Thuộc da là ngành công nghiệp có phát thải gây ô nhiễm môi trường dưới cả 3 dạng rắn, lỏng và khí với các chỉ số ô nhiễm cao như: vôi, sulphua, crôm, COD, BOD, TDS, VOC…
Chính vì thế Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc (UNIDO) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã đưa ra nhiều tài liệu giới thiệu và khuyến khích các DN thuộc da trên toàn thế giới áp dụng công nghệ thân thiện môi trường.
Ảnh: Sản xuất da giày xuất khẩuYêu cầu sử dụng công nghệ
thân thiện môi trường cho ngành thuộc da
Công nghệ thuộc da (CNTD) bao gồm các khâu: Chuẩn bị thuộc (làm sạch da và chuẩn bị điều kiện để thuộc); Thuộc (tạo cho da không bị phân hủy trong không khí); Hoàn thành (tạo các tính chất sử dụng cho da). Mỗi khâu đều sử dụng nhiều hóa chất và đưa ra chất thải với lượng lớn COD, BOD, TDS... Theo ThS. Phạm Việt Đức - Phó Giám đốc Cty CP Công nghệ môi trường Âu Việt thì với CNTD truyền thống, trung bình 1 tấn da nguyên liệu thải ra môi trường khoảng 50m3 nước thải có độ màu đậm đặc và 500 - 600kg chất thải rắn, nặng mùi hôi thối khó chịu. Lượng hoá chất thông dụng được sử dụng trong CNTD gồm các chất vô cơ và hữu cơ như sunfit, sunfa, sunfit natri, hydroxit canxi, cacbonat, axit, muối… do đặc thù thuộc da là quá trình chuyển đổi protit của da động vật sang dạng bền vững để sử dụng. Khi nước thải thuộc vô cơ ngấm xuống đất, không những môi trường đất mà nước ngầm cũng bị ảnh hưởng. Xả nước thải thuộc da ra cống rãnh sẽ gây hiện tượng ngưng tụ các chất Carbonat và làm tắc cống. Vì vậy, để đảm bảo vệ sinh nguồn nước và vệ sinh môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (QCVN 24: 2009/BTNMT) để cho các cơ sở chế biến công nghiệp, trong đó có cơ sở thuộc da thực hiện. Chính điều này, buộc các cơ sở thuộc da trong nước phải áp dụng công nghệ thân thiện môi trường theo hướng tăng trưởng xanh.
Hiện nay, EU đặt ra tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn an toàn sinh thái đối với sản phẩm da giày nhập khẩu vào EU, trong khi đó, tỷ lệ DN Việt Nam đáp ứng được các chỉ tiêu an toàn sinh thái sản phẩm của EU chưa cao. Phó viện trưởng Viện Dệt may – Da giày và Thời trang Bùi Văn Huấn cho rằng, an toàn sinh thái sản phẩm da giày là vấn đề khá mới mẻ và khó đối với các DN vừa và nhỏ sản xuất xuất khẩu, các hộ sản xuất tiêu thụ nội địa. Trước tình hình này, các DN XK Da giầy cần có các giải pháp cụ thể đáp ứng yêu cầu người mua như tạo đầu mối thu nhập, cập nhập và phổ biến thông tin về yêu cầu người mua tại các thị trường xuất khẩu bao gồm EU; phát triển các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về kỹ thuật an toàn và sinh thái cho sản phẩm da giày. Các doanh nghiệp XK da giầy nói chung và thuộc da nói riêng cần phải có các biện pháp tìm hiểu, thay đổi công nghệ sản xuất, áp dụng công nghệ thân thiện môi trường theo hướng phát triển bền vững.
Xu hướng ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của ngành thuộc da Việt NamĐể đáp ứng các tiêu chuẩn sản phẩm sạch và bảo vệ môi trường, Viện Nghiên cứu Da-Giầy, thuộc Bộ Công Thương (Viện NCDG), đã đi đầu trong công tác nghiên cứu CNTD theo hướng chiến lược phát triển xanh. Cụ thể:
Năm 2005, Viện triển khai nghiên cứu tái sử dụng chất thải crôm bằng phương pháp quay vòng trực tiếp và thu hồi crôm sa lắng, tiết kiệm hóa chất thuộc và giảm thiểu crôm trong nước thải.
Năm 2006 và 2007, Viện tiến hành nghiên cứu áp dụng CNTD sinh thái, sau đó đã phát triển thành dự án sản xuất thử nghiệm.
Năm 2006, Viện cũng đã nghiên cứu thành công phương pháp thuộc thảo mộc (thay thế chất thuộc crôm) .
Ngoài ra, Viện NCDG còn có công trình nghiên cứu giải pháp tái chế áp dụng cho chất thải rắn ngành thuộc da. Công trình này đề cập đến 9 giải pháp (5 giải pháp tái chế chất thải rắn trước thuộc, 4 giải pháp tái chế chất thải rắn sau thuộc) làm gielatin, thức ăn chăn nuôi, phân hữu cơ sinh học (compost), khí bio-gas, bạc nhạc, mỡ có thể thu hồi mỡ làm chất ăn dầu cho da, chất hoạt động bề mặt. Chất thải rắn đã qua thuộc có thể dùng làm vải giả da, lót giầy, bìa carton…
Năm 2010-2011, Viện NCDG đã thực hiện thành công đề tài nghiên cứu khoa học: “Nghiên cứu công nghệ và thiết bị thuộc da sử dụng enzym/chế phẩm enzym proteaza và lipaza”. Để ứng dụng chế phẩm enzym trong thuộc da, đề tài cũng đã nghiên cứu chế tạo được phu lông bán tự động, có thể kiểm soát được tốc độ, thời gian quay, nghỉ, nhiệt độ, lượng nước và máy nạo lông sau khi sử dụng chế phẩm enzym tẩy lông. Kiểm chứng và hiệu chỉnh công nghệ cùng thiết bị, đề tài đã sản xuất thử nghiệm hơn 6.000 bia da thành phẩm với chất lượng cao. Đặc biệt, ô nhiễm môi trường đã giảm nhiều (công nghệ sử dụng hóa chất thông thường: COD: 30 kg/tấn da nguyên liệu, TDS: 220 kg/tấn da nguyên liệu. Công nghệ sử dụng chế phẩm enzym: COD: 10 kg/tấn da nguyên liệu, TDS: 45 kg/tấn da nguyên liệu).
Từ yêu cầu thực tế, Viện NCDG Việt Nam đã cùng Viện Nghiên cứu da Trung ương Ấn Độ (CLRI) tiến hành thực hiện nghiên cứu xử lý nước thải và áp dụng công nghệ sạch vào ngành Công nghiệp Thuộc da. Chuyên gia của 2 viện đã cùng nhau nghiên cứu xây dựng thành công quy trình công nghệ sạch trong sản xuất da thuộc, từ công đoạn bảo quản da nguyên liệu (không dùng muối), sử dụng chế phẩm enzym thay thế cho Na2S trong hồi tươi, tẩy lông, tẩy vôi bằng khí các bon níc (CO2), làm xốp giảm thiểu muối ăn (NaCl) và axít, quay vòng và tái sử dụng nước thải… sản phẩm tạo ra đạt đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu (EU Directive 76/769/EEC).
Ngoài ra, một số DN thuộc da FDI như Sài Gòn Tan Tec, Prime Asia Vietnam, Green Tech, DN cổ phần thuộc da như Huynh Đệ Hưng Thái, Đặng Tư Ký... cũng đã áp dụng từng phần công nghệ thân thiện môi trường, tiết kiệm nước và năng lượng như quay vòng nước thải tẩy lông-ngâm vôi, quay vòng nước thải quay vòng nước thải crôm, sử dụng năng lượng mặt trời...
Năm 2010, Cty Sài Gòn Tan Tec đã được Ban tổ chức giải thưởng “Energy Efficiency Award” (hiệu quả năng lượng) của CHLB. Đức trao tặng giải nhì nhờ thực hiện thành công và nhất quán trong việc áp dụng giải pháp tiên tiến trong lĩnh vực sử dụng công nghệ năng lượng và môi trường. Theo đánh giá của Ban tổ chức giải thưởng, giải pháp mà Sài Gòn Tan Tec áp dụng đã giúp tiết kiệm 40% năng lượng tiêu thụ và giảm đến 2.700 tấn CO2 thải ra môi trường. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ mới còn giúp doanh nghiệp này giảm thiểu 50% lượng nước, 15% hóa chất tiêu thụ trong quá trình sản xuất.
Cùng với những nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trên, Dự án “Hỗ trợ DN da giày đáp ứng tốt hơn các quy định an toàn sản phẩm” cũng được triển khai trong thời gian 30 tháng (từ tháng 7/2014-12/2016). Dự án có tổng kinh phí thực hiện trên 314.000 euro, trong đó 88% do Mutrap tài trợ, sẽ cung cấp thông tin, tư vấn cho DN đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; tiếp cận dịch vụ kiểm nghiệm với giá cả phù hợp và được chứng nhận bởi khách hàng quốc tế.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da, Giày, Túi xách Việt Nam, Điều phối viên dự án, kết quả dự kiến của dự án sẽ là 3 phòng thí nghiệm hiện tại của Việt Nam được nâng cấp, đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận và công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế; 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa được đào tạo và tập huấn thông qua dự án sẽ nâng cao năng lực xuất khẩu do đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ thuật của EU, tăng doanh thu xuất khẩu vào giai đoạn cuối của dự án và sau khi dự án kết thúc.
Các kết quả nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường theo hướng tăng trưởng xanh của Viện Nghiên cứu Da-Giầy và một số doanh nghiệp thuộc da là hướng gợi mở đảm bảo cho ngành da giầy nói chung và ngành thuộc da nói riêng phát triển bền vững.