Hoạt động khuyến công tỉnh Lâm Đồng bắt đầu thực hiện từ cuối năm 2003. Từ năm 2004 thực hiện hình thức hỗ trợ đó là hỗ trợ có thu hồi kinh phí và hỗ trợ không thu hồi kinh phí theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh. Các nội dung hoạt động khuyến công được triển khai thực hiện một cách đầy đủ theo Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09/6/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn kể từ năm 2005 khi UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 215/QĐ-UBND ngày 26/11/2004 về việc thành lập Trung tâm Khuyến công tỉnh Lâm Đồng.
Từ năm 2004 - 2023, Khuyến công tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện 274 đề án hỗ trợ có thu hồi với tổng kinh phí hơn 84 tỷ đồng. Mục đích của hình thức hỗ trợ vốn có thu hồi trên nhằm khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn(CNNT) đầu tư phát triển sản xuất. Và chỉ khi doanh nghiệp có đề án đầu tư cho phát triển sản xuất thì mới được hỗ trợ một phần kinh phí. Mức hỗ trợ căn cứ trên tổng mức đầu tư của đề án và chủ yếu hỗ trợ xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị, thời gian hỗ trợ từ 3 đến 5 năm.
Việc thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp bằng hình thức hỗ trợ có thu hồi vốn là mô hình hoạt động mang lại hiệu quả cao trong việc sử dụng nguồn ngân sách tỉnh từ Chương trình khuyến công trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể, kinh phí phân bổ cho hoạt động khuyến công hàng năm tăng đều qua các năm, nhưng ngân sách tỉnh cấp hàng năm không tăng (ngân sách cấp mỗi năm hơn 3 tỷ đồng; tổng kinh phí phân bổ mỗi năm hoạt động từ 9 đến 10 tỷ đồng).
Đơn cử như năm 2022, Lâm Đồng đã thực hiện hoàn thành 35 nội dung đề án, tổng kinh phí là 8,99 tỷ đồng. Trong đó: Hỗ trợ có thu hồi vốn là 11 đề án, với kinh phí 6,9 tỷ đồng tập trung các ngành nghề như: sản xuất tơ lụa, chế biến nông sản, chế biến trà, chế biến gỗ, sản xuất chai hũ nhựa, sản xuất ngói, chế biến mắc ca (chiếm 77% của tổng kinh phí).
Cùng với đó, chương trình hỗ trợ không thu hồi vốn với 24 đề án, tổng kinh phí 2,09 tỷ đồng. Có thể thấy, mặc dù số kinh phí hỗ trợ không nhiều nhưng đã kịp thời động viên và đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhanh chóng phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid 19.
Ngoài ra, Khuyến công tỉnh Lâm Đồng luôn bám sát các nội dung hỗ trợ theo chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND, Quyết định số 212/QĐ-UBND, Quy chế khuyến công, tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm mới, sản phẩm chế biến sâu, các nông sản chủ lực của tỉnh, hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc, thiết bị tiên tiến, thông qua hình thức hỗ trợ có thu hồi vốn nhằm duy trì nguồn vốn ngân sách cho tỉnh tiếp tục hỗ trợ cho những đơn vị khác.
Qua thực tế triển khai hình thức “hỗ trợ có thu hồi vốn” cho thấy hình thức hỗ trợ có thu hồi vốn thật sự là vốn “mồi” động viên doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, chỉ tính trong năm 2022 tổng kinh phí hỗ trợ có thu hồi gần 7 tỷ đồng nhưng thu hút được trên 30 tỷ đồng từ nguồn vốn khác của các cơ sở sản xuất công nghiệp tham gia thực hiện các đề án khuyến công, góp phần giải quyết việc làm cho lao động ở vùng nông thôn, tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm và thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Lâm Đồng.
Năm 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng phân bổ trên 9 tỷ đồng để thực hiện kế hoạch khuyến công, trong đó hỗ trợ cho các đề án có thu hồi kinh phí là hơn 6,9 tỷ đồng, số tiến còn lại là hỗ trợ cho các đề án không thu hồi vốn. Với số vốn được phân bổ thực hiện kế hoạch khuyến công hơn 9 tỷ đồng nêu trên, trong đó có 12 nội dung hỗ trợ có thu hồi vốn như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị may công nghiệp, máy móc chế biến các loại nông sản và thực phẩm ở các địa phương như thành phố Bảo Lộc, huyện Đức Trọng và huyện Lâm Hà….
Có thể khẳng định, trong những năm qua việc thực hiện hình thức “hỗ trợ có thu hồi vốn”, Khuyến công tỉnh Lâm Đồng đã nỗ lực rất nhiều để duy trì, mang lại hiệu quả cao trong việc sử dụng nguồn ngân sách tỉnh.
Ông Lê Phước Long, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cho biết: “Có được kết quả trên là nhờ Khuyến công tỉnh Lâm Đồng đã bám sát Nghị Quyết của Tỉnh ủy, HĐND kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và định hướng chung của chương trình khuyến công để xây dựng kế hoạch. Thực hiện tốt việc phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức hiệp hội, hội ngành nghề, tổ chức đoàn thể - xã hội, các tổ chức hỗ trợ phát triển khác v.v. để hỗ trợ và thực hiện hoạt động khuyến công”.
Ngoài ra, đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, năng nổ của cán bộ làm công tác khuyến công tìm kiếm, cập nhật, lựa chọn doanh nghiệp sản xuất sản phẩm mới, doanh nghiệp đầu ngành, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất để khảo sát, xây dựng kế hoạch khuyến công hàng năm chất lượng để hỗ trợ và phải đảm bảo về công tác thu hồi vốn.
Đồng thời, vận dụng lồng ghép nhiều nội dung và chương trình để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, cụ thể: Đối với nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ có thu hồi vốn cho việc đầu tư xây dựng nhà xưởng và kết nối giao thương mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu….Đối với nguồn kinh phí khuyến công quốc gia tập trung hỗ trợ đổi mới máy móc thiết bị hoàn thiện dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách khuyến công trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng với các phương thức phong phú, đa dạng.