Doanh thu của các CCN trên địa bàn Tỉnh năm 2023 đạt trên 12.881 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 30.800 lao động.
Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, toàn tỉnh Ninh Bình có 24 CCN với tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.254 ha. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện, xây dựng hạ tầng các CCN và kết nối hạ tầng giao thông.
Tỉnh huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng trong đó có giao cho các doanh nghiệp tư nhân có đủ năng lực, nguồn vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng, đã giúp cho các địa phương trong tỉnh mở rộng các CCN, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp phụ trợ, phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất ô-tô; sản xuất linh kiện điện tử; hỗ trợ phát triển các ngành nghề truyền thống, làm gia tăng các sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động các CCN, Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình thường xuyên chỉ đạo Trung tâm Khuyến công xúc tiến thương mại và Phát triển cụm công nghiệp trao đổi, nắm bắt tình hình đầu tư xây dựng, hoạt động sản xuất kinh doanh, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng CCN, nhà đầu tư thứ cấp trong các cụm công nghiệp trên địa bàn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kịp thời xem xét, giải quyết.
Hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã thành lập, mở rộng 19 CCN với tổng diện tích 744,5128 ha, đất công nghiệp có thể cho thuê là 571,13a; trong đó 14 CCN đi vào hoạt động với tổng diện tích thành lập 530,51ha; đất công nghiệp có thể cho thuê là 414,47ha, đã cho thuê là 315,56ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 76,14%.
Trong năm 2023, các CCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút 13 dự án mới với diện tích cho thuê là 22,3653 ha, tổng vốn đầu tư 2.018,017 tỷ đồng (07 dự án sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, 02 dự án công nghiệp hỗ trựo cho ngành công nghiệp ô tô, 01 dự án sản xuất giấy, 01 dự án điện tử, 02 dự án lĩnh vực khác) qua đó nâng số dự án thứ cấp trong CCN lên 364 dự án (108 dự án của doanh nghiệp và 256 dự án hộ gia đình) với tổng diện tích cho thuê là 315,56ha, tổng vốn đăng ký đầu tư là 20.539,2 tỷ đồng. Doanh thu của các CCN trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2023 ước đạt 12.881,09 tỷ đồng, tăng 12,2% so với năm 2022, nộp ngân sách ước đạt 222,44 tỷ đồng.
Hiện nay, các doanh nghiệp trong CCN trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tạo việc làm cho trên 30.800 lao động với mức thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/người/tháng. Trong đó phần lớn là doanh nghiệp FDI có năng lực kinh doanh tốt, môi trường làm việc chuyên nghiệp. Tại các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp, người lao động có chế độ đãi ngộ, phúc lợi tốt, được đóng bảo hiểm theo đúng quy định.
Để các CCN đóng góp tich cực vào thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương, tỉnh Ninh Bình yêu cầu các ngành chức năng đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ thành lập mới, mở rộng cụm công nghiệp. Tăng cường xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, kết hợp ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược, phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
Sự phát triển của các CCN trên địa bàn tỉnh Ninh Bình sẽ góp phần tăng thu ngân sách cho nhà nước, đồng thời gắn với giải quyết việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao đời sống người dân, nhất là ở khu vực nông thôn.