Theo đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã quy định tại nghị quyết này bao gồm các trường hợp thành lập, nhập, giải thể, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp huyện), xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã).
Các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025 gồm:
- Đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng.
- Đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
- Đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.
Bên cạnh đó, các đơn vị hành chính không thuộc phạm vi quy định được khuyến khích thực hiện sắp xếp theo quy định tại Nghị quyết này để giảm số lượng, tăng quy mô đơn vị hành chính. Đồng thời giải quyết các vấn đề còn bất hợp lý về phân định địa giới đơn vị hành chính do biến động về địa chất, địa hình hoặc do quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phải tuân thủ Hiến pháp, thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, nghị quyết này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn, quy hoạch đô thị hoặc các quy hoạch khác có liên quan.
Ngoài ra, cần chú trọng, cân nhắc kỹ các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cộng đồng dân cư, yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội. Gắn việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động...
Đặt tên huyện, xã hình thành sau sắp xếp như thế nào
Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 quy định đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.
Cụ thể, việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri.
Trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.
*Trước đó, tại Báo cáo tổng 03 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021, Bộ Nội vụ chỉ ra khó khăn trong việc xác định tên gọi của các đơn vị hành chính (ĐVHC) sau khi thực hiện sắp xếp.
Có trường hợp cử tri không đồng ý với phương án sắp xếp chỉ vì không đồng ý với tên gọi của ĐVHC dự kiến hình thành sau sắp xếp.
Có địa phương thì thống nhất lấy tên của một trong các ĐVHC thực hiện sắp xếp; có nơi thì ghép tên đầu - cuối của các đơn vị thực hiện sắp xếp nhưng như vậy thì tên gọi mới không còn ý nghĩa sâu sắc như nguyên gốc. Có địa phương thì lấy tên gọi hoàn toàn mới.
Theo Bộ Nội vụ, so với việc nhập 2 ĐVHC thành một đơn vị và giữ nguyên tên gọi của một ĐVHC cũ thì việc ghép tên hoặc đổi tên ĐVHC mới sẽ làm tăng gấp 2 lần khối lượng công việc để thực hiện các thủ tục chuyển đổi con dấu, giấy tờ cho tổ chức, cá nhân ở các ĐVHC chịu sự tác động, có thể gây lãng phí. Điều này cần rút kinh nghiệm cho việc sắp xếp ĐVHC giai đoạn sau.