Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình, từ đầu năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều thách thức, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của của các cấp chính quyền, nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã được triển khai đồng bộ, có hiệu quả toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt chú trọng công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì và phát triển, đẩy mạnh sản xuất.
Nhờ đó, sản xuất công nghiệp của Ninh Bình vẫn duy trì mức tăng trưởng khá so với năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 toàn tỉnh Ninh Bình ước đạt gần 50.140 tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 45,7% kế hoạch năm.
Đặc biệt, cùng với sự phát triển chung của địa phương, chương trình khuyến công tỉnh Ninh Bình đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các địa bàn nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, thực hiện xây dựng mô hình nông thôn mới trên địa bàn các huyện, thành phố.
Trong năm 2022, chương trình khuyến công tỉnh Ninh Bình đã hỗ trợ xây dựng 1 mô hình, hỗ trợ 19 cơ sở ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, tổ chức 2 lớp tập huấn chuyên đề, khởi sự doanh nghiệp cho 260 người, hỗ trợ 10 cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia gian hàng hội chợ trong nước… Thông qua các chương trình khuyến công đã khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn thúc đẩy sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ....
Chương trình khuyến công tỉnh Ninh Bình năm 2022 được đánh giá là đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình khuyến công từng giai đoạn. Nội dung hoạt động khuyến công cụ thể, rõ ràng phù hợp với nhu cầu, khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn. Chính sách khuyến công được dần hoàn thiện đã kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, giúp các doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất. Công tác khuyến công trên địa bàn Ninh Bình hỗ trợ có hiệu quả, đúng hướng, đúng đối tượng, đúng múc đích phát huy được lợi thế vùng nguyên liệu sẵn có của địa phương, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Tuy nhiên, công tác khuyến công hiện nay cũng được đánh giá còn có những hạn chế, như nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn chưa hiểu rõ về chính sách khuyến công, các nội dung của hoạt động khuyến công; chưa chú trọng công tác xây dựng thương hiệu, tăng cường quảng bá, xúc tiến thị trường tiêu thụ.
Để khắc phục các hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến công trong năm 2023, Sở Công Thương Ninh Bình cho biết sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương hàng năm đảm bảo đúng tiến độ nguồn kinh phí mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo hoàn thành đề án khuyến công theo đúng nội dung, tiến độ và sử dụng kinh phí đúng mục đích, chế độ chính sách cũng như các quy định khác về quản lý hoạt động khuyến công.
Phối hợp với các cơ quan tuyên truyền, xây dựng chương trình và dành thời lượng phát sóng cần thiết để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về khuyến công của Nhà nước trên Đài truyền hình, Đài phát thanh của trung ương, của tỉnh.
Cùng với đó, là tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công tại địa phương, chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định về xây dựng, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công của tỉnh cho phù hợp với các văn bản pháp luật của Nhà nước.
Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác khuyến công theo hướng tăng cường công tác quản lý nhưng cũng giảm bớt thủ tục hành chính cho các cơ sở được lựa chọn tham gia hoạt động khuyến công. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công.