Hoạt động khuyến công góp phần phát triển CNNT
Theo đó, được sự quan tâm của Bộ Công Thương, năm 2021 tỉnh Thái Bình đã tiếp cận với nguồn kinh phí khuyến công từ Trung ương hỗ trợ 03 đơn vị ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng kinh phí 900 triệu đồng.
Bên cạnh đó, năm 2021-2022 Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình cũng đã quan tâm bố trí 7,7 tỷ đồng triển khai thực hiện các chương trình, đề án khuyến công để hỗ trợ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT trong tỉnh chủ yếu tập trung vào hỗ trợ đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất; tổ chức các hội nghị tập huấn về định hướng phát triển chiến lược, quy trình kết nối kinh doanh và các kỹ năng quản lý dự án, giải pháp quản trị chuỗi cung ứng trong kỷ nguyên số cho các doanh nghiệp, tập huấn chuyên môn về an toàn điện, công tác khuyến công cho các tổ chức, cá nhân làm công tác khuyến công trên địa bàn tỉnh; phổ biến, triển khai các văn bản của Trung ương, địa phương về công tác khuyến công…
Qua đó, hoạt động khuyến công đã và đang phát huy hiệu quả, kịp thời giúp các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu, tháo gỡ một phần khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra.
Đồng thời, chương trình khuyến công đã và đang thu hút được nhiều các doanh nghiệp, các cơ sở CNNT tham gia phát triển sản xuất công nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm mới, từ đó thu hút một lượng lớn vốn đối ứng của các doanh nghiệp, các cơ sở CNNT trong việc đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất, chế biến góp phần nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương đem lại lợi ích cho đơn vị sản xuất, góp phần phát triển CNNT, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động khu vực nông thôn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khuyến công tỉnh Thái Bình vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế như. Đa phần các cơ sở CNNT chủ yếu là hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế nên rất khó đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Nhận thức của các cơ sở, doanh nghiệp về hoạt động khuyến công còn chưa đầy đủ dẫn tới sự hưởng ứng và cộng tác của các đơn vị còn hạn chế. Các ngành nghề tham gia đăng ký vẫn chủ yếu mang tính tiểu thủ công nghiệp chưa thực sự đi sâu khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương.
Thời gian từ lúc đăng ký đề án đến khi được phê duyệt kéo dài dẫn đến các đề án khuyến công còn phải điều chỉnh theo tình hình thực tế của các đơn vị thụ hưởng do các nguyên nhân về tài chính, do nhu cầu thị trường thay đổi nên doanh nghiệp thay đổi phương án đầu tư máy móc thiết bị.
Ngoài ra, công tác thông tin tuyên truyền về chính sách khuyến công và việc nhân rộng các mô hình khuyến công có hiệu quả còn hạn chế, chưa đa dạng. Các đề án khuyến công hiện chỉ tập trung ở một số nội dung, chưa khai thác, thực hiện hết các nội dung về hoạt động khuyến công quy định trong Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ.
Nguồn kinh phí được cấp hằng năm cho hoạt động khuyến công còn hạn chế, chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước, chưa huy động được nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; mức hỗ trợ thấp, nhất là với các dự án có mức đầu tư cao nên việc thu hút đối tượng thụ hưởng còn nhiều hạn chế.
Giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác khuyến công
Trước những hạn chế trên, công tác khuyến công tỉnh Thái Bình trong thời gian tới cần tập trung nâng cao chất lượng hơn nữa nhằm đáp ứng yêu cầu hỗ trợ các cơ sở CNNT vượt qua khó khăn, thúc đẩy phát triển CN-TTCN. Theo đó, các hoạt động khuyến công cần thực hiện một số giải pháp cơ bản như sau:
Thứ nhất: Về cơ chế chính sách, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công thông qua việc đẩy mạnh triển khai thực hiện các nội dung của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP về công tác khuyến công. Cụ thể hoá bằng các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, huy động các nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp tập trung đầu tư, đổi mới ứng dụng máy móc, trang thiết bị tiên tiến nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất CN-TTCN.
Triển khai các cơ chế chính sách về khuyến công và các chính sách khác theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương như: chế biến thủy sản; thủ công mỹ nghệ; dệt may xuất khẩu; sản phẩm gốm sứ; đúc cơ khí… Hoạt động khuyến công phải bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp của tỉnh, khai thác thế mạnh về nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên, nguồn nguyên liệu, thị trường lao động tại địa phương để phát triển CNNT.
Thứ hai: Nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ về vị trí, tầm quan trọng của hoạt động khuyến công trong hỗ trợ phát triển CN-TTCN. Tăng cường tập huấn, phổ biến đến các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông thôn, người lao động và đội ngũ cộng tác viên kiến thức về hoạt động khuyến công, chính sách khuyến công.
Thứ ba: Đẩy mạnh triển khai các nội dung hoạt động khuyến công, chú trọng công tác đào tạo nghề, ưu tiên cho các ngành, nghề truyền thống nhằm phát triển các sản phẩm có chất lượng mang tính đặc trưng của địa phương; tiếp tục duy trì, khôi phục, phát triển, nhân cấy nghề cho các làng nghề; hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao tay nghề đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các cơ sở CN-TTCN nông thôn; xây dựng và triển khai các dự án dạy nghề, giải quyết việc làm cho nông dân, nhất là những nơi đã chuyển đất sang làm công nghiệp, đô thị. Quan tâm xây dựng các chương trình, đề án khuyến công theo hướng hỗ trợ có trọng điểm, có sự bứt phá và có bước chuyển rõ rệt cho sự phát triển của ngành Công Thương.
Thứ tư: Hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở CNNT phát triển sản phẩm, tham gia hội chợ triển lãm trong nước và nước ngoài để tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tạo sự phát triển cho doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm trên Website, Sàn giao dịch thương mại điện tử của Sở Công Thương và các trang thương mại điện tử uy tín khác; tạo điều kiện cho các cơ sở CNNT tham gia, tìm hiểu công nghệ kỹ thuật mới, máy móc hiện đại,… từ đó trao đổi, phổ biến, nghiên cứu áp dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở CNNT.
Xây dựng kênh phân phối hàng hoá gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ cho các doanh nghiệp, HTX, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, cơ sở CNNT. Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở CNNT xây dựng thương hiệu, sáng tác, thiết kế bao bì, nhãn mác, mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú... phù hợp thị hiếu người tiêu dùng nhằm nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, mở rộng và giữ vững thị trường tiêu thụ.
Thứ năm: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công, củng cố kiện toàn bộ máy, nâng cao trình độ năng lực đội ngũ cán bộ, viên chức trực tiếp thực hiện các hoạt động khuyến công. Tích cực đi công tác cơ sở để nắm bắt tình hình thực tế, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các cơ sở CNNT nhằm đề xuất chương trình hỗ trợ cho các cơ sở phù hợp với quy định của Nhà nước.
Chủ động phối hợp giữa khuyến công, thương mại với khuyến nông và sản xuất nhằm từng bước thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành công nghiệp, nông nghiệp phát triển trong mối quan hệ gắn bó đồng bộ với nhau. Thiết lập quan hệ chặt chẽ và đẩy mạnh công tác phối hợp với các địa phương và các tổ chức đoàn thể nâng cao hiệu quả công tác phối hợp. Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, đề xuất những chính sách như hỗ trợ vốn vay, lãi suất vay, hỗ trợ dịch vụ hành chính công… nhằm duy trì, phát triển sản xuất, góp phần phát triển công nghiệp nông thôn.