Những vướng mắc trong quản lý công nghiệp địa phương

Hiện nay, công tác quản lý công nghiệp ở các địa phương vẫn còn nhiều bất cập, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực quy hoạch và quản lý các khu, cụm, điểm công nghiệp, thực hiện chính sách khuyến công và

Ông Nguyễn Thái An - Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp, Sở Công nghiệp TP.HCM: "Cần phải điều chỉnh lại quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn".

ở TP. HCM, Công nghiệp mới phát triển theo chiều rộng, chưa đi vào chiều sâu. Phần lớn số lao động trong ngành đều là lao động giản đơn, tỷ lệ lao động có tay nghề cao còn ít. Nguyên liệu cho ngành Công nghiệp Thành phố hầu hết đều phải nhập khẩu, tình trạng sản xuất còn phân tán, manh mún, mức độ tập trung tích tụ sản xuất công nghiệp chưa cao. Các xí nghiệp, cở sở công nghiệp còn đan xen với khu vực dân cư, gây ô nhiễm môi trường.

Để phát triển Công nghiệp TP.HCM một cách bền vững, ổn định, theo tôi, cần phải quy hoạch lại (điều chỉnh lại quy hoạch) trên địa bàn sao cho hợp lý, để từ đó tập trung vào một số ngành mũi nhọn mà Thành phố có tiềm năng, đồng thời phải có quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Có như vậy, ngành Công nghiệp mới trở thành đầu tầu thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

 Ông Bùi Đức Xuân Giám đốc Sở Công nghiệp Bình Dương: Cần có chính sách thông thoáng để phát triển công nghiệp bền vững

Bình Dương là một trong những địa phương thành công trong việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Từ năm 1991 cho đến tháng 09/2004, Bình Dương đã phát triển được 12 KCN lớn và 7 cụm công nghiệp, riêng các doanh nghiệp nước ngoài cho đến nay đã thu hút được 853 dự án, trong đó có 412 dự án với tổng vốn đầu tư là 1,9 tỷ USD. Vì tốc độ phát triển công nghiệp quá nhanh nên có nhiều bất cập. Một trong những vấn đề mà lãnh đạo quan tâm là vấn đề môi trường, nổi cộm lên là việc xử lý chất thải công nghiệp (chất thải rắn). Thường các DN chỉ xử lý dạng cục bộ, mạnh DN nào chỉ lo phần xử lý nước thải của mình, còn việc xử lý tổng thể thì không cần biết đến, vì cho rằng phần này các chủ đầu tư và lãnh đạo địa phương phải lo.

Một vấn đề khác là nhân lực. Việc đào tạo nhân lực địa phương gặp nhiều khó khăn, Bình Dương chỉ sử dụng được 16% công nhân địa phương, phần còn lại do các lao động nhập cư trong khi chưa xây dựng được một khu nhà ở nào hoàn thiện nên cuộc sống công nhân, lao động hiện rất vất vả, thiếu thốn tiện nghi, mất vệ sinh, gây ra nhiều bệnh tật và rối loạn trật tự an ninh xã hội.

Để giải quyết những vướng mắc trên, Bình Dương đã làm lễ khởi công xây dựng nhà máy xử lý chất thải do công ty cấp thoát nước của tỉnh làm chủ đầu tư. Đây là dự án của tỉnh từ năm 2002 đến nay mới được thực hiện, tổng số vốn là 208 tỷ VNĐ, sử dụng vốn ODA Phần Lan là 60%, còn lại là ngân sách của tỉnh, trang thiết bị của Tây Ban Nha với tổng diện tích là 74,5 ha dự kiến cuối năm 2006 đưa vào vận hành.

Sở Công nghiệp cùng với ban lãnh đạo của tỉnh Bình Dương cùng kiến nghị với các bộ, ngành của TW có liên quan quan tâm, hỗ trợ cho tỉnh một chính sách rõ ràng, thông thoáng để từ đó Bình Dương sẽ có những giải quyết & xử lý những bất cập trong phát triển công nghiệp trong những năm tới.

 Bà Phan Thị Mỹ Thanh Giám đốc Sở Công nghiệp Đồng Nai: Còn ít dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao

Việc “lắp đầy khu công nghiệp” được xem là mục tiêu hàng đầu  trong tiêu chí xếp loại các khu công nghiệp đa chức năng đã hình thành, điều này dẫn đến việc tồn tại nhiều ngành sản xuất đối lập nhau cả về phương thức sản xuất, vệ sinh an toàn đến xử lý môi trường, làm hạn chế việc hình thành các khu công nghiệp theo chức năng riêng biệt, chuyên sản xuất ổn định một số mặt hàng để phát huy lợi thế cạnh tranh của sản phẩm đặc thù;

Dự án đầu tư vào các khu công nghiệp trong thời gian qua chủ yếu thuộc các lĩnh vực : dệt da, may mặc, chế biến nông lâm sản, ít dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao; địa bàn đầu tư lại thường tập trung tại những nơi thuận tiện về đường giao thông, sân bay và cảng biển, chưa hình thành được hệ thống khu công nghiệp gắn với địa bàn nông nghiệp và nông thôn;

Việc quy hoạch hệ thống xử lý chất thải chung cho toàn khu công nghiệp đều được đề cập, nhưng tình trạng ô nhiễm trong các khu công nghiệp vẫn chưa được xử lý một cách triệt để, có khoảng 36% doanh nghiệp có hệ thống xử lý chất thải với mức độ xử lý còn thấp, tình trạng ô nhiễm khí thải, chất thải rắn, tiếng ồn..v.v... chưa được kiểm soát chặt chẽ;

Hệ thống cơ sở hạ tầng-kinh tế bên ngoài các Khu công nghiệp kém phát triển và thiếu đồng bộ, đặc biệt là các khâu dịch vụ-phục vụ như nhà ở công nhân, xe đưa đón công nhân và các nhu cầu khác về văn hóa, giáo dục, đồng thời nhiều hạng mục công trình hạ tầng như giao thông, cấp thoát nước chưa được đầu tư sửa chữa kịp thời;

Việc đền bù và giải tỏa mặt bằng trong các khu công nghiệp còn kéo dài thời gian, phí sử dụng hạ tầng của các khu công nghiệp còn khá cao nên hạn chế việc thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp;

Hệ thống đào tạo nghề còn nhiều bất cập giữa nhu cầu sử dụng và khả năng đào tạo.

Bà Nguyễn Thị Minh Yến - Trưởng phòng Kinh tế Kế hoạch quận Hoàn Kiếm: “Cần có những quy định và chế tài cụ thể cho UBND Quận trong việc kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn”.

                Trên địa bàn Quận Hoàn Kiếm hiện có khoảng hơn 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp dân doanh và quốc doanh. Nhiệm vụ của chúng tôi là quản lý hoạt động của các cơ sở này, nhưng thực chất chúng tôi lại không có nhiều quyền hạn để quản lý họ. Các hoạt động của các doanh nghiệp đều được họ báo cáo thẳng lên thành phố, là nơi họ trực tiếp đăng ký kinh doanh. Vì vậy, nếu chúng tôi muốn có những số liệu cụ thể về hoạt động của họ thì gần như phải “đi xin”, hoặc lên Thành phố và sang Cục Thuế mới lấy được. Chính vì vậy, vai trò của Phòng ở cấp Quận bị xem nhẹ. Ngay cả những việc liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, ví dụ như triệu tập đi họp để nghe phổ biến về các quy định pháp luật đối với doanh nghiệp, thì sự hưởng ứng của họ cũng không thật sự tích cực, nhiều đơn vị không cử người đi họp hoặc cử không đúng thành phần triệu tập.

                Về vấn đề quản lý môi trường, theo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) thì UBND phải phối hợp với Sở Tài nguyên môi trường để xử phạt các doanh nghiệp khi có các vi phạm về môi trường. Tuy nhiên, hình thức xử phạt từ 200 nghìn đến 500 nghìn vẫn còn nhẹ so với những thiệt hại mà môi trường xung quanh cũng như con người phải hứng chịu.

Chúng tôi xin kiến nghị với Nhà nước cũng như Thành phố cần có thêm những quy định và chế tài cụ thể đối với cấp Quận trong việc quản lý hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Có vậy, công tác quản lý mới đạt hiệu quả.  

ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Công ty Gạch ốp lát Thái Bình: Tỉnh luôn tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp đầu tư phát triển.

Theo tôi, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, qui hoạch phát triển công nghiệp của Tỉnh đến năm 2010 đã mở ra cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh nói chung và doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh vật liệu xây dựng nói riêng của Thái Bình có điều kiện phát triển. Căn cứ vào các qui hoạch này, từ năm 1997, Công ty Gạch ốp lát Thái Bình đã lập dự án đầu tư 1 dây chuyền sản xuất gạch lát nền của Italia, công nghệ Tây Ban Nha, công suất 1 triệu m2/năm, với giá trị đầu tư hơn 70 tỷ đồng. Thuận lợi về nguồn nguyên liệu khí đốt Tiền Hải, lại được sự quan tâm, nhiệt tình giúp đỡ của chính quyền địa phương trong việc giải phóng mặt bằng, bảo lãnh cho vay vốn, nên Công ty đã nhanh chóng hoàn thiện dự án và đi vào hoạt động đạt chất lượng, hiệu quả cao. Tới nay, với 2 dây chuyền luôn sản xuất hết công suất, hàng năm, hàng vạn m2 sản phẩm gạch ốp lát Thái Bình đã có mặt ở khắp mọi miền đất nước và thị trường nước ngoài. Nếu mọi việc thuận lợi, Công ty sẽ đầu tư thêm 1 dây chuyền nữa để sử dụng khí đốt từ mỏ Thái Thọ sang. Hiện nay, Công ty đang trong tiến trình CPH doanh nghiệp, dự kiến sẽ hoàn thành vào đầu năm 2005. Tuy nhiên, khó khăn lớn đối với chúng tôi là sau CPH, việc vay vốn của ngân hàng thương mại có lẽ sẽ khó khăn hơn, vì vẫn có sự kỳ thị về công ty cổ phần. Bên cạnh đó, Công ty Gạch ốp lát Thái Bình hiện vẫn đang rất thiếu cán bộ kỹ thuật, đặc biệt là cán bộ ngành silicát, tự động hoá... Vì vậy, để các doanh nghiệp có điều kiện phát huy khả năng và đóng góp của mình, chúng tôi đề nghị Tỉnh cần có những chính sách cụ thể hơn để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc vay vốn, cũng như chính sách thu hút nguồn lao động có chất lượng cao về với các doanh nghiệp ở địa phương, cùng doanh nghiệp xây dựng và phát triển quê hương./.

  • Tags: