Những vấn đề xung quanh cây thuốc lá nguyên liệu

Trong số Tạp chí kỳ 1, tháng 6/2005, Tạp chí Công nghiệp đã đăng phần đầu bài viết: “Những vấn đề xung quanh cây thuốc lá nguyên liệu” của tác giả Chu Phương. Trong số Tạp chí ra kỳ này, chúng tôi xin

 

Rối loạn thị trường - Tư thương đắc lợi

Chưa bước vào vụ mùa 2004-2005 mà cây thuốc lá nguyên liệu đã lên “cơn sốt cao”, thị trường thì “sôi ùng ục” vì Trung Quốc ngừng hẳn xuất khẩu nguyên liệu sang ta. Các NMTLĐ phải tìm biện pháp để có nguyên liệu và muốn đạt được mục đích, tất nhiên họ phải sử dụng mọi kế sách để tranh mua thuốc lá sấy từ tay nông dân.

Đối với tất cả các hộ trồng thuốc lá nguyên liệu thì hàng năm, ngay từ đầu vụ, các hộ này đã phải thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá với các công ty nguyên liệu, các công ty này phải có trách nhiệm đầu tư hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống, vật tư, ứng trước vốn và mua lại sản phẩm. Cụ thể là Công ty NLTLN, Công ty này và nông dân phải thực hiện theo tinh thần Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng và Nghị định số 76/2001/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động sản xuất và kinh doanh thuốc lá.

Tại Điều 5, Khoản 3 của Nghị định 76 có ghi rõ: “Những doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, xuất khẩu nguyên liệu thuốc lá phải ký hợp đồng trực tiếp và hỗ trợ nông dân hoặc hợp tác xã trồng cây thuốc lá theo qui hoạch và kế hoạch” và tại Khoản 3, Điều 9 của Nghị định này nêu rõ: “Không được mua nguyên liệu thuốc lá trên diện tích của những thương nhân khác đã đầu tư trồng và ký hợp đồng mua nếu không có sự thoả thuận”. Còn theo Quyết định 80, tại Điều 4 có đoạn viết: “Các doanh nghiệp không được tranh mua nông sản hàng hoá của nông dân mà doanh nghiệp khác đã đầu tư phát triển sản xuất. Không được ký hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá mà người sản xuất đã ký hợp đồng với doanh nghiệp khác”. Nghịch lý xảy ra là cả Nghị định 76 và Quyết định 80 này đều bị vô hiệu hoá. Nghĩa là trước tình trạng thiếu nguyên liệu, việc tranh mua diễn ra, ngoài các NMTLĐ, còn có tư thương cũng nhảy vào cuộc và với họ thì bất chấp mọi luật lệ, miễn là làm sao phải giành giật, thu mua nguyên liệu bằng được.

Trước tiên, các NMTLĐ và tư thương đã dùng biện pháp tranh mua nguyên liệu với giá cao hơn giá thu mua của các công ty nguyên liệu (là đơn vị đầu tư và ký hợp đồng). Được biết, giá thu mua của Công ty NLTLN cho đến thời điểm thu hoạch vụ 2004 - 2005 là 22.000 đồng/kg thuốc lá vàng sấy loại tốt nhất. Đây là giá mà công ty này đã nhiều lần điều chỉnh để phù hợp với sự gia tăng từng ngày, vì giá cả là do thị trường quyết định. Sự “leo thang” về giá tranh mua của tư thương và các đơn vị khác đã đạt đến đỉnh điểm, đơn giản vì họ không bỏ vốn đầu tư ban đầu cho nông dân và họ sẵn sàng nâng giá vượt hẳn từ 3.000-4.000 đồng/kg so với giá của Công ty NLTLN. Về phía Công ty NLTLN thì không thể nào chạy đua mãi được, vì là một DNNN gặp phải những bất lợi trong chính sách, cơ chế điều chỉnh giá, chi phí định mức quá sát với giá bán (CBCNV sẽ mất thu nhập nếu Công ty tiếp tục nâng giá theo thị trường)... và lại mất những khoản vốn đầu tư ban đầu. Còn về phía nông dân, khi thấy giá thị trường cao hơn, họ sẵn sàng phá hợp đồng với Công ty đã đầu tư cho họ. Thêm nữa, để việc tranh mua “tích cực” hơn, các đơn vị không có hợp đồng và tư thương sẵn sàng mua thuốc lá chưa đủ độ chín (mua non). Nông dân ta thì thấy cái lợi trước mắt nên đã thu hoạch nguyên liệu không cần chín, tức là bẻ lá xanh “vô tội vạ”, gây lãng phí rất lớn về công sức cũng như về chất lượng nguyên liệu.

Trước tình trạng đó, Công ty NLTLN đã có một loạt các biện pháp để ngặn chặn các hành vi tranh mua của tư thương và các đơn vị khác như kết hợp với chính quyền các địa phương từ huyện đến xã, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các hộ nông dân, không cho lưu thông và không cho xuất nguyên liệu ra khỏi địa bàn... Thậm chí, Vinataba còn vời cả các đoàn luật sư vào cuộc. Song tất cả, cũng chỉ dừng lại ở mức độ “giải pháp tình thế”. Vì trong bối cảnh “năm thừa-năm thiếu” như đã nói ở trên, Công ty NLTLN không thể mở rộng diện tích trồng, sản lượng nguyên liệu bị hạn chế, lại gặp phải cảnh không thể cạnh tranh được với tư thương và nông dân “bán lúa non” vì được giá thì phá hợp đồng, nên đành bó tay. Mặt khác, mặc dù Công ty này đã có phương án thành lập các Ban Quản lý sản phẩm tại các địa phương (năm 2004 đã thực hiện tại Ninh Thuận) nhưng không có hiệu quả, vì chưa có những qui định rõ ràng về trách nhiệm và quyền lợi của các địa phương trong việc quản lý thuốc lá nguyên liệu. Cụ thể là chi phí một khoản tài chính cho các chính quyền địa phương.

Tại Điều 10, Khoản 1 của Nghị định 76 nêu: “Các DN đầu tư trồng cây thuốc lá được trích trong giá mua nguyên liệu thuốc lá để lập Quĩ đầu tư trồng và chế biến nguyên liệu thuốc lá nhằm mục đích phát triển vùng nguyên liệu thuốc lá”. Có nghĩa là, Công ty NLTLN được phép trích 5% từ giá mua để thực hiện điều khoản trên, trong đó có 1% để chi cho các Ban Quản lý sản phẩm và từ đó sẽ chi trực tiếp cho địa phương. Nhưng khoản tiền trên vẫn không tới tận tay địa phương được, vì Công ty đã nâng giá định mức quá sát với giá bán để chạy đua với thị trường. Thêm nữa, nếu trích thẳng khoản tiền 1% đó cho các Ban Quản lý sản phẩm thì địa phương – cụ thể là các xã lại không được gì, vì đó là ngân sách Nhà nước nên rất khó khăn trong việc giải ngân (!?). Nói chung là qui định thì vẫn theo kiểu “chàng màng” mà quyền lợi cụ thể cho những trường hợp cụ thể vẫn chẳng thấy đâu. Còn về việc các Đoàn luật sư có can thiệp thì cũng chỉ là “đá ném ao bèo”. Tóm lại, trước tình hình trên, Công ty NLTLN đành phải trông mong vào việc các hộ nông dân “trung thành” với mình. Còn nếu cạnh tranh, mà cụ thể là cạnh tranh với hai công ty tư nhân là Thuỳ Trang và Thạnh Đông - đây là những DN đang thu mua thuốc lá nguyên liệu và họ “tung hoành” khắp các vùng nguyên liệu với chức năng trung gian, tức là họ thu mua nguyên liệu rồi bán lại cho các NMTLĐ, thì Công ty NLTLN sẽ có những thiệt hại không lường trước.

... Đôi điều trước đoạn kết

Trước những vấn đề bức xúc về câu chuyện cây thuốc lá nguyên liệu, Bộ Công nghiệp đã thành lập một Đoàn kiểm tra liên Bộ và vào thời điểm “nóng nhất” thì phái đoàn này đang tiến hành kiểm tra tại các địa phương có vùng trồng cây thuốc lá. Những kết luận hay quyết định về giải pháp vẫn còn chưa tường tỏ trong ngày một ngày hai, nhưng đây là một động thái tích cực nhằm giúp đỡ, trả lại công bằng cho các doanh nghiệp nguyên liệu thuốc lá và tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Cây thuốc lá nguyên liệu, ở địa phương này có thể chỉ là một loại cây trồng thứ yếu, nhưng ở địa phương khác thì đó là loại nông sản chiến lược. Chẳng hạn như tại tỉnh Tây Ninh, trước đây, tại các vùng như Bến Cầu hay Ninh Điền, Thành Long, Hoà Thạnh (giáp biên giới Campuchia) thì ruộng ở đây là đất bạc màu và có điều kiện khí hậu rất khắc nghiệt, nếu trồng lúa thì chỉ có thể trồng được một vụ vào mùa mưa, có quá nhiều thời gian nông nhàn. Nông dân ở đây nếu không đi làm thuê tại các địa phương khác thì cũng đi buôn lậu, rồi các tệ nạn xã hội… Khi đưa cây thuốc lá vào trồng tại các khu vực này đã làm thay đổi mạnh về cơ cấu cây trồng. Cây thuốc lá có vụ trồng ngắn ngày, đem lại thu nhập cao, trong một vụ (từ 3-4 tháng) bình quân có thể đạt 800.000 đồng/người/tháng, đó là những người làm công. Còn những hộ trực tiếp trồng có thể thu nhập từ 20-25 triệu đồng/vụ. Cây thuốc lá còn đem lại cái lợi nữa là cứ sau một vụ trồng, thì vùng ruộng bạc màu sẽ được nâng chất lượng đất (vì được xử lý bón phân, khử phèn khi trồng thuốc lá), nên nông dân có thể vừa trồng thuốc lá, vừa trồng lúa gối vụ. Cây thuốc lá đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế-xã hội ở các khu vực này. Hay ở tỉnh Gia Lai, thuốc lá được trồng tại các vùng như Krông-pa, A-yun-pa, đây là vùng có thuốc lá ngon nhất cả nước, thì cây thuốc lá đã thực sự xoá đói, giảm nghèo cho những người dân tộc Raglay, Ê-đê… hay những người Kinh đi vùng kinh tế mới. Ví dụ như gia đình bà Phạm Thị Kỷ, trú tại xã Phú Cầu, thôn Đông Hưng 5, huyện Krông-Pa, quê Thái Bình lên Tây Nguyên và trồng thuốc lá được 10 năm với diện tích 2 ha, gia đình bà có nguồn thu từ 30-35 triệu đồng/vụ, sau khi trừ các chi phí. Còn về việc cây thuốc lá đối với nguồn lợi cho đất nước, xin phép không đề cập nhiều (vì những nhạy cảm), chỉ xin được đưa ra một ví dụ mang tính minh hoạ là theo một quan chức, năm 2004 vừa qua, ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam đã thu về 52 triệu USD từ xuất khẩu…

Để tạo điều kiện cho việc phát triển các cùng nguyên liệu thuốc lá, trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, Chính phủ, Bộ Công nghiệp và cụ thể là TCty Thuốc lá Việt Nam cần tham khảo và thực hiện một số kiến giải sau:

- Khẩn trương thành lập Quĩ bảo hiểm cây trồng, nhằm giúp đỡ cho nông dân tại các vùng trồng thuốc lá, giảm bớt các thiệt hại khi gặp phải thiên tai (bão lụt, hạn hán…) hoặc các trường hợp bất khả kháng khác (dịch bệnh, biến động thị trường…). Trước mắt cần tạo ra quĩ dự trữ nguyên liệu và giao cho các công ty nguyên liệu quản lý hoặc hỗ trợ lãi suất để dự trữ nguyên liệu như đã đề cập ở trên.

- Nhà nước cần tăng giá bán của mặt hàng thuốc lá điếu, để qua đó sẽ khuyến khích người trồng và làm ổn định sản xuất nguyên liệu trong nước. Tuy nhiên, biện pháp này sẽ gặp phải một số trở ngại, vì các nhà máy thuốc lá điếu trong điều kiện cạnh tranh gay gắt sẽ không muốn tăng giá bán sản phẩm của mình.

- Chính phủ cần có chính sách, cơ chế cho vay vốn ưu đãi từ các nguồn như Quĩ hỗ trợ phát triển, Chương trình 135… tạo điều kiện huy động các nguồn tín dụng của Nhà nước, thông qua các hệ thống ngân hàng như Ngân hàng Phát triển nông thôn, Ngân hàng Thương mại… Tiếp tục khuyến khích hơn nữa bà con nông dân phát triển vùng nguyên liệu.

- Các cơ quan hữu trách cần đưa ra các luật định, chế tài có hiệu lực mạnh mẽ hơn nữa, trong việc chống phá giá thu mua nguyên liệu thuốc lá nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp đầu tư trồng thuốc lá và bảo vệ các vùng nguyên liệu.

- Cần có sự hỗ trợ về kinh phí mạnh hơn nữa cho công tác chống buôn lậu thuốc lá, có kế hoạch cụ thể và tích cực triển khai, triệt để chống thẩm lậu thuốc lá nguyên liệu qua biên giới.

- Hỗ trợ cho vay vốn không lãi suất, giúp cho nông dân có kinh phí trang bị các phương tiện và công cụ lao động tại các vùng trồng.

- Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, thuỷ lợi phù hợp với các qui hoạch chiến lược và các vùng trồng cụ thể. Đặc biệt là các vùng có tiềm năng về chất lượng và năng suất cao, phục vụ cho xuất khẩu. Thêm nữa, cần phải có những chính sách riêng, cụ thể đối với các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng xoá đói giảm nghèo…

Câu chuyện về cây thuốc lá nguyên liệu “nôm na” là như vậy, nhưng quả tình ẩn chứa trong đó là những bất cập, bức xúc cần được giải quyết. Một cơ chế, một luật định hay một chế tài để phát triển cây thuốc lá và tạo một sân chơi lành mạnh? Xin được để ngỏ cùng Chính phủ và các ngành hữu quan.

  • Tags: