Những thay đổi trong quy định pháp luật về chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần qua các năm

THS. TRẦN MẠNH TOÀN (Khoa Lý luận chính trị và pháp luật, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Thay vì chờ đủ tuổi lĩnh lương hưu, nhiều người lao động hiện nay lại đăng ký nhận bảo hiểm xã hội 1 lần. Tuy nhiên, người lao động phần nhiều cũng chưa nắm rõ về loại hình bảo hiểm này và các quy định liên quan. Bài viết đưa ra những quy định pháp luật liên quan đến việc hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, trong đó đặc biệt đưa ra những thay đổi về luật qua các giai đoạn để người lao động nắm rõ sự khác biệt trong cách tính, thủ tục thực hiện, hồ sơ thực hiện,…

Từ khóa: bảo hiểm xã hội 1 lần, chế độ, mức điều chỉnh, lương hưu, ngân sách.

1. Đặt vấn đề

Theo quy định tại Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, BHXH là sự bù đắp 1 phần thu nhập của người lao động khi họ bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết. Trên cơ sở này, trong 1 số trường hợp, những người tham gia BHXH khi có yêu cầu sẽ được giải quyết BHXH 1 lần.

Quy định về hưởng BHXH 1 lần là chế độ thanh toán 1 khoản tiền nhất định cho NLĐ đã tham gia đóng BHXH nhưng không tiếp tục tham gia đóng BHXH và không đủ điều kiện hưởng chế độ lương hưu. Việc người lao động quyết định hưởng BHXH 1 lần có thể giải quyết được những khó khăn tạm thời của người lao động, nhưng lại mất đi rất nhiều lợi ích về sau đối với bản thân người lao động, gia đình họ và đối với cả hệ thống an sinh xã hội quốc gia.

2. Những thay đổi trong các quy định pháp luật về chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần qua các giai đoạn

Trước năm 2022, chế độ BHXH 1 lần chịu sự điều chỉnh bởi các quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH 1 lần; Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH bắt buộc; Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH tự nguyện; Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; Thông tư liên tịch số 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH ngày 30/6/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH bắt buộc; Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/02/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH tự nguyện; Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31/01/2019 Ban hành quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp.  

Luật, nghị quyết, quyết định và các thông tư đưa ra nhằm điều chỉnh chế độ BHXH 1 lần trên cơ sở đặt quyền lợi của người lao động, lắng nghe tiếng nói từ phía người lao động. Cụ thể những thay đổi diễn ra như sau:

Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, Điều 55 và 56 có quy định cụ thể chế độ dành cho người lao động.

Điều 55. BHXH 1 lần đối với người không đủ điều kiện hưởng lương hưu

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c và e khoản 1 Điều 2 của Luật này được hưởng BHXH 1 lần khi thuộc 1 trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 50 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH;

b) Suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH;

c) Sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH 1 lần mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH;

d) Ra nước ngoài để định cư.

2. Người lao động quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 2 của Luật này được hưởng BHXH 1 lần khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

Điều 56. Mức hưởng BHXH 1 lần

Mức hưởng BHXH 1 lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 tại điều 60 đã đưa ra nhiều quy định ràng buộc hơn trong việc hưởng chế độ bảo hiểm 1 lần.

1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH 1 lần nếu thuộc 1 trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;

b) Ra nước ngoài để định cư;

c) Người đang bị mắc 1 trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;

d) Trường hợp người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

2. Mức hưởng BHXH 1 lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

c) Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ 1 năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

3. Mức hưởng BHXH 1 lần thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

4. Thời điểm tính hưởng BHXH 1 lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan BHXH.

Thay đổi lớn nhất tại điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 so với năm 2006 là bỏ quy định đối tượng hưởng BHXH 1 lần là những người lao động: “Sau 1 năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH 1 lần mà chưa đủ hai mươi 20 năm đóng BHXH và tăng mức trợ cấp BHXH 1 lần từ 1,5 tháng lên 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH mỗi năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi. Những sửa đổi điều kiện hưởng BHXH 1 lần theo hướng hạn chế tối đa việc hưởng BHXH 1 lần, trừ 1 số trường hợp đặc biệt như: đã hết tuổi lao động mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc các bệnh hiểm nghèo. Điều này đã gây ra sự phản ứng dữ dội từ người lao động, thậm chí một số công nhân ở một số doanh nghiệp đã ngừng việc tập thể để phản đối quy định này. Do đó, Chính phủ đã nhất trí với kiến nghị của các Bộ, cơ quan, địa phương nêu trên và kiến nghị Quốc hội sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 theo hướng nếu NLĐ không đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì được hưởng BHXH 1 lần.

Thay đổi này đã được cụ thể hóa tại Điều 1 và 2 Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH 1 lần quy định:

1. NLĐ tham gia BHXH bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc, ngườitham gia BHXH tự nguyện sau 1 năm không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH khi có yêu cầu thì được nhận BHXH 1 lần.

2. Mức hưởng BHXH 1 lần đối với người tham gia BHXH bắt buộc được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính:

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Theo Điều 2 Thông tư số 23/2020/TT-BLĐTBXH, mức điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động bao gồm cả phần hưởng BHXH 1 lần áp dụng từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021 như sau:

Mức điều chỉnh ngày càng có xu hướng thu hẹp khiến mức lương bình quân dùng để tính phần hưởng BHXH 1 lần sụt giảm. Nó sẽ khiến phần NLĐ được hưởng khi nhận BHXH 1 lần thay vì nhận lương hưu cũng giảm theo.

Đồng thời cũng kể từ năm 2022, chính sách BHXH năm 2022 với nhiều thay đổi đáng chú ý, trong đó bao gồm người lao động nước ngoài được hưởng BHXH 1 lần khi nghỉ việc. Cụ thể:

Theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, chế độ BHXH 1 lần của người lao động nước ngoài sẽ được áp dụng từ ngày 01/01/2022. Do đó, căn cứ khoản 6 Điều 9 Nghị định này, người lao động nước ngoài tham gia BHXH sẽ được lấy BHXH 1 lần khi có yêu cầu nếu thuộc 1 trong các trường hợp sau:

1 - Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH.

2 - Đang mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: Ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

3 - Đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng không tiếp tục cư trú tại Việt Nam.

4 - Bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực mà không được gia hạn.

Như vậy, nếu sau khi chấm dứt hợp đồng lao động mà có nhu cầu rút BHXH 1 lần, NLĐ nước ngoài có thể làm hồ sơ đề nghị hưởng theo quy định. Còn về phần mức hưởng BHXH, chế độ của NLĐ năm 2022 vẫn áp dụng Nghị quyết số 93/2015/QH13 nhưng có bổ sung thêm: “NLĐ có thời gian đóng BHXH chưa đủ 1 năm thì mức hưởng BHXH 1 lần được tính bằng 22% của các mức tiền lương tháng đã đóng BHXH, mức tối đa bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH”.

3. Kết luận

Những chính sách pháp luật liên quan đến BHXH sẽ có những ảnh hưởng trực tiếp đến NLĐ. Việc NLĐ lựa chọn BHXH 1 lần có thể gây ra áp lực cho ngân sách trong việc chi trả cho NLĐ. Với mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ NLĐ ổn định cuộc sống khi về hưu, giảm gánh nặng đối với ngân sách khi phải gánh thêm phần hỗ trợ đối với những người không có lương hưu. Do đó, có thể thấy các chính sách pháp luật liên quan đến chế độ hưởng BHXH 1 lần ngày càng có xu hướng thắt chặt về mức điều chỉnh mức lương trung bình, đưa ra các điều kiện chặt chẽ hơn. Điều này góp phần hạn chế mức hưởng BHXH 1 lần.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2006), Luật số 71/2006/QH11 - Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.
  2. Quốc hội (2014), Luật số 58/2014/QH13 - Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.
  3. Quốc hội (2015), Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần.
  4. Quốc hội (2019), Bộ luật số 45/2019/QH14 - Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
  5. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (2020), Thông tư số 23/2020/TT-BLĐTBXH điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

 Changes in regulations on one-time social insurance allowance over years

Master. Tran Manh Toan

Faculty of Political Theory and Law

University of Economics - Technology for Industries

ABSTRACT:

Instead of claiming benefits at full retirement age, many Vietnamese workers are claining one-time social insurance allowance. However, most of these workers do not fully know about the social insurance and related regulations. This paper presents current regulations on one-time social insurance allowance, especially changes in these regulations over years to help workers understand the differences in calculating their social insurance allowance, implementation procedures, and required documents.

Keywords: one-time social insurance allowance, regime, adjusting level, pension, budget.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18.1, tháng 7  năm 2022]