không thống nhất
Trừ những trường hợp vào viện trong tình trạng cấp cứu, thì thủ tục chuyển bảo hiểm có lẽ là dễ nhất, còn lại hầu hết đều rất khó khăn. Phác thảo sơ đồ chuyển viện của một bệnh nhân tại Lâm trường Thanh Hòa như sau: Lâm trường viết giấy giới thiệu bệnh nhân đến Trung tâm Y tế Hạ Hòa. Từ Hạ Hòa viết giấy chuyển viện lên Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, rồi chuyển tiếp lên Bệnh viện Đa khoa Việt Trì, cuối cùng mới chuyển về Bệnh viện Trung ương. Mỗi nơi nhanh nhất vài tiếng thì cũng phải 2 ngày mới hoàn thành thủ tục (vì chỉ làm việc trong giờ hành chính). Còn chậm phải mất vài ngày, vì không phải lúc nào cũng gặp ngay được người có thẩm quyền giải quyết (nghe mà thấy hãi). Thế nên, với những ca bệnh nặng, chờ được thủ tục chuyển bảo hiểm về bệnh viện trung ương, khéo người cũng chẳng còn. Và tốt nhất là “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, cứ xì tiền ra rồi thanh toán bảo hiểm sau, được đến đâu thì được, khó quá thì bỏ, còn người là còn của.
Anh Chu Văn Vinh - công nhân đội 1 Lâm trường Thanh Hòa là một ví dụ điển hình. Cuối tháng 12/2003, anh Vinh xuống Hà Nội chơi. Tại đây, anh bị đau bụng và vào khám tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ chẩn đoán anh bị gan phải nằm điều trị một thời gian. Bệnh viện yêu cầu anh phải chuyển bảo hiểm từ Trung tâm Y tế Hạ Hòa về Bạch Mai, nếu không, anh phải chịu hoàn toàn viện phí. Từ đội sản xuất của anh ra Lâm trường 7 km, từ Lâm trường về Phú Thọ 80 km và từ Phú Thọ về Hà Nội gần hai trăm km nữa, đường sá lại rất khó đi. Vợ anh không biết đi xe máy nên phải bắt xe ôm, xe khách. Thủ tục bảo hiểm thì không phải một lần đủ ngay. Đi lại vất vả tốn kém quá, vợ chồng anh đành bỏ không chuyển được bảo hiểm. Một tuần nằm viện, anh vay của bạn bè hơn 2 triệu đồng để chi tiêu thuốc men, ăn ở, đi lại. Trường hợp của anh có thể nói là “trồng rừng 10 năm, thiêu 1 tuần”. Nhưng cay đắng hơn là “tôi đã đóng bảo hiểm đầy đủ 29 năm nay, đến lúc cần đến nó, thì tôi lại bó tay vì thủ tục quá phức tạp”, anh Vinh đã nói như vậy. Với mức lương 900.000đ/tháng nuôi cả nhà như anh, biết đến bao giờ mới trả nổi món nợ kia.
Theo chị Quỳnh Nga - Phụ trách vấn đề bảo hiểm của Lâm trường Thanh Hòa, thủ tục thanh toán bảo hiểm mỗi bệnh viện mỗi khác, mỗi nơi lại có quy định riêng, thành ra, khi hướng dẫn người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm, chị gặp rất nhiều khó khăn. Giá như có một qui định thống nhất bằng văn bản, muốn thanh toán bảo hiểm phải gồm những giấy tờ gì để chị phổ biến cho người lao động, thì sẽ đỡ phức tạp hơn rất nhiều. Nhiều khi, người lao động phải đi lại nhiều lần mới chạy đủ giấy tờ bảo hiểm theo yêu cầu, đi lại tốn kém đã đành, thời gian công sức cũng không phải ít, nên dễ hiểu vì sao, chẳng ai muốn đi KCB bằng bảo hiểm cho mệt, mặc dù biết đó là quyền lợi chính đáng.
Chưa kể, cho đến tận 8/3/2004, tôi mới nhận được tấm thẻ BHYT của năm 2004 (cũng thuộc vào loại được lĩnh sớm). Như thế có nghĩa là, những người nào ốm đau hay có nhu cầu KCB vào giai đoạn từ 1/1/2004 đến 7/3/2004 còn phải thêm một công đoạn nữa là lấy giấy của bảo hiểm xác nhận đã đóng BHYT, đang chờ cấp thẻ, nghĩa là thêm tốn kém chi phí đi lại, mất thời gian chờ đợi để được giải quyết...
Thẻ bảo hiểm phải có giá trị trên toàn quốc
Về tình trạng BHYT như hiện nay, không riêng gì TCT Xây dựng công nghiệp Việt Nam, các lâm trường trồng rừng, mà cả các ngành khác như địa chất, xây lắp, giao thông... đều bị vướng vì có nhiều lao động phân tán, lưu động. Các ngành này đều có chung ý kiến, nên coi thẻ bảo hiểm như một tấm giấy thông hành mà người có thẻ có thể KCB ở bất kỳ bệnh viện nào thuận lợi nhất cho điều kiện công tác, sinh hoạt của họ.
Đưa ra ý kiến này, ngành Bảo hiểm có thể phản bác cho rằng, nếu như vậy sẽ xảy ra tình trạng, số người kéo về KCB tại các bệnh viện lớn sẽ tăng, gây tình trạng quá tải. Nhưng thực ra, con số này không nhiều, vì chỉ những người bệnh thực sự nặng, hoặc những người nhiều tiền mới có thể lui tới những bệnh viện lớn, bởi “chân đi, miệng đi”, ngoài người ốm, còn phải có người nhà đi theo chăm sóc, đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ tốn kém biết bao nhiêu mà kể, người lao động bình thường làm sao có khả năng để đi về những thành phố lớn.
Bên cạnh đó, cần trích lại một tỉ lệ phần trăm nhất định (đề nghị 0,5%) để khôi phục mạng lưới y tế cơ sở, nhằm xử lý những bệnh đau ốm thông thường, người lao động đỡ phải cất công đến bệnh viện. Khi có quỹ này, doanh nghiệp có thể trang bị thêm tủ thuốc đến các đội sản xuất, nơi không có điều kiện để cán bộ y tế đi cùng, anh em có thể tự chữa những loại bệnh đơn giản. Theo ông Hoàng Văn Hợp - Chủ tịch Công đoàn TCT Xây dựng công nghiệp thì, khi được quản lý quỹ này, phần kết dư do quản lý tốt, doanh nghiệp có thể phụ thêm vào để tăng cường công tác phục hồi sức khỏe cho người lao động. Điều đó chỉ làm tăng năng suất lao động, chứ chẳng tốn kém hơn là bao nhiêu. Còn ông Lê Hải Đăng - Giám đốc Lâm trường Thanh Hòa thì phân tích, một người bị cảm thường, nếu có thuốc họ vẫn có thể đi làm, nhưng do không có, họ xin giấy phép y tế nghỉ 3-5 ngày. Những ngày đó, BHXH phải trả lương, số tiền này còn lớn gấp nhiều lần số tiền thuốc nếu chi cho người lao động lúc ban đầu. Lợi bất cập hại là thế.
Một điều băn khoăn nữa là, ngành Bảo hiểm phải có qui định cho người mua bảo hiểm đương nhiên được hưởng KCB định kỳ tổng thể sức khỏe ít nhất một lần/năm, để phát hiện bệnh kịp thời, đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Muộn còn hơn không, thiết nghĩ, đây là những kiến nghị hết sức chính đáng mà ngành Bảo hiểm cần sớm xem xét giải quyết để bảo hiểm thực sự cần thiết cho người lao động chứ không phải là một thứ “nợ”, mất tiền mua còn mang cái bực vào thân khi sử dụng. Để tâm lý, dùng thẻ bảo hiểm sẽ bị phân biệt đối xử không còn tồn tại trong mỗi người Việt Nam khi đi khám bệnh.

  • Tags: