“Khoan sức dân” phục hồi sản xuất
Mới đây tờ Nikkei phiên bản châu Á đưa ra nhận định rằng, sóng gió đang đến với phần lớn châu Á, nhưng Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều hơn cả, bởi Mỹ và châu Âu là những khách hàng lớn nhất. Tờ báo này nói thêm: “Đơn hàng nước ngoài đối với Việt Nam có dấu hiệu chậm lại từ tháng 10 năm ngoái do kinh tế Mỹ và nhiều nước phương Tây gặp khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu”. Một thông tin khác từ báo cáo của Oxford Economics cũng đề cập đến tình trạng xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm: “Rủi ro suy thoái toàn cầu có thể ảnh hưởng đến đơn đặt hàng của các nhà máy - huyết mạch của nền kinh tế Việt Nam”.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital, ông Michael Kokalar giải thích hiện tượng này như sau: Tỷ lệ thương mại quốc tế trên GDP của Việt Nam cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong lịch sử hiện đại (ngoại trừ các quốc gia nhỏ như Singapore), vì vậy nhu cầu sụt giảm ở phần còn lại của thế giới gây áp lực khá lớn lên nền kinh tế Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Công Thương, ngành bao quát đến trên 70% GDP cả nước đã có những bước đi mạnh mẽ và quyết đoán trên tinh thần “khoan sức dân”. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3/3/2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sau khi đánh giá tình hình kinh tế 2 tháng đầu năm, đã đưa ra một số đề xuất và kiến nghị. Cụ thể: Để tăng cường sức mua nhằm phục hồi thị trường ô tô, duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phối hợp nghiên cứu, tiếp tục trình ban hành chính sách gia hạn thời hạn nộp Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2023. Đến ngày 4/4/2023, Bộ Tài chính có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái. Tại báo cáo này, Bộ Tài chính đã đề xuất gia hạn 4 tháng thuế TTĐB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; dự kiến số thuế gia hạn khoảng hơn 11 nghìn tỷ đồng.
Một đề xuất khác là Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách điều hành tín dụng sao cho nguồn vốn tín dụng chảy vào khu vực sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt là khu vực chế biến, chế tạo để tiếp sức cho doanh nghiệp; Xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay đối với sản xuất và tiêu dùng để kích thích nhu cầu mua sắm của người dân. Đến ngày 14/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định điều chỉnh một số mức lãi suất điều hành bằng 2 quyết định. Với Quyết định số 313/QĐ-NHNN, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; và Quyết định số 314/QĐ-NHNN, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
Tiếp đó, ngày 31/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành 5 quyết định, từ số 574/QĐ-NHNN đến 578/QĐ-NHNN, điều chỉnh giảm lãi suất tái cấp vốn từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm.
Cũng trong phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3/3, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu quan điểm, thị trường bất động sản suy giảm và nhu cầu thế giới giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan như: ngành thép, vật liệu xây dựng, cơ khí… Ngày 11/3, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP, đặt mục tiêu: Tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự, thủ tục cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án bất động sản, nhất là liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, đấu giá…; tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai để sớm hoàn thành, tạo nguồn cung cho thị trường; tháo gỡ khó khăn về các nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, quỹ đầu tư… khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản, góp phần tăng thanh khoản cho thị trường; thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, tăng nguồn cung, đồng thời điều chỉnh cơ cấu sản phẩm thị trường bất động sản hợp lý hơn; đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư và kịp thời giải quyết các thủ tục về đất đai, xây dựng của các dự án bất động sản để tăng nguồn cung cho thị trường; thúc đẩy thị trường bất động sản thông qua chính sách hỗ trợ nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án khả thi, hiệu quả.
Trong phạm vi quản lý ngành, ngày 9/2/2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 204/QĐ-BCT Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, các hoạt động/lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023 của Bộ Công Thương gồm: Cung cấp thông tin cho doanh nghiệp; công nhận và công bố mạng lưới tư vấn viên pháp luật ngành Công Thương; tiếp nhận, nghiên cứu các kiến nghị của doanh nghiệp, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật; phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Hỗ trợ mở rộng thị trường
Trong bối cảnh lạm phát trên thế giới còn ở mức cao, chính sách tiền tệ chưa nới lỏng đã tác động đến xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu giảm; đồng thời, cạnh tranh với các nước xuất khẩu, đặc biệt là việc Trung Quốc mở cửa trở lại khiến hàng Việt phải cạnh tranh quyết liệt hơn ở các thị trường trọng điểm, Bộ Công Thương tập trung phát triển thị trường ở cả trong nước và nước ngoài.
Với thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả các Chương trình XTTM, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; tổ chức đẩy mạnh triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước. Trong đó nhấn mạnh đến đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động XTTM phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động XTTM; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước; quảng bá các đặc sản vùng miền, sản phẩm tiêu biểu của Việt Nam.
Đồng thời, chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung về điện, xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống, và xử lý nghiêm đối với các hành vi buôn lậu, hàng giả, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển trên thị trường nội địa. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2023 tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước nhờ 2 yếu tố: (i) Các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa; (ii) Chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Đối với thị trường nước ngoài, trên tinh thần đẩy mạnh phát triển thị trường truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các cơ hội từ thị trường FTAs, Bộ Công Thương tiếp tục duy trì Hội nghị giao ban thương vụ theo tháng. Mỗi tháng là một chủ đề phù hợp với nhu cầu của thị trường và yêu cầu của doanh nghiệp. Hội nghị giao ban tháng 1/2023 có 2 phiên chính: Phiên 1 dành cho đại diện các Thương vụ Việt Nam thông tin về những diễn biến mới nhất ở thị trường sở tại cũng như các chính sách, quy định thay đổi trong thời gian gần đây. Phiên 2 dành cho đại diện Hiệp hội; Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu với các thị trường nước ngoài của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
Hội nghị giao ban tháng 7/2023 với chủ đề “Chuyển hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giày”. Hội nghị gồm 2 phiên chính: Phiên 1 dành cho đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, CHLB Đức, Canada, Brazil, Chile, Trung Quốc, Ấn Độ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Houston (Hoa Kỳ) thông tin về tình hình thị trường nước ngoài và các kế hoạch, biện pháp chuyến hướng kết nối, khai thác thị trường đầu ra cho ngành đồ gỗ, dệt may và da giầy Việt Nam. Phiên 2 dành cho đại diện các Hiệp hội (Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam; Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội dệt may Việt Nam) thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến nhu cầu tiêu thụ và thúc đẩy xúc tiến thương mại các mặt hàng đồ gỗ, dệt may, da giày Việt Nam.
Tại các hội nghị này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tính tương tác giữa thương vụ và địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp trong các phiên thông tin, thảo luận. Bộ trưởng yêu cầu các thương vụ sẵn sàng tinh thần “khoan sức dân” theo hướng cung cấp cho doanh nghiệp, hiệp hội các thông tin cập nhật chính sách và những khuyến nghị thiết thực. Trong đó, yêu cầu mỗi thương vụ phải thường xuyên nắm bắt diễn biến chính sách của nước sở tại, kể cả chính sách thị trường khu vực, từ đó đề xuất phản ứng chính sách phù hợp ở cả cấp quốc gia và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước hợp tác đầu tư, nhất là hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, hợp tác trong mua nguyên liệu để phục vụ cho ngành sản xuất trong nước; chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu trong từng ngành hàng, dự án để phục vụ cho hợp tác đầu tư, kinh doanh với doanh nghiệp trong nước và là tài liệu trao truyền cho thế hệ khác. Thương vụ cũng có nhiệm vụ kết nối với doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương trong nước để tổ chức cho doanh nghiệp nước ngoài về Việt Nam, tiếp cận vùng trồng, vùng nuôi và cơ sở sản xuất của Việt Nam. Ngược lại, tổ chức và hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội ra nước ngoài quảng bá sản phẩm.
Với những nỗ lực thường xuyên và quyết liệt, mặc dù 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu giảm 10,6% so với cùng kỳ, nhưng tháng 7/2023 đã xuất hiện những tín hiệu tích cực, với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 29,68 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước.