PV: Xin Thứ trưởng cho biết, sau một năm Việt Nam gia nhập WTO, tình hình thị trường trong nước và xuất khẩu của các mặt hàng công nghiệp đã có chuyển biến như thế nào?
THỨ TRƯỞNG NGUYỄN THÀNH BIÊN: Việt Nam sau khi trở thành thành viên thứ 150 của WTO, uy tín trên trường quốc tế ngày một tăng cao, đầu tư FDI tăng mạnh… nhưng kinh tế – thương mại trong nước cũng gặp không ít khó khăn trước những tác động nặng nề do thiên tai, hạn hán, bão lũ gây ra ở nhiều vùng trong cả nước, dịch bệnh gia súc, gia cầm phát tán trên qui mô lớn… Ngoài ra, giá hàng hóa thế giới, giá xuất nhập khẩu nhiều loại vật tư hàng hóa tăng cao đã tạo sức ép tăng giá nhiều mặt hàng trong nước cũng tạo ra không ít thách thức đối với nền kinh tế trong suốt năm 2007. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn xã hội, sự chỉ đạo điều hành hiệu quả của Nhà nước, kinh tế nước ta tiếp tục đạt được những thành công trong năm 2007: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 8,5%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỉ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ từ 41,5% năm 2006 lên 42,1% và giảm tỉ trọng khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản từ 20,4% xuống còn 19,8%. Trong đó, thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài (20 tỉ USD) và sự phát triển mạnh của thương mại được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là những nhân tố quan trọng góp phần đạt được những thành công của nền kinh tế năm 2007. Về xuất khẩu, năm qua qui mô và tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu được duy trì ở mức cao, tỉ trọng hàng hóa chế biến, chế tạo, có hàm lượng công nghệ và chất xám cao tăng dần, tỉ trọng hàng hóa chưa qua chế biến giảm dần. Giá trị kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 48,387 tỉ USD, tăng 21,5% so với năm 2006 (kế hoạch Chính phủ đề ra là 46,7 tỉ USD, tăng 17,4%), trong đó hàng hóa công nghiệp chiếm 76,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (năm 2006 là 76,1%) tiếp tục là động lực cho hoạt động xuất khẩu, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu đạt 27,8 tỉ USD, chiếm 57,5% và tăng 21,0% so với năm 2006; khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 20,6 tỉ USD, chiếm 42,5% và tăng 22,2%.
PV: Thưa Thứ trưởng, trong số các mặt hàng xuất khẩu của Ngành, những mặt hàng nào được xem là mũi nhọn? Thực trạng và giải pháp để thúc đẩy sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng đó trong thời gian tới là gì?
THỨ TRƯỞNG NGUYỄN THÀNH BIÊN: Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực có kim ngạch trên 1 tỉ USD (11 mặt hàng và nhóm hàng) vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá (trừ dầu thô) là thủy sản, gạo, cà phê, cao su, than đá, dệt may, giầy dép, điện tử và linh kiện máy tính, sản phẩm gỗ và nhóm sản phẩm cơ khí; trong đó có 4 mặt hàng là dầu thô, dệt may, giầy dép và thủy sản kim ngạch đạt trên 3 tỉ USD, 2 mặt hàng điện tử và sản phẩm gỗ đạt trên 2 tỉ USD. Một số nhóm hàng mới mặc dù có kim ngạch chưa cao nhưng tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh như dây điện và cáp điện tăng 25,6%; túi xách, vali, mũ, ô dù tăng 26,2%; sản phẩm nhựa tăng 52,0%; hàng thủ công mỹ nghệ tăng 18,9%. Kim ngạch xuất khẩu 2007 tuy tăng khá (21,5%) trong đó có yếu tố giá xuất khẩu tăng cao, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu và còn thấp hơn mức tăng của một số năm trước. Những giải pháp để gia tăng kim ngạch xuất khẩu của những mặt hàng này trong thời gian tới là: Một là: Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng tăng tỉ trọng hàng công nghiệp, công nghiệp chế biến, thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu đối với các mặt hàng truyền thống, các mặt hàng sản xuất do bị hạn chế về cơ cấu (diện tích, năng suất, thời tiết…) không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng, trong đó đặc biệt chú ý đến các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Hai là: Tăng cường đầu tư mở rộng qui mô sản xuất, chú trọng đổi mới công nghệ, thiết bị, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, có khả năng tăng trưởng cao, những mặt hàng có đóng góp quan trọng cho việc thực hiện kế hoạch xuất khẩu cũng như giải quyết nhiều công ăn việc làm, góp phần ổn định xã hội như các sản phẩm chế biến, công nghiệp chế biến: dệt may, giầy dép, đồ gỗ, linh kiện điện tử, sản phẩm nhựa, dây cáp điện… Ba là: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, gắn công tác xúc tiến thương mại với nhiệm vụ tăng trưởng xuất khẩu, tìm kiếm và mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có tiềm năng phát triển không bị hạn chế về khả năng sản xuất, sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước như hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm cao su, hàng thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm, sản phẩm cơ khí, dịch vụ phần mềm… Bốn là: Tập trung khai thác theo chiều sâu, chiều rộng đối với các thị trường xuất khẩu truyền thống, thị trường xuất khẩu trọng điểm đi đôi với việc phát triển các thị trường có chung đường biên giới với Việt Nam thông qua việc xem xét điều chỉnh những qui định không phù hợp, hạn chế xuất khẩu thời gian qua.
PV: Theo Thứ trưởng, điểm yếu nhất của các mặt hàng công nghiệp nước ta hiện nay là gì? Giải pháp khắc phục các hạn chế này là gì, để các sản phẩm công nghiệp nước ta được thị trường chấp nhận? Chính phủ và Bộ Công Thương đã có chính sách giúp đỡ các doanh nghiệp trong nước như thế nào để khắc phục những hạn chế, yếu kém đó?
THỨ TRƯỞNG NGUYỄN THÀNH BIÊN: Điểm yếu nhất của hàng công nghiệp Việt Nam là việc phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên phụ liệu, đặc biệt trong các ngành như dệt may, giày dép, đồ gỗ… Do vậy, cần triển khai xây dựng các trung tâm cung ứng nguyên, phụ liệu, đóng vai trò là đầu mối tổ chức nhập khẩu và cung ứng nguyên, phụ liệu cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu trong nước, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như sản xuất hàng dệt may, giầy dép, sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa… nhằm nâng cao khả năng cung ứng nguyên liệu cho sản xuất một cách kịp thời và với chi phí thấp hơn. Vấn đề này mặc dù đã được đặt ra nhiều năm nay đối với nhiều mặt hàng, ngành hàng nhưng cho đến nay kết quả vẫn rất khiêm tốn. Trong thời gian tới, đề nghị Nhà nước cho phép triển khai ở những nơi tập trung các khu công nghiệp, một số trung tâm buôn bán nguyên phụ liệu (dệt may, giầy dép…) và cho phép các nhà đầu tư phân phối hàng hóa trong nước và nước ngoài vào hoạt động. Những trung tâm này có thể là nơi cung cấp nguyên phụ liệu cho một số ngành hàng sản xuất hàng xuất khẩu đang phụ thuộc lớn vào nguyên, phụ liệu nhập khẩu.
PV: Xin Thứ trưởng cho biết những định hướng lớn và những giải pháp cơ bản của ngành Công Thương, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp trong thời gian tới?
THỨ TRƯỞNG NGUYỄN THÀNH BIÊN: Quốc hội đã đề ra mục tiêu xuất khẩu năm 2008 tăng 20-22% so với năm 2007 (tương đương 58-59 tỉ USD). Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 22% với kim ngạch xuất khẩu 59,03 tỉ USD. Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Công Thương cần phải triển khai những giải pháp sau đây: a) Giảm chi phí giao dịch, kinh doanh cho doanh nghiệp xuất khẩu. - Triển khai xây dựng các trung tâm cung ứng nguyên, phụ liệu, đặc biệt là trong một số lĩnh vực như sản xuất hàng dệt may, giầy dép… - Xây dựng và thực hiện chương trình hiện đại hóa và cải cách thủ tục hải quan, lộ trình rút ngắn thời gian tiến hành các thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu. - Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính đi đôi với việc tăng cường hợp tác phối hợp giải quyết vụ việc liên quan giữa các bộ, ngành. - Sớm triển khai ký kết các thỏa thuận song phương và công nhận lẫn nhau về kiểm dịch thực vật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Australia, New Zealand… b) Hoàn thiện hệ thống chính sách tài chính, tín dụng và đầu tư phục vụ xuất khẩu. - Thành lập Quỹ bảo hiểm xuất khẩu: Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, các hình thức hỗ trợ trực tiếp cho xuất khẩu như thưởng xuất khẩu, thưởng thành tích xuất khẩu… bị bãi bỏ. Cần sử dụng nguồn vốn này và bổ sung thêm để thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư: (1) nghiên cứu, cải tạo giống cây trồng, vật nuôi; (2) đổi mới, chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản hàng hóa xuất khẩu; (3) đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân sản xuất hàng xuất khẩu. - Điều tiết tỉ giá hối đoái, lạm phát: Vai trò quản lý vĩ mô là phải điều tiết sự thay đổi tỉ giá hợp lý sao cho vừa thu hút được vốn nước ngoài, vừa khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hướng tới khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu phục vụ cho việc tăng trưởng kinh tế và vẫn kiểm soát được lạm phát ở mức hợp lý. c) Nâng cao hiệu quả của công tác xúc tiến xuất khẩu. Tập trung xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm có kim ngạch nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, một số nước EU… và các mặt hàng trọng điểm mà khả năng sản xuất trong nước không bị hạn chế nhưng thiếu thị trường tiêu thụ. Tập trung nguồn vốn xúc tiến thương mại đối với những mặt hàng có sự tăng trưởng, có sự đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu. d) Hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho một số ngành sản xuất hàng xuất khẩu. Xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo nghề, giải quyết vấn đề thiếu hụt và nâng cao chất lượng nguồn lao động trong một số ngành sản xuất hàng xuất khẩu đang gặp khó khăn về nguồn lao động như lĩnh vực sản xuất hàng dệt may, da giầy, sản phẩm gỗ, sản phẩm nhựa, sản phẩm cơ khí… e) Xây dựng các đề án xuất khẩu cụ thể cho từng mặt hàng, từng địa bàn. Đặc biệt chú ý phát triển những mặt hàng mới, mặt hàng có điều kiện sản xuất không phụ thuộc nhiều vào sự biến động của thị trường như sản phẩm cơ khí, dây cáp điện, sản phẩm nhựa, sản phẩm đồ gỗ… Đồng thời rà soát lại cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất, xuất khẩu đối với những mặt hàng truyền thống trọng điểm như hàng nông lâm thủy sản, hàng dệt may, giầy dép, thủ công mỹ nghệ… để có những điều chỉnh phù hợp hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu. Tiếp tục coi các thị trường ASEAN, Nhật, Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc và các nước có chung đường biên giới là những thị trường trọng điểm. g) Đối với các Hiệp hội ngành hàng. Nâng cao vai trò của các Hiệp hội ngành hàng trong việc cung cấp thông tin, thống nhất thực hiện các chiến lược phát triển sản xuất, liên kết trong kinh doanh, đàm phán ký kết hợp đồng, tránh để khách hàng lợi dụng ép giá gây thua thiệt chung. Cần có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành quản lý và các Hiệp hội ngành hàng để tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành.
PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!