Chính quyền đồng hành vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Thời gian qua, Ninh Bình đã chú trọng đầu tư, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp như Gián Khẩu, Khánh Phú, cụm công nghiệp Khánh lợi, Văn Phong... tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng giao thông, điện, nước và viễn thông. Cùng với đó, việc nghiên cứu mở rộng quy hoạch các khu, cụm công nghiệp mới và tạo quỹ đất sạch cũng được tỉnh khẩn trương thực hiện, nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp.
Để các hoạt động xuất nhập khẩu không bị gián đoạn, ngành Hải quan Ninh Bình đã tổ chức làm việc ngoài giờ, kể cả ngày nghỉ, để hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục nhanh chóng, tránh ách tắc hàng hóa. Đây là động thái thiết thực thể hiện sự đồng hành sát sao của cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp.
Không chỉ dừng lại ở hạ tầng và thủ tục hành chính, tỉnh Ninh Bình còn chỉ đạo Sở Công Thương phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tổ chức các lớp tập huấn về các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế, nắm bắt quy tắc xuất xứ và mở rộng thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình cũng chủ động tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý, đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với các bộ, ngành Trung ương trong việc kiến nghị điều chỉnh các chính sách thuế, phí phù hợp với thực tế sản xuất và thị trường.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã nhận được sự quan tâm kịp thời từ chính quyền địa phương. Tại buổi công tác đi thực tế tại các doanh nghiệp trong khu-cụm công nghiệp, ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đã động viên, nắm bắt tình hình, yêu cầu các sở, ngành phối hợp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa để các dự án đầu tư hạ tầng và đầu tư sản xuất đi vào hoạt động đúng tiến độ, đóng góp cho ngân sách và giải quyết việc làm địa phương.
Dưới sự đồng hành sát sao từ chính quyền, nhiều doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp của Ninh Bình đã thể hiện tinh thần vượt khó, chủ động đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường, linh hoạt tìm hướng tới phát triển bền vững. Trong đó phải kể đến HTMV - doanh nghiệp đầu tàu trong lĩnh vực công nghiệp ô tô - là ví dụ tiêu biểu. HTMV là liên doanh giữa Tập đoàn Hyundai Motor Hàn Quốc và Tập đoàn Thành Công (KCN Gián Khẩu). Năm 2024, Công ty đạt doanh thu gần 6.500 tỷ đồng, xuất khẩu thành phẩm sang các nước ASEAN như Thái Lan, Myanmar và đang tích cực mở rộng sang Malaysia, Brazil... Trong năm 2025, HTMV đã đưa vào vận hành dây chuyền lắp ráp động cơ mới - một bước đi chiến lược nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và giảm phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu.

Bên cạnh HTMV, Công ty TNHH Đạm Ninh Bình cũng là điển hình cho sự phục hồi và bứt phá. Năm 2024, doanh thu đạt gần 4.900 tỷ đồng, xuất khẩu đạt gần 35 triệu USD, sản lượng urê quy đổi cao nhất từ trước tới nay. Công ty còn tiên phong đầu tư công nghệ xanh, như hệ thống điện mặt trời, hệ thống quan trắc khí thải, tăng cường trồng cây xanh - góp phần tạo dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững.
Tại cụm công nghiệp Gia Phú, Công ty TNHH điện tử chính xác Hợp Chí Việt Nam đang khẩn trương hoàn thiện nhà máy kỹ thuật điện tử với vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tạo việc làm cho 750 lao động địa phương, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và phát triển ngành công nghiệp điện tử tại Ninh Bình.
Xây dựng hệ sinh thái sản xuất kinh doanh chuyên nghiệp, hiện đại và thân thiện môi trường
Giai đoạn tới, Ninh Bình tiếp tục khẳng định cam kết đồng hành dài hạn cùng cộng đồng doanh nghiệp, không chỉ để giải quyết khó khăn ngắn hạn mà còn hướng tới xây dựng hệ sinh thái sản xuất – kinh doanh chuyên nghiệp, hiện đại và thân thiện môi trường.

Các sở, ban, ngành tiếp tục nâng cao năng lực tư vấn pháp lý, hỗ trợ kỹ thuật, mở rộng liên kết vùng và quốc tế, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp địa phương và thị trường toàn cầu. Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp phụ trợ, tạo nền tảng để các doanh nghiệp lớn có thể tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm phụ thuộc nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh.
Tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu hình thành các mô hình khu công nghiệp xanh, cụm công nghiệp sinh thái, lấy đổi mới công nghệ và chuyển đổi số làm trung tâm để thu hút đầu tư chất lượng cao, bền vững.
Có thể khẳng định, việc chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp chính là “chìa khóa” để Ninh Bình tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội, hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng bền vững trong năm 2025 và những năm tiếp theo.