Theo đó, hoạt động khuyến công tỉnh Thái Bình trong 10 năm qua đã tổ chức thực hiện 466 chương trình, đề án khuyến công. Trong đó: Kinh phí khuyến công quốc gia (KCQG) hỗ trợ cho 54 chương trình, đề án khuyến công; Kinh phí khuyến công địa phương (KCĐP) hỗ trợ cho 412 chương trình, đề án khuyến công. Đồng thời, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Thái Bình cũng đã thực hiện hỗ trợ 947 cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh trong đó: Kinh phí KCQG đã hỗ trợ 58 cơ sở; Kinh phí KCĐP của tỉnh đã hỗ trợ 947 cơ sở.
Cụ thể, về hoạt động KCQG từ năm 2012 đến 2022 đã tổ chức, đào tạo nghề may công nghiệp cho 1.960 lao động nông thôn (gồm 56 lớp đào tạo. Bên cạnh đó, hoạt động KCQG cũng hỗ trợ xây dựng 9 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới. Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN – TTCN) cho 50 cở sở CNNT.
Song song với đó, trong 10 năm qua hoạt động KCĐP cũng đã tổ chức, đào tạo nghề cho 13.560 lao động. Số lao động có việc làm đạt tỷ lệ trung bình trên 70% tạo thu nhập ổn định cho người lao động. Công tác hỗ trợ đào tạo nghề, truyền nghề, phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) nhằm phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn và tăng thu nhập của người lao động, tăng lợi nhuận của cơ sở CNNT và sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.
Ngoài ra, hoạt động KCĐP đã tổ chức đào tạo nâng cao năng lực quản lý, khởi sự doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, tăng cường khả năng kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã sản xuất CNNT đã tổ chức cho 3.593 người tham dự. Các lớp đào tạo đã giúp tổ chức, cá nhân, các cơ sở CNNT nắm vững thủ tục pháp lý thành lập doanh nghiệp, nâng cao nhận thức về kinh doanh, ý tưởng kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh, phân tích khách hàng tiềm năng, đối thủ cạnh tranh, kế hoạch marketing và nâng cao năng lực quản lý, hợp lý hoá sản xuất đã góp phần cho việc thành lập doanh nghiệp cũng như tăng cường khả năng kinh doanh của cơ sở CNNT.
Đáng chú ý, trong 10 năm qua hoạt động KCĐP đã triển khai hỗ trợ xây dựng 1 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, công nghệ mới; Hỗ trợ 520 cơ sở ứng dụng máy móc hiện đại và tiếp nhận chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào các khâu sản xuất và xử lý ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó, hoạt động KCĐP đã hỗ trợ 7 Chương trình Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, trong đó hỗ trợ 1 cơ sở CNNT tham gia hội chợ triển lãm trong nước và hỗ trợ kinh phí tổ chức chấm điểm, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, huyện cho 130 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Đồng thời, kinh phí KCĐP hỗ trợ cung cấp thông tin về các chính sách phát triển công nghiệp, khuyến công bao gồm các chương trình: Tuyên truyền trên các cơ quan báo đài Trung ương và địa phương, phát hành 28 Bản tin Công Thương; hỗ trợ kinh phí cho 7 cụm công nghiệp được hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết và 4 cụm liên kết doanh nghiệp công nghiệp, hiệp hội, hội ngành nghề.
Ngoài các hoạt động khuyến công thực hiện theo các chương trình nêu trên, nguồn kinh phí KCĐP còn thực hiện một số nội dung khác để hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn như khảo sát thu thập thông tin các cơ sở CNNT; Tổ chức lễ phát động doanh nghiệp thi đua đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; Khen thưởng các làng nghề, xã nghề mới và Hội nghị cấp bằng công nhận làng nghề; Soạn thảo văn bản, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách về hoạt động khuyến công; Tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về an toàn điện; Tổ chức tập huấn về an toàn thực phẩm; Tổ chức đoàn cán bộ đi học tập kinh nghiệm công tác quản lý nhà nước cụm công nghiệp (Theo Nghị định số 68/NĐ-CP, tại một số tỉnh); Hội nghị "Tuyên truyền chủ trương, chính sách hỗ trợ, quy trình thực hiện sản xuất sạch hơn trong công nghiệp" cho 79 chương trình, đề án.
Đánh giá về thực hiện chương trình khuyến công trong 10 năm qua, ông Trần Ngọc Phúc - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình cho biết: Các hoạt động khuyến công đã và đang được thực hiện đã góp phần huy động các nguồn lực vào đầu tư phát triển công nghiệp nông thôn theo mục tiêu, định hướng của tỉnh; mang lại hiệu quả kinh tế xã hội đáng kể, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Các chương trình hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, chuyển giao công nghệ, đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp,... đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động, phát triển đời sống văn hóa, thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển và gia tăng giá trị sản xuất.
Hoạt động khuyến công đã giúp các cơ sở CNTT có được hướng đầu tư đúng, hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, mở rộng thị trường tiêu thụ. Bên cạnh hỗ trợ sản xuất công nghiệp, hoạt động khuyến công đã góp phần phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng nghề bảo tồn phát triển nghề truyền thống, du nhập nghề mới, mở rộng sản xuất đặc biệt là các sản phẩm phục vụ xuất khẩu. Từ thực tế trên nhận thức của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp về vai trò, vị trí hoạt động khuyến công đã ngày càng được nâng cao.