Những vấn đề về quy hoạch và sử dụng đất
Có người nói rằng, từ khi đổi mới đến nay, thì câu:”Tấc đất, tấc vàng” càng được minh chứng rõ nét nhất. Chính vì đất quý như vàng, nên người ta tìm mọi cách để có đất cho mình, cho cơ quan, cho doanh nghiệp...Đối với người Việt Nam thì tài sản có được và giá trị nhất chính là đất. Ngay cả các doanh nghiệp nhà nước, khi góp vốn vào liên doanh với nước ngoài thì cũng góp vốn bằng quỹ đất.
Tại kỳ họp gần đây nhất, Quốc hội đã dành cả ngày 12/6/2006 và sáng 13-6, để thảo luận về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Luật Đất đai. Nhiều đại biểu bức xúc trước tình trạng quy hoạch trồng chéo giữa địa phương và trung ương, tình trạng thu hồi đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng quá chậm, đặc biệt với các dự án khu công nghiệp (KCN), khu đô thị mới.
Theo báo cáo giám sát của ủy ban thường vụ Quốc hội, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho các dự án KCN, KCX tại nhiều địa phương chưa sát với thực tế. Nhiều cụm CN, KCN được hình thành khi chưa có quy hoạch được phê duyệt. Diện tích đất thực tế đã sử dụng xây dựng nhà xưởng so với diện tích đất đã giao, cho thuê tại các KCN chiếm tỷ lệ rất thấp, so với diện tích đất quy hoạch đã thu hồi thì còn thấp hơn nữa.
Hiệu quả sử dụng đất thấp, thậm chí còn nhiều diện tích đã không được sử dụng trong nhiều năm liền. Theo số liệu của Ban Quản lý các KCN, hiện cả nước có 12 KCN, KCX (với tổng diện tích đất gần 2.000 ha) được thành lập từ năm 1998 trở về trước, nhưng tỉ lệ lấp đầy tính đến nay vẫn chưa đạt được 50%. Số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên Môi trường cho thấy, có những KCN, KCX có tỷ lệ sử dụng thấp kỷ lục như KCX Hải Phòng 96 quy mô 150 ha mới cho thuê được 01ha; KCN Đài Tư, KCN DaewooHanel có tổng diện tích 200ha mới cho thuê được 05ha; KCN Nomura Hải Phòng được thành lập từ năm 1994, với diện tích 153 ha, đến nay mới cho thuê được 39 ha (tỉ lệ lấp đầy 25%); KCN Mỹ Xuân B1, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có quy mô 226 ha, được thành lập từ năm 1998 nhưng đến nay mới cho thuê được 20 ha (tỉ lệ lấp đầy là 9%).
Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn tiếp tục lập mới các KCN mà không quan tâm đến khả năng thu hút nhà đầu tư. Một mâu thuẫn dễ nhận thấy là càng xây dựng nhiều KCN để chờ nhà đầu tư thì khả năng lấp đầy lại càng thấp. Từ đó mới có tình trạng thu hồi đất của dân để xây tường cho cao, cho chặt để giữ… cỏ mọc hoang.
Có đại biểu Quốc hội đã bức xúc: “Cứ tưởng rằng sau khi có Luật Đất đai năm 2003, thì những hiện tượng quy hoạch “treo” được chấm dứt, nhưng không ngờ vẫn đang xảy ra có tính phổ biến ở nhiều địa phương. Nhiều dự án, công trình ngày đêm chờ đợi mặt bằng giải phóng và ngược lại nhiều nơi mặt bằng đã được giải phóng chờ sẵn nhiều năm nay, ngày đêm chờ đợi công trình và dự án”.
Cho nên, ngay diễn đàn của Quốc hội ngày 12-6-2006, dẫn lời cử tri ở Từ Liêm (Hà Nội), nơi có khá nhiều diện tích đất thu hồi nhưng chưa đưa vào sử dụng: “Tưởng Nhà nước lấy đất để làm việc gì lớn lao chứ để mở quán bia hơi thì cứ để chúng tôi làm rồi nộp thuế cho Nhà nước”.
Tình trạng sử dụng đất lãng phí như trên khiến cho người dân cảm thấy xót ruột, khi đất trồng cây lương thực bị thu hẹp thì đất bỏ không sử dụng lại quá nhiều, trở thành đất “chết”.
Nhiều địa phương báo cáo diện tích đăng ký và đã giao cho thuê chỉ chiếm khoảng 50% nhưng thực chất diện tích đất xây công trình chỉ khoảng 1/3. Tình trạng này không chỉ làm giảm hiệu quả sử dụng đất sản xuất kinh doanh, mà còn làm tăng chi phí giải toả và ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống của những hộ nông dân có đất bị thu hồi.
Quy hoạch, sử dụng đất không hợp lý
Việc chọn địa điểm xây dựng các KCN là việc làm nghiêm túc, song chưa tuân theo các nguyên tắc. ở nhiều nơi có quá nhiều KCN dẫn tới sự cạnh tranh khốc liệt của những nhà đầu tư về lựa chọn địa điểm, dẫn tới tốn kém xây dựng kết cấu hạ tầng và chôn vốn vào kết cấu hạ tầng lâu và lớn, hiệu quả KCN bị giảm sút.
Không ít địa phương sử dụng diện tích đất chuyên trồng lúa, đất có ưu thế sản xuất nông nghiệp để xây dựng KCN, KCX đã làm mất đi ngày càng nhiều đất màu mỡ trồng cây lương thực, khiến không ít người lo lắng, xót ruột, băn khoăn về an ninh lương thực lâu dài ở nước ta, nếu cứ đà này phát triển thì liệu đất nông nghiệp màu mỡ còn lại bao nhiêu vào giữa thế kỷ XXI? Và cũng không ít địa phương sử dụng đất đang có khu dân cư với hạ tầng cơ sở tốt để xây dựng các KCN làm ảnh hưởng không nhỏ đến an cư lạc nghiệp của người dân…
Việc sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng KCN, KCX đã làm nhiều người lo ngại đến an ninh lương thực. Cách đây hơn 2 năm đã có những thông tin cảnh báo về tương lai không xa Việt Nam sẽ là nước nhập khẩu lương thực, nếu cứ tiếp tục lấy đất nông nghiệp đang canh tác hiệu quả để làm KCN, KCX.
Ngay tại kỳ họp Quốc hội ngày 12-6-2006, có đại biểu đã bức xúc vì dọc Quốc lộ 5, Quốc lộ 1... nhiều KCN đang tiếp tục được xây dựng...
Chẳng lẽ chúng ta sống trong thời đại khoa học và công nghệ phát triển lại không hiểu một điều mà ông cha ta đã làm từ ngàn đời trước. Khi mà ông cha ta xây dựng giao thông thì các con đường đều đi qua những mảnh đất mầu mỡ và những làng mạc đông đúc dân cư. Thế mà, ngày nay, các nhà quy hoạch, quản lý lại cứ mặc nhiên, vô tư lấy những mảnh đất bên các đường quốc lộ quan trọng để xây dựng các KCN…? Việc làm này còn làm ảnh hưởng đến môi trường và dân cư đang sinh sống gần đấy.
Nếu ai đã đi thăm nước bạn láng giềng Trung Quốc sẽ thấy nhiều KCN, khu kỹ thuật cao ở không ít địa phương, chủ yếu xây dựng ở vùng đất cao, trồng cây lương thực không hiệu quả hoặc những vùng trung du đất hoang hoá nhiều năm, không ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Bạn rất quan tâm đến vấn đề an ninh lương thực, vì vậy họ luôn bảo vệ những vùng đất nông nghiệp màu mỡ để phát triển cây lương thực. Thiết nghĩ ở ta có thể sử dụng các loại đất ở vùng trung du, đất trên cao khó trồng cây lương thực để xây dựng các KCN, KCX sau khi đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Những loại đất này, ở nước ta còn khá nhiều.
Cách đây khoảng 40 năm, miền Nam đã có KCN Biên Hòa hoàn toàn nằm xa thành phố Sài Gòn và được xây dựng trên đồi. Tiếc rằng, nay đi từ Tp HCM đến Đồng Nai và xa hơn nữa đều thấy những KCN mọc san sát bên nhau!?
Không hiểu, con cháu chúng ta sau này sẽ phán xét về ông cha của chúng như thế nào đây?
Một số nguyên nhân sử dụng đất không hiệu quả.
Nguyên nhân sử dụng đất lãng phí thì có nhiều, vì mỗi người đều có cách đánh giá riêng của mình. Nhưng xin nêu một số nguyên nhân sau đây để chúng ta tham khảo.
1 - Có người cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là công tác lập kế hoạch sử dụng đất ở tất cả các cấp đều chậm, có nơi rất chậm, nhất là cấp huyện và cấp xã. Đến nay vẫn còn khoảng 20% đơn vị hành chính cấp huyện, 34 % xã, phường, thị trấn chưa lập được quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Mặt khác việc lập quy hoạch sử dụng đất còn thiếu chính xác, dẫn đến lãng phí đất. Cụ thể như việc quy hoạch sử dụng đất đối với đất chuyên dùng thường quá cao so với khả năng đầu tư và điều kiện thực tế ở địa phương.
2 – Do đất quý, nên khi có điều kiện thì các Ban quản lý KCN đều tranh thủ xin sao càng nhiều, càng tốt, càng gần đường quốc lộ lớn, càng được lợi...Họ kết hợp để vừa có lợi cho KCN và vừa phục vụ cho những mục đích khác, mà chỉ có trời mới biết là gì? Cho nên Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Quốc hội: “Nhiều địa phương báo cáo diện tích đăng ký và đã giao cho thuê chỉ chiếm khoảng 50% nhưng thực chất diện tích đất xây công trình chỉ khoảng 1/3”.
4 - Cho đến nay, hệ thống Luật kinh tế của Việt Nam theo yêu cầu phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế vẫn còn nhiều bất cập: Thiếu không ít luật quan trọng như: Luật về thị trường chứng khoán, Luật về thị trường bất động sản…, Nhiều luật tuy đã ban hành nhưng so với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế còn nhiều điều khoản bất cập, cần sửa đổi.
5 - Bộ máy thực thi luật pháp, và giám sát thực thi luật pháp ở Việt Nam còn nhiều yếu kém, do vậy tuy có luật kinh tế nhưng hiệu lực của luật không cao.
Mặc dù, Nghị định số 192/CP ngày 25.12.1994 của Chính phủ, các KCN được định nghĩa là các khu vực công nghiệp tập trung, không có dân cư, được thành lập với các ranh giới được xác định, nhưng thực tế thì sao?
Đây có lẽ là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến tình trạng quy hoạch và sử dung đất không hợp lý và lãng phí ở các KCN, KCX, khu công nghệ cao...
Một vấn đề nữa là các nhà quản lý và quy hoạch ở các cấp chưa đánh gía hết (có thể họ vẫn biết) khả năng của các nhà đầu tư vào các KCN.
6 - Quy hoạch “treo”, mang tính hình thức, lập các khu công nghiệp một cách dàn trải, nhằm “để dành” đất, phát triển đất trồng cà phê, cây công nghiệp hoặc nuôi tôm một cách tự phát, bất hợp lý, không theo quy hoạch đã gây nên những hậu quả không nhỏ; từ năm 2000 - 2005, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi cho Nhà nước 6.500 ha đất không tuân thủ quy hoạch, trả lại cho các tập thể, cá nhân 3.114 ha.
Những kiến nghị:
- Cấp bách phải quy hoạch các KCN, cần hợp lý để tăng số lượng các doanh nghiệp thuê, lấp đầy diện tích và không được sử dụng dụng đất nông nghiệp để xây dựng các KCN; cần giảm bớt lấy đất ở các khu dân cư để người dân đỡ xót ruột và giảm chi phí đển bù.
2 - Các cơ quan có trách nhiệm trong việc quyết định thành lập các KCN, KCX cần sát thực tiễn hơn, cần quan tâm giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình hình thành các KCN. Phải có chế tài xử phạt những cơ quan, cá nhân lập quy hoạch xây dựng các KCN, KCX... không hợp lý và sử dụng đất lãng phí.
3 – Phải có quy hoạch sử dụng đất và xây dựng các KCN, KCX, khu đô thị cho một thời gian dài ít nhất đến 100 năm, không thể như, UBTV Quốc hội vừa qua chỉ đưa ra: “Quy hoạch đất phải tính đến yêu cầu của ít nhất 10-15 năm tới”.
4 - Quy hoạch phải đáp ứng tính liên ngành, liên vùng; phải kết hợp khai thác nhiều tầng của công trình, nhiều mục tiêu của một công trình; gắn chặt chẽ với chiến lược chỉnh trị các dòng sông, kế hoạch trồng và bảo vệ rừng, giữ sạch nguồn nước để phục vụ nhu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân; phải dự báo tốt để có căn cứ quy hoạch phát triển hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy, cảng hàng không, cảng biển hiện đại, phù hợp với một nước công nghiệp có quy mô dân số trên 100 triệu người.... q