Ninh Bình: Đẩy nhanh giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp

9 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ghi nhận mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước.

Sở Công Thương đang phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng những tháng cuối năm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh Ninh Bình trong tháng 9 năm 2024 ước tính tăng 13,73% so với cùng kỳ. Tính chung lại kết quả 09 tháng đầu năm 2024, IIP toàn tỉnh tăng 11,92%, trong đó ngành khai khoáng tăng 15,62%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,42%; sản xuất và phân phối điện tăng 27,57%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,91%.

KCN Giám Khẩu
Ninh Bình tập trung giải phóng mặt bằng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp

Trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, một số ngành công nghiệp cấp II có chỉ số sản xuất tăng cao, góp phần vào tốc độ tăng chung của toàn ngành công nghiệp như: sản xuất xe có động cơ tăng 15,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác gấp 3,2 lần; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 26,35%; sản xuất hóa chất và các sản phẩm hóa chất tăng 25,41%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy gấp 2,5 lần.

Giá trị sản xuất công nghiệp 09 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh Ninh Bình ước đạt 74.455,6 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: khai khoáng đạt 894,3 tỷ đồng, tăng 17,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 72.526,6 tỷ đồng, tăng 9,2%; sản xuất và phân phối điện đạt 872,5 tỷ đồng, tăng 24,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải đạt 162,2 tỷ đồng, tăng 5,9%.

CCN Gia Vân
Cụm Công nghiệp Gia Vân, huyện Gia Viễn , tỉnh Ninh Bình

Xác định công nghiệp là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, thời gian qua tỉnh Ninh Bình đã đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5 khu công nghiệp (KCN) và 19 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu các doanh nghiệp trong các khu cụm công nghiệp đạt 59.807 tỷ đồng, trong đó từ các KCN là 50.636 tỷ đồng, tăng 17,2% và từ các CCN là 9.171 tỷ đồng, tăng 35,8% so với cùng kỳ. Qua đó, tạo việc làm cho 69.503 lao động và nộp ngân sách nhà nước khoảng 8.530 tỷ đồng.

Giai đoạn tới, tỉnh Ninh Bình tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt và thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, tạo nhiều quỹ đất sạch làm cơ sở để xúc tiến, thu hút đầu tư vào các khu cụm công nghiệp. Tỉnh sẽ triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành công nghiệp, tiếp tục định hướng phát triển và thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp; đổi mới hoạt động xúc tiến cả về nội dung và phương thức thực hiện, ưu tiên các lĩnh vực lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ ôtô, điện tử, du lịch…; đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện hạ tầng, đất đai, nguồn nhân lực nhằm nắm bắt thời cơ thu hút nguồn lực bên ngoài, đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn FDI và các nhà đầu tư mới.

Công ty TNHH
Công ty TNHH MCNEX VINA đầu tư sản xuất kinh doanh tại Khu Công nghiệp Phúc Sơn, Phường Ninh Sơn, Thành phố Ninh Bình, Tỉnh Ninh Bình.  

Sở Công Thương Ninh Bình tiếp tục triển khai quản lý chặt chẽ, phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, phối hợp với các đơn vị có liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm triển khai đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật KCN Phúc Sơn, KCN Gián Khẩu mở rộng, CCN Trung Sơn, CCN Khánh Hải I và CCN Khánh Hải II tạo mặt bằng thu hút nhà đầu tư thứ cấp; nghiên cứu, lập quy hoạch phân khu xây dựng mới các CCN: Ninh Vân, Khánh Lợi II, Chất Bình và mở rộng các CCN: Gia Lập, Gia Phú, Văn Phong.

Chung Thắng