Tìm hiểu kỹ những ưu đãi thuế quan được hưởng
Trước khi FTA Việt Nam - EU chính thức đi vào cuộc sống, Việt Nam đã thuộc danh sách các nước được hưởng Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU đối với tất cả các mặt hàng, kể cả những mặt hàng trước đã từng bị xếp vào nhóm hàng đã “trưởng thành” như giày dép. Ví dụ, theo quyết định mới của Ủy ban châu Âu, mặt hàng giày dép của Việt Nam (nhóm S-12a, Phụ lục V), được ra khỏi danh sách các mặt hàng “trưởng thành” của EU. Như vậy từ 01/01/2014, các mặt hàng giày dép và túi xách của Việt Nam đều được hưởng quy chế GSP tiêu chuẩn với mức thuế 0% đối với hàng không nhạy cảm (NS) và giảm thuế 3,5% đối với hàng nhạy cảm (S). Năm 2013 năm trước khi hệ thống GSP mới có hiệu lực, Việt Nam xuất khẩu hàng giày dép và túi xách vào EU đạt hơn 3 tỷ USD, với việc được hưởng GSP từ 01/01/2014.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam trước khi xuất khẩu sang thị trường EU cần tìm trong Phụ lục V của Quy định số 978/2012 để xem sản phẩm của mình (theo mã HS 6 số và mã CN 8 số) có được hưởng GSP hay không và thuộc loại không nhạy cảm (NS) hay nhạy cảm (S), để biết hàng của doanh nghiệp sẽ được miễn thuế, hay chỉ được giảm thuế nhập khẩu vào EU.
Tìm hiểu những điều kiện liên quan
Trong khi quy chế GSP mới của EU giúp Việt Nam tiếp cận thuận lợi thị trường EU, qua đó thúc đẩy công nghiệp hóa, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, góp phần tăng trưởng kinh tế thì quy chế mới này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đòi hỏi các doanh nghiệp phải có tầm nhìn và chiến lược kinh doanh lâu dài để có thể phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, đáp ứng các yêu cầu của thị trường, tiêu chuẩn về nhãn mác và sản phẩm không độc hại.
Để tận dụng hiệu quả quy chế GSP của EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ một số điều kiện cơ bản như: hàng hóa đáp ứng đầy đủ các quy tắc xuất xứ, vận chuyển thẳng từ nước thụ hưởng đến EU và cung cấp bằng chứng về xuất xứ hàng hóa phù hợp của quốc gia thụ hưởng cũng như các quy định, tiêu chí trưởng thành. Mặc dù tiêu chí trưởng thành trong quy chế GSP mới của EU nâng từ 15% lên 17% thị phần nhập khẩu đối với các nhóm hàng hóa (trừ dệt may nâng từ 12,5% lên 14,5%), nhưng thách thức đối với Việt Nam lại tăng đáng kể do rất nhiều nước bị loại bỏ khỏi danh sách hưởng quy chế GSP mới của EU. Vì thế, thị phần hàng nhập từ Việt Nam có khả năng tăng lên rất nhiều trong tổng nhập khẩu được hưởng quy chế GSP và sớm đạt ngưỡng trưởng thành hơn và không được hưởng ưu đãi nữa.
Lưu ý áp lực cạnh tranh từ những nước cũng được hưởng lợi
Trong khi các mặt hàng của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan của EU, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần lưu ý đến áp lực cạnh tranh từ các nước khác cũng được hưởng lợi.
Ví dụ, theo quy chế GSP+, 6.200 mặt hàng xuất khẩu (XK) của Philippines sang Liên minh Châu Âu (EU) sẽ được miễn thuế, tuy nhiên chỉ có những sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp được sản xuất từ 100% nguyên liệu do các đội tàu của nước này đánh bắt (xuất xứ thuần túy) mới được hưởng GSP+. Theo Cục nghề cá và nguồn lợi thủy sản Philippines (BFAR), khối lượng cá ngừ XK sang châu Âu đã có sự gia tăng sau quyết định của EP.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất cá ngừ đóng hộp Philippines, cá ngừ đóng hộp XK sang châu Âu trong năm 2012 đạt 3.202.659 hộp, chiếm 42,5% tổng khối lượng cá ngừ đóng hộp XK của nước này (7.538.093 hộp). Giá trị XK cá ngừ đóng hộp sang châu Âu của nước này trong năm 2012 đạt 123.295.407 USD, tương đương 44,8% tổng giá trị XK cá ngừ đóng hộp của nước này (275.295.399 USD). Việc được hưởng GSP+ sẽ mang lại ít nhất doanh thu khoảng 15 triệu USD cho nước này.
Lưu ý vấn đề gian lận thương mại từ danh sách GSP mới của EU
Theo danh sách các quốc gia được hưởng Quy chế GSP năm 2015 của EU, một số quốc gia gần Việt Nam như: Trung Quốc, Thái Lan không còn được hưởng quy chế này. Hàng năm, EU dựa vào số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới để rà soát quốc gia nào liên tiếp 3 năm có thu nhập đầu người ở ngưỡng trung bình khá trở lên sẽ không được hưởng Quy chế GSP. Chương trình này dành cho các nhà XK tại các quốc gia đang phát triển được hưởng mức thuế quan bằng 0 khi xuất khẩu sang EU cho đến khi họ được coi là đủ sức cạnh tranh để không cần hỗ trợ. Điều này dẫn đến nguy cơ xảy ra các gian lận thương mại, ví dụ như doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách chuyển hướng đầu tư, sản xuất sang thị trường Việt Nam để xuất khẩu lượng hàng họ đã sản xuất nhưng chưa kịp xuất khẩu sang EU. Ngoài ra cũng có khả năng doanh nghiệp dùng nguyên liệu sản xuất tại Trung Quốc để sản xuất tại Việt Nam hoặc lấy chính hàng Trung Quốc “vòng qua” Việt Nam để xuất khẩu.
Các doanh nghiệp Việt Nam cần liên kết để tăng tỷ lệ nội địa
Để có thể tăng được hàm lượng nội địa trong sản phẩm xuất khẩu trong bối cảnh năng lực sản xuất, công nghệ còn hạn chế, các doanh nghiệp cần có sự liên kết với nhau theo chiều ngang và chiều dọc để chia sẻ các nguồn lực lớn. Đối với những ngành hàng phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, cần có chiến lược thay thế dần hàng nhập khẩu, liên kết xây dựng các chuỗi cung ứng hoàn thiện hơn trong nước để đảm bảo các yêu cầu về nguyên tắc xuất xứ.
Ngoài ra, các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp cần tăng cường trao đổi thông tin với Bộ Công Thương, theo dõi tiến trình đàm phán các vấn đề liên quan đến thương mại giữa Việt Nam - EU để điều chỉnh chiến lược thị trường linh hoạt theo những diễn tiến trong thương mại quốc tế.