Công nghiệp, thương mại duy trì tăng trưởng cao
Theo báo cáo của tỉnh Bắc Giang tại buổi làm việc với đoàn công tác Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu sáng 11/5/2023, trong những năm qua, Bắc Giang đã có bước phát triển mạnh mẽ và vững chắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước; trong đó, năm 2022 đạt 19,3%, đứng thứ 2/63 tỉnh, thành; 3 tháng đầu năm 2023 dù vẫn đứng thứ 8 cả nước với mức tăng đạt 8,4% song không đạt như kỳ vọng và thấp hơn cùng kỳ; trong đó sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp tiếp tục bị cắt, giảm đơn hàng. Từ đầu tháng 4/2023, sản xuất công nghiệp đã có cải thiện hơn so với tháng 3.
Về công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp (giá hiện hành) 4 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Bắc Giang đạt 160.210 tỷ đồng, tăng 14,9% so cùng kỳ. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục chiếm tỷ trọng chi phối, là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh nói chung và ngành công nghiệp nói riêng, chiếm 98,5% giá trị sản xuất toàn ngành. Sản xuất công nghiệp chủ yếu tại các KCN; tính đến hết tháng 4/2023 có 409 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong các KCN, tăng 9 doanh nghiệp so với năm 2022.
Tổng giá trị xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang 4 tháng đầu năm 2023 đạt 12,9 tỷ USD, tăng 6,9% cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu 6,7 tỷ USD, tăng 12,6%, nhập khẩu 6,16 tỷ USD, tăng 1,3%. Các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 85% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh.
Tổng thu ngân sách nhà nước của Bắc Giang 4 tháng năm 2023 đạt 5.080 tỷ đồng, giảm 9,1% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp đã đóng góp khoảng 17,6% tổng thu ngân sách địa phương (không bao gồm tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế).
Trong 4 tháng năm 2023, Bắc Giang đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI với 17 dự án được cấp mới, vốn đăng ký 943,9 triệu USD. Toàn tỉnh hiện có 14.159 doanh nghiệp được thành lập, tổng vốn đăng ký là 154.822 tỷ đồng. Tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2023, tại Bắc Giang có 595 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 18,3% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 11.760 tỷ đồng, tăng 31%. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 18 tỷ đồng.
Hiện có khoảng 60% số doanh nghiệp hoạt động trên tổng số doanh nghiệp đăng ký. Trong đó, có khoảng trên 42% doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, 40% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, 18% doanh nghiệp mới đăng ký, đang trong quá trình chuẩn bị các thủ tục gia nhập thị trường.
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 286.000 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, giảm khoảng 16 nghìn lao động so với cuối năm 2022. Riêng trong các KCN tại Bắc Giang hiện có 159.024 lao động thực tế đang đi làm (giảm trên 13 nghìn lao động so với trước Tết Nguyên đán 2023).
Dự kiến trong quý II/2023 các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng trên 20.000 lao động, trong đó: Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải: 6.000 lao động; Tập đoàn Luxshare - ICT: 10.000 lao động; Công ty TNHH Công nghệ Lens: 2.000 lao động...
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh Bắc Giang tính đến nay là 9.925,8 tỷ đồng; trong đó: Vốn đầu tư phát triển 9.507,2 tỷ đồng; vốn sự nghiệp NSTW 418,6 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 14/4/2023: Tổng giá trị giải ngân chung đạt 1.616 tỷ đồng, bằng 13,3% kế hoạch (cùng kỳ đạt 19,1% kế hoạch), trong đó: Vốn đầu tư phát triển giải ngân 1.614,6 tỷ đồng, bằng 13,8% kế hoạch; vốn sự nghiệp giải ngân 1,4 tỷ đồng, bằng 0,3% kế hoạch.
“Trên địa bàn tỉnh hiện không có dự án trọng điểm Quốc gia, tuy nhiên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã xác định 21 dự án lớn, trọng điểm của tỉnh thuộc diện theo dõi chỉ đạo, tập trung vào các lĩnh vực giao thông, đô thị, hạ tầng KCN, dịch vụ và quản lý hành chính; bao gồm: 10 dự án sử dụng vốn đầu tư công, 2 dự án đầu tư theo hình thức PPP, 9 dự án thu hút đầu tư. Tỉnh đã kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng sớm nhất có thể nhằm phát huy hiệu quả, tạo không gian, động lực mới cho tăng trưởng cả trong ngắn hạn và dài hạn”, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho hay.
Kiến nghị gỡ vướng trong cơ chế, chính sách
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, từ quý IV/2022 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Trong đó, nổi bật nhất là vấn đề thị trường, đơn hàng, chi phí nguyên vật liệu, lao động...
Nhiều doanh nghiệp ghi nhận việc thiếu đơn hàng, chỉ đảm bảo khoảng 35-50% năng lực sản xuất, những đơn hàng còn tồn cũng bị đối tác hoãn, giãn giao hàng dẫn đến phải cắt giảm quy mô sản xuất, cho người lao động thôi việc, nghỉ việc luân phiên. Các doanh nghiệp nhận định khó khăn dự kiến kéo dài hết quý II/ 2023.
Việc triển khai các dự án đầu tư, xây dựng cũng còn gặp nhiều khó khăn về cơ chế, chính sách, công tác bồi thường giải phòng mặt bằng, chi phí nguyên, vật liệu tăng... ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư cũng như tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bắc Giang kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến trình tự, thủ tục thành lập Cụm công nghiệp và quản lý kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp; sớm có hướng dẫn cho các doanh nghiệp liên quan đến chứng nhận về sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất, tạo điều kiện cho Bắc Giang phát triển các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và các dự án trạm biến áp.
Bắc Giang cũng đề nghị Bộ Công Thương quan tâm, tạo điều kiện ban hành Quyết định thành lập Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực Bắc Giang, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ sớm ban hành các Nghị định về phát triển và quản lý chợ và Nghị định về kinh doanh xăng dầu; hỗ trợ tỉnh tuyên truyền, quảng bá, kết nối tiêu thụ vải thiều tại các kênh phân phối, đặc biệt trên kênh thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng trao đổi nhiều đề xuất, kiến nghị đến đại diện các Bộ, ngành liên quan tham gia đoàn công tác liên quan đến thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thủ tục đầu tư hạ tầng KCN; công tác giải ngân vốn đầu tư công; công tác quy hoạch phân khu; quy định về bảo vệ môi trường đối với các dự án công nghiệp; cơ chế hỗ trợ, ưu đãi chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội;…