“Trong nghiên cứu này, chúng tôi chỉ ra rằng những người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường type 2 có sự cải thiện lớn nhất trong việc kiểm soát lượng đường trong máu khi họ hoạt động tích cực nhất vào buổi chiều”, Tiến sĩ Jingyi Qian, từ Khoa Rối loạn Giấc ngủ và Sinh học - Bệnh viện Brigham and Women's Massachusetts (Hoa Kỳ), cho biết trong một tuyên bố.
Qian nói thêm: “Chúng tôi biết rằng hoạt động thể chất là có lợi, nhưng nghiên cứu của chúng tôi bổ sung thêm một hiểu biết mới rằng thời gian hoạt động cũng có thể quan trọng”.
Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Bệnh tiểu đường Brigham và Joslin đã nghiên cứu dữ liệu từ hơn 2.400 người thừa cân và được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 2, bằng cách cho họ đeo một thiết bị ghi gia tốc ở eo (thiết bị đo độ rung hoặc gia tốc chuyển động) để đo hoạt động thể chất của họ.
Sau khi xem xét dữ liệu từ năm đầu tiên của nghiên cứu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người thực hiện hoạt động thể chất “vừa phải đến mạnh mẽ” vào buổi chiều có lượng đường trong máu giảm nhiều nhất.
Theo Trường Y tế Công cộng của Harvard, các ví dụ về hoạt động “vừa phải” bao gồm đi bộ nhanh, cắt cỏ bằng máy cắt điện và chơi cầu lông để giải trí, trong khi hoạt động “mạnh mẽ” bao gồm đi bộ đường dài, chạy bộ nhanh, chơi bóng rổ hoặc bóng đá hoặc đạp xe tốc độ 14 -16 dặm một giờ.
Khi xem xét dữ liệu từ năm thứ tư của nghiên cứu, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tập thể dục vào buổi chiều duy trì mức giảm đường huyết và có cơ hội cao nhất có thể ngừng dùng thuốc hạ đường huyết.
Tiến sĩ Roeland Middelbeek, trợ lý điều tra viên tại Trung tâm Tiểu đường Joslin cho biết: “Thời gian dường như rất quan trọng. Trong tương lai, chúng tôi có thể có thêm dữ liệu và bằng chứng thực nghiệm để bệnh nhân đưa ra các khuyến nghị được cá nhân hóa hơn.”
Tiến sĩ Lucy Chambers, Trưởng phòng Truyền thông Nghiên cứu về Bệnh tiểu đường Vương quốc Anh, cho biết về nghiên cứu này: “Việc duy trì hoạt động thể chất có thể giúp những người mắc bệnh tiểu đường type 2 kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ phát triển các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến bệnh tiểu đường như bệnh tim và suy thận, cũng như cải thiện sức khỏe tổng thể của họ".
Phát hiện của nhóm được công bố trên tạp chí Chăm sóc bệnh tiểu đường (Hoa Kỳ).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh tiểu đường loại 2 là loại bệnh tiểu đường phổ biến nhất và xảy ra khi cơ thể kháng insulin hoặc không sản xuất đủ insulin, chủ yếu được tìm thấy ở người lớn, nó có liên quan đến tuổi già, béo phì, tiền sử gia đình, ít hoạt động thể chất và chủng tộc/sắc tộc. Những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ bị biến chứng bao gồm tổn thương thần kinh, các vấn đề về thị lực và thính giác, bệnh thận, bệnh tim và tử vong sớm. Các tác giả của nghiên cứu lưu ý rằng nghiên cứu quan sát có những hạn chế, vì nó không đo lường giấc ngủ hoặc chế độ ăn uống.