Những năm qua, mạng lưới cộng tác viên khuyến công tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tuyên truyền, phổ biến chính sách khuyến công đến các cơ sở sản xuất CNNT, giúp các cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm.
Để hiểu thêm hiệu quả hoạt động mạng lưới cộng tác viên khuyến công trên địa bàn tỉnh, Phóng viên Tạp chí Công Thương đã có buổi phỏng vấn ông Huỳnh Trung Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
PV: Xin ông cho biết tình hình phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ khuyến công của mạng lưới cộng tác viên khuyến công trong năm 2022?
Ông Huỳnh Trung Hải: Mạng lưới cộng tác viên khuyến công (CTVKC) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thành lập theo Quyết định số 1886/QĐ-UBND ngày 12/7/2021, Quyết định số 187/QĐ-SCT ngày 13/10/2021 của Sở Công Thương, gồm 25 cộng tác viên cấp xã là các cán bộ của UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Các CTVKC đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (Trung tâm) trong công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách khuyến công đến các cơ sở sản xuất CNNT, đặc biệt là các chính sách của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu như Quyết định số 1589/QĐ-UBND ngày 11/06/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Chương trình khuyến công tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021-2025, Quyết định số 34/2019/QĐ-UBND ngày 18/12/2019 ban hành quy chế quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công địa phương trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2022, mạng lưới CTVKC đã phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ khuyến công được UBND tỉnh phê duyệt. Cụ thể như, vận động và hướng dẫn các cơ sở tham gia Chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu các cấp, kết quả 78 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp huyện, 35 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, 13 sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực phía Nam. Các CTVKC đã tích cực phối hợp triển khai Chương trình khảo sát các cơ sở CNNT để nắm bắt thông tin của cơ sở và nhu cầu hỗ trợ từ chương trình khuyến công.
Theo dõi tiến độ đầu tư và phối hợp nghiệm thu nhiệm vụ Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất cho 10 cơ sở CNNT, hỗ trợ đầu tư phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm cho 3 cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực; Phối hợp tổ chức tốt 03 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các cơ sở CNNT với chuyên đề nâng cao nhận thức chuyển đổi số và thương mại điện tử; 01 lớp bồi dưỡng kỹ thuật sản xuất sạch hơn; 03 lớp tập huấn nâng cao ý thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Hàng quý, các CTVKC có báo cáo định kỳ về tình hình phát triển CN-TTCN trên địa bàn; Rà soát thống kê số lượng các cơ sở sản xuất CNNT; Đề xuất các hoạt động khuyến công theo định hướng chương trình, kế hoạch khuyến công của tỉnh; Tổng hợp những khó khăn, vướng mắc mà các cơ sở CNNT gặp phải, những bất hợp lý trong cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính báo cáo Trung tâm xem xét, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền giải quyết.
PV: Xin ông đánh giá chung về những thuận lợi và khó khăn của mạng lưới cộng tác viên khuyến công trên địa bàn tỉnh?
Ông Huỳnh Trung Hải: Về mặt thuận lợi, chương trình khuyến công được sự quan tâm của các cấp các ngành, mạng lưới CTVKC được phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố; UBND các phường, xã, thị trấn tạo điều kiện trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ khuyến công tại địa phương.
Các CTVKC là lãnh đạo, cán bộ Thương mại - Dịch vụ, công chức văn phòng thống kê, chủ tịch Hội nông dân xã, công chức văn phòng UBND các xã, phường, thị trấn nên nắm rõ tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, số lượng và năng lực sản xuất của các cơ sở. Do đó, phát huy được vai trò là đầu mối đề xuất và triển khai các hoạt động khuyến công.
Hàng năm, Trung tâm tổ chức 02 lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các CTVKC nhằm phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nâng cao kỹ năng tiếp cận kết nối với các cơ sở CNNT và đề xuất các chương trình hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công.
Thông qua mạng lưới cộng tác viên, các cơ sở CNNT tiếp cận gần hơn các chính sách khuyến công, các cơ sở trên nhiều lĩnh vực như cơ khí, chế biến nông sản, sản xuất gỗ, thủ công mỹ nghệ … dần thay đổi tư duy từ thủ công sang hiện đại, từ đó năng suất, chất lượng sản phẩm được tăng lên. Việc áp dụng chương trình khuyến công đã mang lại hiệu quả tích cực đến từ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh nói chung.
Tuy nhiên, hoạt động CTVKC gặp một số khó khăn. Cán bộ tham gia mạng lưới CTVKC chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm nên có lợi thế cập nhật kịp thời tình hình địa phương nhưng thời gian dành cho nhiệm vụ phối hợp thực hiện hoạt động khuyến công còn hạn chế. Các cơ sở CNNT phân bố rải rác và xen kẽ trong khu dân cư phần nào ảnh hưởng đến công tác tư vấn hỗ trợ.
Một số chủ cơ sở, doanh nghiệp hoặc người quản lý chưa nắm rõ về các chính sách nhà nước nên còn e ngại tiếp cận chương trình hỗ trợ từ khuyến công. Một số cơ sở sản xuất kinh doanh theo quy mô gia đình nhỏ lẻ, khả năng tài chính có hạn, chưa có nhu cầu áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất, quản lý vận hành nên không muốn tham gia thụ hưởng nguồn kinh phí hỗ trợ. Và đó cũng là lý do các cơ sở, doanh nghiệp chưa nhiệt tình tham gia các buổi tập huấn nâng cao năng lực trong quản lý thuộc chương trình khuyến công hàng năm.
PV: Để nâng cao hiệu quả hoạt động mạng lưới CTVKC góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2022 và chuẩn bị cho kế hoạch năm 2023, Trung tâm đã đề ra nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp gì trong quý IV năm 2022?
Ông Huỳnh Trung Hải: Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2022, trong Quý IV, mạng lưới CTVKC tiếp tục cùng đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng Trung tâm trong việc triển khai hoàn thành các nhiệm vụ còn lại của năm như: Tích cực thực hiện, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành công tác điều tra khảo sát các doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên địa bàn nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu các thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm, năng lực sản xuất, từ đó xây dựng chương trình nhiệm vụ về hoạt động khuyến công hỗ trợ phù hợp.
Rà soát các cơ sở CNNT trên địa bàn, nắm bắt các nhu cầu cần hỗ trợ để đề xuất các hoạt động khuyến công cụ thể năm 2023 theo định hướng, kế hoạch khuyến công của tỉnh; Phối hợp với TTKC, Sở Công Thương, phòng Kinh tế/Kinh tế - Hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố thực hiện khảo sát thực tế tại các cơ sở có nhu cầu hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất để xây dựng chương trình khuyến công năm 2023.
Đồng thời, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động mạng lưới CTVKC góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2022 và chuẩn bị cho kế hoạch năm 2023, Trung tâm đề ra một số giải pháp như sau: UBND cấp xã quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để cán bộ, CTVKC phối hợp chặt chẽ với TTKC trong công tác triển khai các chương trình nhiệm vụ khuyến công, góp phần phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp tại địa phương.
Trung tâm đôn đốc các CTVKC về tiến độ công việc, trao đổi nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề có liên quan đến chương trình công tác khuyến công ở địa bàn; Đảm bảo chế độ thù lao theo quy định và chế độ thưởng đối với các cán bộ, CTVKC có đóng góp tích cực, phối hợp hiệu quả với Trung tâm trong việc triển khai chương trình khuyến công.
Tăng cường tuyên truyền chính sách khuyến công, kết quả hoạt động khuyến công qua các kênh: Đài phát thanh cấp huyện và truyền hình tỉnh, bản tin khuyến công, trang thông tin điện tử của Trung tâm... để tuyên truyền rộng rãi tới các cơ sở CNNT hơn nữa, giúp các CTVKC dễ dàng tiếp cận, vận động các cơ sở CNNT tham gia các hoạt động khuyến công.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!