Trong suốt 65 năm qua xây dựng và phát triển, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đã thể hiện được vai trò chủ công trên mặt trận kiểm tra, kiểm soát thị trường,góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ, ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính được chính phủ, cấp ủy và chính quyền địa phương ghi nhận.
Đến nay tổ chức bộ máy theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương đã hoàn chỉnh, trụ sở làm việc từng bước được xây mới, phương tiện, trang thiết bị làm việc được mua sắm tập trung và tương đối đầy đủ.
Với tổ chức bộ máy từng bước chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại, trong những năm gần đây nhiều vụ việc vi phạm điển hình đã được lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý, đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng như: Cổng thông tin điện tử của ngành, các trang báo, phóng sự truyền hình, tạp chí của lực lượng, fanpage, zalo, tittok... phần nào nói lên được tầm quan trọng, sức ảnh hưởng của một lực lượng chủ công trên mặt trận đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Hình ảnh những chiếc áo xanh dương mới ngày nào thay đổi giờ đã trở nên thân quen với các tổ chức, cá nhân kinh doanh, chính quyền địa phương, các ngành chức năng và người tiêu dùng.
Bằng việc mạnh dạn trong chuyển đổi số, đưa vào áp dụng nhiều phần mềm trong hoạt động công vụ đã góp phần giúp cho hoạt động của lực lượng được nhanh chóng, kịp thời, quản lý chặt chẽ, khoa học và ngày càng chuyên nghiệp, nhất là hệ thống xử phạt vi phạm hành chính INS.
Bên cạnh đó chất lượng công chức cũng từng bước được nâng cao qua hệ thống đào tạo, tập huấn thường xuyên, liên tục từ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, tin học, ngoại ngữ... do vậy đội ngũ công chức ngày một nâng lên theo cầu chính quy, đáp ứng tốt nhiệm vụ trong tình hình thực tiễn mới.
Bên cạnh những thành tích, kết quả đạt được trong những năm gần đây, nhất là từ sau khi thành lập Tổng cục Quản lý thị trường, vẫn còn đó những thách thức đặt ra cho công tác quản lý thị trường như: Vấn nạn hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng... với đối tượng đa dạng, hành vi, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường, có nhiều yếu tố nước ngoài tham gia.
Do đó, để công tác quản lý thị trường trong thời gian tới được thực hiện tốt hơn, đáp ứng yêu cầu và thích nghi với sự phát triển của kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, lực lượng Quản lý thị trường cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, nhất là công chức trẻ, hạt nhân tương lai của lực lượng cần được đào tạo bài bản, chính quy, trưởng thành từ kiến thức lẫn kinh nghiệm thực tiễn; quan tâm đảm bảo về chất lượng và cả số lượng cán bộ cho từng địa phương, đơn vị để đáp ứng yêu cầu quản lý đối với số lượng tổ chức, cá nhân kinh doanh ngày càng tăng như hiện nay.
Thứ hai, tăng cường chuyển đổi số, đưa vào sử dụng hệ thống phần mềm trong hoạt động quản lý, hoạt động công vụ; đáp ứng đầy đủ, hiện đại các phương tiện, nhạy bén trong công tác nắm bắt các hoạt động kinh doanh trên không gian mạng( fanpage, zalo, tittok…..). trụ sở, trang thiết bị làm việc, nhất là các thiết bị nhận biết đối tượng, hành vi, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Thứ ba, thường xuyên rà soát kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật của lực lượng QLTT và hoạt động kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính; từng bước tạo sự răn đe kịp thời, nghiêm minh nhưng không để xảy ra kẽ hở, chồng chéo, gây khó khăn cho hoạt động quản lý và quyền lợi của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng.
Thứ tư, lực lượng QLTT cần nắm chắc quy trình chuyên môn, nghiệp vụ, bám sát địa bàn, thị trường, tình hình, diễn biến, các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng kinh doanh để có chương trình, kế hoạch, giải pháp tuyên truyền, kiểm tra, xử lý, chú trọng công tác truyền thông, giáo dục, răn đe các đối tượng vi phạm, khuyến cáo người tiêu dùng.
Thứ năm, cần có sự trao đổi thông tin liên tục, kịp thời, nhịp nhàng, hiệu quả trong lực lượng và ngoài lực lượng với yêu cầu cao trong công tác ngoại giao, để từ đó nắm bắt thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ thông tin về các đối tượng, hành vi vi phạm pháp luật diễn ra trên thị trường, địa bàn quản lý.
Thứ sáu, tiếp tục quan tâm xây dựng văn hoá công sở, văn hoá công vụ, quy tắc ứng xử của lực lượng, cải cách hành chính; xây dựng được lực lượng QLTT ngày một chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bám sát 20 chữ vàng “Hành động quyết liệt, Siết chặt kỷ cương, Lãnh đạo nêu gương, Phối hợp muôn phương, Hoàn thành nhiệm vụ”.